Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng để liên kết vùng hiệu quả, TP.HCM trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương.

Đồng Nai “giục” TP.HCM nhanh làm cầu Cát Lái

Tú Viên | 06/05/2021, 09:00

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng để liên kết vùng hiệu quả, TP.HCM trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương.

Ngày 5.5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Buổi hội thảo có sự góp mặt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo các địa phương lân cận và các chuyên gia. Đáng chú ý trong các góp ý có phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng. Bà Hoàng cho rằng TP.HCM cần ưu tiên phát triển giao thông liên kết vùng, đặc biệt là Đồng Nai.

Để liên kết vùng với Đồng Nai, bà Hoàng cho rằng trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương. Cùng với đó là mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe để đảm bảo kết nối sân bay Long Thành. Bởi hiện nay cao tốc này chỉ có bốn làn xe, đã quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, cầu Cát Lái đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 từ sân bay này với TP.HCM thông qua tuyến đường tỉnh 25C.

Với vai trò quan trọng đặc biệt của cầu Cát Lái, từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu Cát Lái với sứ mệnh kết nối đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Tuy nhiên, hơn 15 năm sau, chủ trương này vẫn mãi chỉ là “chủ trương”. Đến tháng 8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra lựa chọn hai phương án vị trí xây dựng cầu Cát Lái. Cụ thể, theo phương án 1, hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định, TP.HCM sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Còn phương án 2 thì vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450 m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1 km) rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2 (cũ), sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Trong phát biểu vào tháng 4, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP.HCM Trần Quang Lâm nghiêng về phương án 2. Ông nhận xét: “Qua báo cáo các phương án hướng tuyến cầu thay phà Cát Lái của đơn vị tư vấn thiết kế, sở nhận thấy phương án 2 về cơ bản đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái, cũng như tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy”.

Sở GT-VT TP.HCM cho biết sau khi có ý kiến chính thức của các đơn vị liên quan gồm Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND TP.Thủ Đức, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM, làm cơ sở chuẩn bị các nội dung phục vụ cuộc họp giữa lãnh đạo hai địa phương trên về dự án này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Nai “giục” TP.HCM nhanh làm cầu Cát Lái