Thế giới hoàn hảo là thứ xa xỉ mà chúng ta không thể có, nhưng chúng ta vẫn cần giao tiếp trong môi trường đầy thiếu sót đó. Sự đơn giản là con đường để chúng ta tiến lên phía trước.
Văn hóa

'Đơn giản mà nói': Lợi thế của sự đơn giản

Hạ Vĩ 13/12/2024 11:18

Thế giới hoàn hảo là thứ xa xỉ mà chúng ta không thể có, nhưng chúng ta vẫn cần giao tiếp trong môi trường đầy thiếu sót đó. Sự đơn giản là con đường để chúng ta tiến lên phía trước.

Trả lời đúng chính là câu trả lời đơn giản nhất

Đơn giản không phải một khái niệm mới, trên thực tế, ý tưởng về sự đơn giản đã được thử nghiệm trên mọi lĩnh vực ở mọi thế hệ. Đáng chú ý nhất, William xứ Occam – tu sĩ dòng thánh Francis sống vào thế kỷ 14 – đã được mọi người nhớ đến với nguyên tắc mang tên ông là “dao cạo Occam”, theo đó câu trả lời đơn giản hơn thường là câu trả lời đúng.

Trong nhiều lĩnh vực như khoa học, y học hay lịch sử, khi tìm kiếm lời giải thích cho những hiện tượng xảy ra xung quanh mình, chúng ta liên tục phát hiện ra câu trả lời đúng chính là câu trả lời đơn giản nhất, có ít giả định nhất và ít khúc mắc nhất. Hơn một thiên niên kỷ trước Occam, Aristotle từng nói: “Tự nhiên vận hành theo con đường ngắn nhất có thể”.

Đầu thế kỷ 17, Shakespeare viết trong Hamlet (Hamlet - Hoàng tử Đan Mạch): “Sự ngắn gọn là linh hồn của trí tuệ”. Sau đó, cũng trong thế kỷ 17, những người theo Giáo Hữu Hội (một nhánh nhỏ của Ki-tô giáo) đưa ra “lời cam kết đơn giản” như kim chỉ nam cho đức tin của họ.

Đến thế kỷ 20, hải quân Hoa Kỳ khiến nguyên tắc KISS trở nên phổ biến, theo đó KISS là viết tắt của “Keep It Simple, Stupid”, có nghĩa là “Nói đơn giản thôi, đồ ngốc”. Câu cầu khiến thẳng thừng này đã được chúng ta áp dụng để phát triển mọi thứ, từ máy bay chiến đấu đến các bộ phim của Disney, đồng thời nó còn truyền cảm hứng cho cả các lập trình viên lẫn chính trị gia trong quá trình phát triển sự nghiệp.

1tg-don-gian-ma-noi-3.jpg

Ngày nay, trong thời đại văn hóa phát triển chóng mặt, chúng ta có thể thấy những lời kêu gọi sống đơn giản ở mọi nơi. Quyển sách hướng đến sự đơn giản của Marie Kondo là The Life-Changing Magic of Tidying Up (Nghệ thuật bài trí của người Nhật) đã thành công vang dội đến mức nó không chỉ dẫn đến sự ra đời của một chương trình Netflix nổi tiếng (khiến lượng đồ quyên góp ở một số cửa hàng thu gom đồ cũ Goodwill tăng vọt tới 66%), mà còn cả một loạt sách ăn theo bán đắt như tôm tươi.

Xuất hiện bên cạnh Kondo trên bảng xếp hạng những quyển sách bán chạy và nội dung phát trực tuyến ăn khách nhất là những người có tầm ảnh hưởng và những tác giả khác đang tái định nghĩa các giáo lý khổ hạnh của chủ nghĩa khắc kỷ. Những ứng dụng thiền giúp chúng ta lánh khỏi thế giới xô bồ này thường là những phần mềm có lượt tải xuống cao nhất, và các nhà sản xuất đã làm ra những chiếc điện thoại đang chạy các ứng dụng cũng tung ra những công cụ giúp chúng ta giảm bớt thời gian bị điện thoại làm phân tâm.

Sau trận đại dịch đã buộc chúng ta phải nhìn lại cuộc sống lộn xộn của mình, các nhà thiết kế nội thất tuyên bố “giờ là lúc chủ nghĩa tối giản lên ngôi”, trong khi các thương hiệu bắt đầu loại bỏ những chi tiết trang trí cầu kỳ để hướng đến hình thức thẩm mỹ đơn giản hơn.

Trong bối cảnh tiêu dùng hiện đại, những sản phẩm đơn giản mà trang nhã của Apple do Steve Jobs cùng Jony Ive định hình và thiết kế không chỉ mang lại hàng tỷ đô-la cho tập đoàn hàng đầu thế giới này mà còn truyền cảm hứng cho hàng ngàn nhà sáng tạo trong vô số lĩnh vực khác. Nhưng trước khi làm được điều đó, Jobs và Ive đã được truyền cảm hứng bởi Dieter Rams.

Rams là nguồn động lực sáng tạo đứng sau thương hiệu hàng tiêu dùng Braun của Đức, là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử thiết kế và là người ủng hộ nhiệt thành của sự đơn giản. Triết lý của ông là sự tổng hòa của tất cả những kinh nghiệm mà con người chúng ta đã tích lũy trong nhiều thế kỷ qua: “Thiết kế xuất sắc là thiết kế càng ít chi tiết càng tốt. Thiết kế ít chi tiết hơn hóa ra lại tốt hơn vì nó tập trung vào những khía cạnh thiết yếu, giúp sản phẩm không phải gánh thêm những thứ thừa thãi. Trở lại với sự thuần khiết, trở lại với sự đơn giản”.

Thời đại nào cũng vậy, mỗi khi phải đối mặt với thử thách và sự bất định, chúng ta luôn quay lại với nguyên tắc của Rams. Thứ có thể thành công, thứ chúng ta muốn và thứ lay động chúng ta chỉ đơn giản vậy thôi: ít hơn, nhưng tốt hơn.

Sự đơn giản thể hiện sự tử tế

Sau phim Toy Story (Câu chuyện Đồ chơi), Pixar liên tục cho ra đời hàng loạt siêu phẩm. Không chỉ gặt hái thành công về mặt thương mại, Pixar còn được các nhà phê bình đánh giá cao và được giới mộ điệu yêu mến. Phong cách của hãng bị bắt chước, nhiều người săm soi Pixar từng li từng tí hòng chắt lọc bí quyết thành công của họ.

Năm 2012, Emma Coats – một họa sĩ vẽ kịch bản phân cảnh (storyboard) tại Pixar – đã chia sẻ danh sách các quy tắc kể chuyện mà cô học được từ những đồng nghiệp đẳng cấp thế giới, và một trong những quy tắc đó là “Bạn phải luôn nghĩ đến những thứ khiến bạn cảm thấy thú vị với tư cách là một khán giả thay vì tác giả”.

Sự đơn giản có được nhờ tập trung vào cảm xúc của người nhận là một dạng tử tế. Trân trọng thời gian và mong muốn của người khác là biểu hiện của lòng tốt. Đặt mình vào vị trí của người khác là đồng cảm. Nhưng tử tế khác với tế nhị. Tế nhị chỉ những hành động bề ngoài, ví dụ như cư xử lịch sự, làm vui lòng người khác và tránh xung đột. Tử tế sâu sắc hơn nhiều; tử tế là bạn thật sự quan tâm đến đối phương và niềm vui của họ.

don-gian-ma-noi.png

Thông điệp phức tạp có thể chứa đầy những lời hoa mỹ nhưng lại không xét đến thời gian và sự chú ý có giới hạn của người nhận. Một tin xấu được thông báo với thái độ trung thực và tôn trọng người nhận sẽ tử tế hơn nói những lời có cánh nhưng lảng tránh vấn đề.

Cựu thị trưởng Ed Koch của Thành phố New York là hiện thân của kiểu giao tiếp “thẳng như ruột ngựa” có tiếng của thành phố quê tôi. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã cho lắp đặt những biển báo cấm đậu xe có nội dung đi thẳng vào vấn đề nhất mà bạn từng thấy: “Đừng có NGHĨ tới chuyện đậu xe ở đây”. Biển báo này được chấp nhận rộng rãi đến mức họ đã lắp thêm các phiên bản tiếng Trung, Yiddish cùng nhiều ngôn ngữ khác khắp thành phố; đến nay, những biển báo này vẫn được các nhà sưu tập tìm mua. Người ta thậm chí còn cho ra đời một phiên bản mở rộng là “Không Đậu Xe, Không Đứng, Không Dừng, Không Đùa Đâu”.

Sau khi Ed hết nhiệm kỳ, các biển báo kiểu này đã bị dỡ bỏ và thay thế bằng những biển báo phức tạp hơn, khó hiểu hơn. Việc đó đã khiến người dân New York nổi giận, một số người còn cho rằng những biển báo mới “cố tình gây khó hiểu để chính quyền tha hồ thu tiền phạt”, như bạn có thể thấy trong hình 2.1.

Biển báo đơn giản hơn có thể không đẹp mắt, nhưng nó chắc chắn có xét đến sự thuận tiện cho người đọc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đơn giản mà nói': Lợi thế của sự đơn giản