Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, sáng 11.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Đối tác công - tư: cần quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro

11/11/2019, 16:01

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, sáng 11.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Quốc hội thảo luận Luật PPP - Ảnh: TTXVN

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc ban hành Luật PPP quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật (ngân sách nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...).

Hơn nữa, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP, cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Trong khi đó, ông Dũng cho rằng hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Do đó cần thiết ban hành Luật PPP.

Trong tờ trình lần này, Chính phủ đề nghị sửa tên luật thành “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư khá cao, đồng thời muốn hấp dẫn các nhà đầu tư thì cần dự án có quy mô đủ lớn.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Các dự án có quy mô nhỏ hơn hạn mức này có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản hơn (xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...) theo đó vẫn bảo đảm được cơ hội thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các dự án quy mô nhỏ ở địa phương.

Từ đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án:

Phương án 1: Quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (như dự thảo hiện nay).

Phương án 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.

“Bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp”, ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, nhằm tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP.

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo luật.

Cùng với đó, cần làm rõ tính chất đặc thù của phương thức đầu tư PPP, làm rõ sự khác biệt giữa dự án PPP với các dự án đầu tư công hoặc dự án đầu tư tư nhân thuần túy.

Ủy ban này cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.

Nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp ngay tại dự thảo luật về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án PPP và các nội dung liên quan áp dụng đối với từng loại hợp đồng PPP có tính chất và cách thức thực hiện khác nhau.

Làm rõ hơn trong dự thảo luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường.

Nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo luật một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm, đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP; nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, ngoài những nội dung nêu trên, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự thảo luật, tránh tình trạng quy định chung chung như “theo quy định của pháp luật”, “các nội dung cần thiết khác”... gây khó khăn trong thực tế triển khai.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
27 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối tác công - tư: cần quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro