Hơn 10 năm qua, Luật Trọng tài thương mại ở Việt Nam được Quốc hội khóa 12 thông qua, việc áp dụng này thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật trọng tài quốc tế, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. PV báo Người đưa tin pháp luật có buổi trò chuyện cùng luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM về vấn đề này. MTG xin giới thiệu bài viết.
- PV: Thưa ông, hiện nay giải quyết chấp thương mại bằng trọng tài có nhiều ưu thế, với vai trò là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, ông đánh giá gì về thực tế này?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng, lợi ích lớn nhất khi sử dụng phán quyết của trọng tài thương mại là giúp các bên giải quyết vấn đề tranh chấp nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin… Phán quyết của trọng tài là chung thẩm nên có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp, không thế chống án, hay kháng cáo.
Ngoài ra, nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi như tòa án (giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án có thể công bố thông tin rộng rãi, các phương tiện truyền thông, báo chí có thể dự đưa tin - PV). Đây là ưu điểm lớn quan trọng bởi các doanh nghiệp không muốn các bí quyết, bí mật kinh doanh bị phơi bày công khai, điều mà các doanh nghiệp luôn coi là tối kỵ.
- Theo ông, khi nào nên chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài? Doanh nghiệp cần chọn trọng tài trong nước hay nước ngoài để giải quyết vấn đề khi có tranh chấp?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong tố tụng trọng tài, trọng tài chỉ xét xử một lần các tranh chấp kinh doanh. Phán quyết của trọng tài là quyết định chung thẩm, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là nguyên tắc đặc trưng của tố tụng trọng tài so với tố tụng tòa án. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của tố tụng trọng tài là nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên đương sự.
Các bên đương sự đã tự do lựa chọn và tín nhiệm người phán xử cho mình thì đương nhiên phải phục tùng quyết định của người đó. Trong khi đó, trong tố tụng tòa án có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, trong một số trường hợp phán quyết của tòa án còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Chính vì thủ tục tố tụng tòa án phải thông qua nhiều giai đoạn xét xử khác nhau đã dẫn tới việc kéo dài thời gian xét xử, đây là điều mà các nhà kinh doanh không mong muốn.
Về điều kiện khởi kiện thì do xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện - một nguyên tắc cốt lõi trong tố tụng trọng tài, sự hình thành trọng tài là do ý chí tự nguyện của các bên đương sự và trong quá trình tố tụng trọng tài đều nhân danh ý chí tối cao của các bên đương sự. Các bên đương sự hoàn toàn có thể lựa chọn các hình thức trọng tài mà họ cho là phù hợp trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các chủ thể, không có sự áp đặt ý chí của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Chính vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra, các bên tranh chấp chỉ có thể đưa vụ tranh chấp ra tố tụng trọng tài để giải quyết khi đã có sự thỏa thuận trước về việc này. Điều này có nghĩa là sự thỏa thuận trọng tài là điều kiện quyết định quyền khởi kiện của đương sự.
Tố tụng trọng tài không có nguyên tắc xét xử tập thể như trong tố tụng tòa án. Việc chọn một hay nhiều trọng tài viên để giải quyết tranh chấp cho mình là quyền của các bên tranh chấp, pháp luật không can thiệp. Pháp luật chỉ can thiệp vào vấn đề này khi các bên không thỏa thuận được với nhau về cách thức lựa chọn trọng tài viên mà thôi.
- Từ căn cứ “phán quyết của trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” dẫn đến nhiều phán quyết bị hủy, từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng trọng tài. Theo ông, nó ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi thấy rằng, lý do chính đó là nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về trọng tài thương mại còn chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp vẫn có thói quen thiên về việc lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp. Thậm chí đến nay, nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại về việc phán quyết trọng tài được ban hành không thi hành được. Căn cứ “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” được quy định quá chung chung, không rõ ràng nên việc áp dụng một cách tùy tiện là không thể tránh khỏi.
Hiện nay, gần như trong các bộ luật, luật ở nước ta đều có những quy định về “nguyên tắc”, vì thế bên yêu cầu có thể dễ dàng viện dẫn phán quyết trọng tài “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” và đưa ra giải thích hợp lý, tòa án sẽ căn cứ vào đó để ra quyết định hủy phán quyết trọng tài. Thực tiễn giải quyết tranh chấp những năm qua cho thấy số phán quyết trọng tài bị hủy vì lý do này là không nhỏ.
Tôi cho rằng việc hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ chung chung như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, giảm uy tín luật trọng tài thương mại hiện hành...
- Từ những thương vụ M&A và những tranh chấp thương mại mà ông đã thực hiện, ông đánh giá như thế nào về luật trọng tài thương mại hiện nay? Có những vướng mắc, bất cập nào cần điều chỉnh, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa 12 thông qua vào năm 2010 đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc phát triển hoạt động trọng tài, góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng Luật Trọng tài thương mại cho thấy đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần được tiếp tục hoàn thiện, như:
Vấn đề thẩm quyền của trọng tài - quy định về thẩm quyền của trọng tài: Tại điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”, theo đó, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cũng có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, miễn là lĩnh vực đó phát sinh theo quy định của luật. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể những loại tranh chấp nào thuộc thẩm quyền của trọng tài để hạn chế xung đột về thẩm quyền giữa trọng tài với tòa án.
Về vấn đề hủy phán quyết của trọng tài: Căn cứ để hủy phán quyết của trọng tài được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010. Khi có đơn yêu cầu về việc hủy phán quyết của trọng tài, tòa án sẽ xem xét các căn cứ tại điều 68, trên thực tế hiện nay thì trong các trường hợp phán quyết của trọng tài bị hủy chủ yếu được viện dẫn tại các điểm a, b và đ, đặc biệt là tại điểm đ “phán quyết của trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Đây là nguyên tắc được cho rằng còn khá mơ hồ, không rõ ràng... Chính điều này đã dẫn đến việc có sự áp dụng và cách hiểu khác nhau giữa các tòa án, dẫn đến điều luật này dễ bị lạm dụng.
Ngoài ra, các quy định của Luật Trọng tài thương mại hiện hành cũng đang thể hiện nhiều hạn chế trong việc xác định hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; Sự thống nhất giữa Luật Trọng tài thương mại 2010 và Luật Thi hành án dân sự 2014; vấn đề về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; vấn đề về chất lượng chuyên môn của trọng tài viên… Các bất cập nói trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc phát triển của hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam hiện nay.
- Từ thực tế giải quyết những tranh chấp thương mại bằng trọng tại tại TP.HCM, theo ông thời gian vừa qua việc thực thi phán quyết trọng tài diễn ra như thế nào?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Những vụ việc tôi trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài tại TP.HCM, tôi nhận thấy một số tồn tại như sau: Sau khi thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, tòa án nhân dân TP.HCM đã không thông báo việc thụ lý cho Trung tâm Trọng tài hoặc trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài vụ việc theo quy định.
Bên cạnh đó, sau ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, tòa án đã không gửi quyết định hủy phán quyết trọng tài cho Trung tâm Trọng tài hoặc trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc theo quy định. Điều này đã khiến cho Trung tâm Trọng tài hoặc trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài vụ việc mất đi quyền bảo vệ đối với phán quyết trọng tài của mình.
Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án yêu cầu bên được thi hành phán quyết trọng tài phải cung cấp xác nhận của tòa án về việc phán quyết trọng tài có bị hủy hay không hoặc yêu cầu bên phải thi hành phán quyết trọng tài cung cấp cho cơ quan thi hành án xác nhận của tòa án hoặc cơ quan thi hành án chủ động trực tiếp yêu cầu tòa án cung cấp xác nhận này. Điều này khiến cho quá trình thi hành án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên được thi hành án.
Ngoài các khó khăn nêu trên, hoạt động trọng tài thương mại tại TP.HCM còn gặp nhiều vấn đề khác như: Chất lượng đội ngũ trọng tài viên vẫn còn hạn chế; một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế, yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp, nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế; số trọng tài viên có trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế còn rất ít; số trung tâm thường xuyên có vụ việc giải quyết chiếm rất ít; số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài còn ở mức khiêm tốn, chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hằng năm.
Quy định về hủy phán quyết trọng tài còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều phán quyết trọng tài bị hủy một cách thiếu căn cứ.
Việc các phán quyết trọng tài bị hủy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp e ngại khi lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp.
- Theo ông, làm sao để Luật Trọng tài thương mại được doanh nghiệp, người dân hiểu biết, vận dụng đúng đắn, kịp thời?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Để phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động trọng tài thương mại trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải tập trung làm tốt các mục tiêu sau đây:
Thứ nhất là cần hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại. Hoàn thiện pháp luật về thương mại theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại: mở rộng khái niệm hoạt động thương mại trong Luật Thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về ngân hàng, chứng khoán… theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại khác...
Thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trọng tài thương mại nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật trọng tài thương mại, kỹ năng cho trọng tài viên.
Thứ ba là nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực đội ngũ trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hoàn thiện kỹ năng cho trọng tài viên, xây dựng quy tắc đạo đức trọng tài viên, nâng cao năng lực của các trung tâm trọng tài bằng cách tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo tập huấn chuyên sâu các kỹ năng của trọng tài viên...
Thứ tư là nâng cao chất lượng xét xử trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài đảm bảo phán quyết được tuyên cụ thể, chính xác, rõ ràng, dễ thi hành. Công bố một phần hoặc đầy đủ phán quyết trọng tài, xây dựng các điều khoản trọng tài mẫu, phán quyết trọng tài mẫu. Có chính sách thu hút, khuyến khích luật sư nước ngoài tham gia tranh tụng trọng tài.
Thứ năm là tăng cường chất lượng hoạt động hỗ trợ của tòa án, cơ quan thi hành án đối với hoạt động tố tụng trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và Luật Thi hành án dân sự. Xây dựng quy chế phối hợp giữa tòa án và cơ quan thi hành án về hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam...
Cuối cùng là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại. Tổ chức hội nghị, tọa đàm với các tổ chức trọng tài thương mại để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động nhằm có giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Trọng tài Việt Nam; xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trọng tài viên...