Nghệ thuật 'drag queen' là một nét chấm phá trong cuộc sống về đêm đầy màu sắc của cộng đồng LGBT tại Sài Gòn. Không chỉ là những người đàn ông khoác lên mình bộ cánh diêm dúa và nhép lại siêu phẩm của các Diva, họ còn là những nghệ sĩ thực thụ luôn hết mình hàng đêm vì khán giả.
Những ánh nhìn dị nghị, những câu đùa cợt hay thậm chí xô xát bạo lực là điều mà người đồng tính và chuyển giới thường gặp phải, đặc biệt là khi họ có những biểu hiện được cho là lệch chuẩn. Một khi đối diện với tình huống như vậy, con người thường có hai lựa chọn: Che giấu hoặc sống hết mình vì nó. Đó là một trong những lý do mà trào lưu "drag queen" ra đời. Những chàng trai này không có gồng mình để khẳng định sự nam tính mà thản nhiên quay mặt, phủ lên mình phấn son và lụa là. Họ sống và làm việc như những nghệ sĩ thực thụ với lời khẳng định: "Nữ tính không có nghĩa là yếu đuối và chỉ những người đàn ông đủ mạnh mẽ mới dám thể hiện điều đó".
Chuyện người
Cụm từ "drag queen" được sử dụng lần đầu vào khoảng những năm 1870 tại Anh để chỉ các diễn viên nam đóng vai nữ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân sân khấu, trong đó có sự thiếu hụt nhân lực nữ. Ngày nay, cụm từ này được dùng chung cho những nghệ sĩ hóa trang thành nữ giới, không nhất thiết phải là diễn viên sân khấu mà còn bao gồm ca sĩ, vũ công, diễn viên truyền hình, diễn viên hài hay thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp... nhưng đặc biệt hơn cả là những nghệ sĩ chuyên lip-sync - một hoạt động nghệ thuật biểu tượng của giới "drag queen".
Có vô vàn nguyên do để một người đàn ông đủ dũng cảm khoác lên mình một chiếc váy kiêu sa, lấp lánh. Người muốn thỏa sức sáng tạo với phấn son và phục trang để làm sống lại những nhân vật nổi tiếng. Người muốn thể hiện sự đam mê âm nhạc hay vũ điệu theo một phong cách hoàn toàn mới lạ. Có người đơn giản chỉ muốn lột bỏ những nhọc nhằn của đời sống thường nhật và hóa thành một con người khác. Với họ, "drag queen" vừa là món quà riêng để nuông chiều một chút nữ tính tiềm ẩn bên trong mình, vừa là món quà chung cho khán giả tại một quán bar nhỏ hay trên những thước phim đại chúng, để tạo ra một khía cạnh mới của nghệ thuật.
Chuyện ta
Trào lưu "drag queen" bắt đầu ở Việt Nam khá trễ, chỉ xuất hiện từ cuối những năm 1990. Với truyền thống và văn hóa của một nước Á Đông chuẩn mực, những drag queen Việt dễ dàng nhận lấy những ánh nhìn ái ngại. Không phải ai cũng đủ khoan dung để tìm hiểu sâu sắc về những người "nam không ra nam, nữ không ra nữ" này.
|
Một drag queen tại sự kiện "Ngày hội tôn vinh sự đa dạng" do cộng đồng LGBT Việt Nam tổ chức |
Là một trong những drag queen đầu tiên ở Việt Nam, Hùng Dancer hiểu rõ những khó khăn buổi đầu này hơn bất kỳ ai. Với một mục tiêu cơ bản và duy nhất là làm một nghệ sĩ, anh đã dày công luyện tập và trau chuốt kỹ thuật hóa trang của mình. Không ngần ngại những điều đó, Hùng Dancer chỉ mong chờ những phút giây khi ánh đèn sân khấu được bật sáng để mang đến những nụ cười, những niềm vui nho nhỏ cho khán giả và để kiếm sống một cách chân chính.
Thế nhưng, mọi chuyện đâu đơn giản như thế. Vì những định kiến khắt khe từ xa hội, anh và những drag queen tiên phong khác phải biểu diễn một cách lén lút, đôi khi phải trốn và phòng vệ sinh vì bị kiểm tra, thậm chí có lúc bị bắt lên xe cảnh sát khi trên người vẫn mặc nguyên bộ váy diễn. Nhiều người phải từ bỏ khát vọng biểu diễn để quay về con đường mà xã hội cho là chân chính, một số khác thì sa ngã vào những góc tối của xã hội. Còn lại cố gắng bám trụ cho qua những cơn giông bão, vì đam mê, vì tương lai của cả một cộng đồng.
Hùng Dancer đã cắn răng từ những ngày đầu tiên chập chững vào nghề, tìm kiếm sự giúp đỡ của những người bạn Thái Lan, nơi mà công việc drag queen đã được mọi người công nhận và trở thành một nền công nghiệp phục vụ cho du lịch. Anh trau dồi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật với ước mơ mở đường cho nghệ thuật drag đến với đại chúng. Giờ đây, với tư cách là người đi trước, anh không ngần ngại chia sẻ trải nghiệm hơn 10 năm trong nghề với các hậu bối Tú Trân, Gia Kỳ cũng như những drag queen tương lai trẻ tuổi khác còn chân ướt chân ráo. Anh quan tâm, chăm chút cho đàn em từ mái tóc giả, chiếc nhẫn đến các phụ kiện bên trong cần thiết của một drag queen. Đó là tình cảm của một người thầy chăm lo cho học trò của mình trước những giờ diễn quan trọng.
Hùng Dancer không giấu nổi sự chạnh lòng khi đã ngần ấy năm trôi qua, vậy mà đàn em của anh cũng phải đối mặt với những vấn đề tưởng chừng đã được đẩy lùi vào quá khứ. Suy nghĩ của xã hội có cởi mở hơn nhưng dường như điều đó cũng chưa thấm vào đâu khi vẫn còn đó những cái nhìn dị nghị và hiểu lầm của chính người thân và bạn bè. Hai nghệ sĩ trẻ Gia Kỳ và Tú Trân cũng tỏ vẻ nghi ngại trong ánh mắt bởi nỗi lo hình ảnh drag queen luôn phải gắn liền với cảnh ăn chơi trác táng, trụy lạc vì các quán bar, club và tính chất công việc về khuya của mình.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, cả ba drag queen đều mong muốn rằng một ngày nào đó, họ sẽ được biểu diễn một cách chính quy với sự cho phép của các cơ quan chức năng. Hơn thế nữa, nghệ thuật drag queen sẽ được đào tạo chuyên nghiệp như bao ngành nghề khác. Cả ba đều tin rằng làm nghề chân chính và nghiêm túc sẽ thay đổi được định kiến khắt khe từ xã hội cũng. Họ hy vọng trong tương lai không xa, các drag queen sẽ được biểu diễn trên những sân khấu, khán phòng lớn, nơi người nghệ sĩ được tôn v inh cái đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Toàn Tăng (Theo Attitude)