Trong nhiều thế kỷ, sinh viên châu Á được dạy phải thụ động và tuân theo kỷ luật trong lớp cho nên nhiều người gặp khó khăn khi học ở nước ngoài, theo phương pháp “học chủ động” (Active Learning).

Du học (kỳ 3): Sai lầm của du học sinh châu Á

06/10/2018, 07:13

Trong nhiều thế kỷ, sinh viên châu Á được dạy phải thụ động và tuân theo kỷ luật trong lớp cho nên nhiều người gặp khó khăn khi học ở nước ngoài, theo phương pháp “học chủ động” (Active Learning).

Đa số sinh viên châu Á vẫn chưa trưởng thành hay phát triển cá tính tự lập dù họ vào đại học - Ảnh: minh họa

Du học (kỳ 1): Bên cạnh ngoại ngữ rất cần kỹ năng đọc

Du học (kỳ 2): Cách học với giáo sư Mỹ

Đó là lý do tại sao nhiều sinh viên không đọc trước khi đến lớp vì họ muốn nghe thầy giáo nói cho họ biết thay vì phải tích cực đọc và tìm hiểu. Nhiều sinh viên không muốn thảo luận trong lớp vì sợ nói sai và bị cười. Nhiều sinh viên không đọc gì thêm để mở mang kiến thức mà chỉ đọc lướt qua tài liệu để qua được bài thi.

Do đó kiến thức của họ rất nông cạn, không có sự hiểu biết sâu vào các vấn đề mà chỉ ghi nhớ một số sự kiện để đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Nhiều sinh viên chỉ làm vừa đủ để có được bằng cấp thay vì phát triển kỹ năng riêng của họ. Thái độ này có hậu quả tiêu cực rất lớn và gây trở ngại cho tương lai của họ nếu họ có ý định tìm việc làm tại đây.

Tôi để ý vấn đề này trong vài năm qua với một số sinh viên châu Á trong lớp. Phần lớn đều là sinh viên giỏi, tốt nghiệp từ các trường hàng đầu với điểm tốt nhưng đa số đều gặp khó khăn và không cạnh tranh được với các sinh viên khác. Nhiều giáo sư tin đó là do khiếm khuyết tiếng Anh nhưng tôi không đồng ý vì tất cả đều có điểm TOEFL tốt và không có vấn đề gì trong việc đọc và viết. Vì Carnegie Mellon rất chọn lọc, nếu họ đáp ứng với chuẩn nhập học nghiêm ngặt thì vấn đề phải là cái gì khác.

Bằng việc thảo luận với họ, tôi thấy “thói quen học tập” của họ đã ngăn cản họ phát triển tiềm năng của họ. Phần lớn sinh viên châu Á không thích ứng với phương pháp học tích cực thường được dạy trong đại học Mỹ. Một sinh viên bảo tôi: “Em học chăm chỉ khi còn ở đại học trong nước và luôn được điểm hàng đầu. Nhưng từ khi qua đây, em bị điểm kém mặc dù em đã hết sức cố gắng. Em thậm chí đã không ngủ đủ nhưng vẫn không thể làm tốt bài kiểm tra hàng tuần .

Tôi thấy rằng anh ta đã ghi nhớ cả trăm trang sách giáo khoa nhưng không thể trả lời được câu hỏi trong bài kiểm tra. Lý do là anh ta không có kiến thức “sâu” để áp dụng tri thức giải quyết vấn đề. Anh phàn nàn: “Sao thầy không yêu cầu em viết ra những định nghĩa nào trong sách giáo khoa?”. Tôi phải mất một lúc mới nhận ra rằng, anh ta là nạn nhân của giáo dục truyền thống khi ghi nhớ được khuyến khích. Một sinh viên khác phàn nàn: “Câu hỏi kiểm tra của thầy thậm chí không có trong sách giáo khoa vì em đã ghi nhớ hầu hết các lý thuyết trong sách .

Lý do nhiều sinh viên có vấn đề là vì họ áp dụng phương pháp mà họ đã dùng ở trường phổ thông hay đại học như việc “nghe thụ động” nhưng không đưa nỗ lực nào để tìm hiểu và đào sâu vào chi tiết. Quan niệm của họ về việc học là “nhận thông tin” và “trao trả lại” những gì thầy giáo nói trong lớp mà không hiểu rằng kiến thức phải được cấu trúc từ sự hiểu biết của chính họ. Họ học ghi nhớ mọi sự trong sách giáo khoa. Phương pháp này đã lỗi thời vì nó không có tác dụng trong môi trường ngày nay.

Tôi thường khuyên: “Những gì thầy giảng trong lớp chỉ là kiến thức của thầy. Các em phải tự nghiên cứu và đào sâu vào để tạo ra kiến thức của chính các em. Sự hiểu biết qua kiến thức của người khác không phải là “Học” mà chi là “Ghi nhớ”. Chỉ sự hiểu biết đến từ bên trong các em, qua quá trình suy ngẫm, phân tích để tự hiểu biết, mới là kiến thức đích thực của các em .

Trong các Đại học phương Tây, sinh viên không nói nhiều, không tham gia thảo luận, không đóng góp ý kiến mà ngồi im thường bị coi là “không có khả năng” hay “yếu”. Sinh viên ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình trước lớp bị cả giáo viên và các sinh viên khác coi là “không sẵn lòng học”. Vì hầu hết các giáo sư đều ưa thích sinh viên tích cực để làm cho thảo luận trên lớp sinh động hơn, họ thường bỏ qua các sinh viên thụ động và không bao giờ gọi những người này lên thảo luận.

Phần lớn giáo sư phương Tây coi những sinh viên này là “yếu kém” hoặc”không đủ trình độ”, do đó nhiều người thường bị điểm kém hay không qua nổi môn học. Nhiều sinh viên châu Á phải học lại một số lớp chỉ vì họ không biết thích ứng với hoàn cảnh học tập tích cực.

Tất nhiên, là người châu Á tôi biết rõ vấn đề của họ. Nhìn từ bên ngoài, sinh viên châu Á dường như thụ động nhưng tâm trí họ rất tích cực. Họ làm việc chăm chỉ và bao giờ cũng suy nghĩ nhưng thói quen cũ từ phương pháp học cổ đã ngăn cản họ khỏi việc học tích cực.

Một sinh viên giải thích: “Khi em còn ở tiểu học hay trường phổ thông, nếu em nói gì trong lớp em bị phạt vì làm ồn trong lớp cho nên em học thói quen phải ngồi im để nghe mà thôi”. Sinh viên khác nói: “Ngay trong đại học, nếu em nói gì đó khác với điều thầy giáo muốn, em bị điểm kém cho nên em không bày tỏ ý kiến riêng của em nữa .

Để khuyến khích những sinh viên này tham gia vào học tích cực, tôi bao giờ cũng giải thích sự khác biệt giữa hai phương pháp này. Tôi giải thích rõ ràng tại sao điều quan trọng là tham gia vào lớp một cách tích cực để xây dựng thói quen tốt và phát triển kỹ năng mềm. Tôi thay đổi hệ thống cho điểm bằng việc cho 20% điểm cho người tham gia trên lớp để khuyến khích họ tham gia nhiều hơn.

Tôi thường nói: “Không có câu trả lời đúng hay sai mà chỉ có các ý kiến khác biệt. Vì có sự khác biệt nên chúng ta cần thảo luận nhiều hơn để tìm ra câu trả lời chính xác cho nên không lo nghĩ về việc nói sai trong thảo luận. Nếu không hiểu, các em cần hỏi vì không câu hỏi nào là xấu chỉ có sự im lặng, không hỏi mới là xấu thôi .

Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng mà tôi muốn nêu ra đây: Đó là sự “trưởng thành” Sinh viên phương Tây, đặc biệt sinh viên Mỹ, thường được dạy về sự trưởng thành và độc lập rất sớm. Đa số đều tự lập và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Đa số sinh viên châu Á vẫn chưa trưởng thành hay phát triển cá tính tự lập dù họ vào đại học.

Cha mẹ châu Á thường hi sinh mọi thứ để cho con cái họ có được giáo dục tốt. Phong tục này dẫn tới việc con cái được nuông chiều thái quá và được cha mẹ hỗ trợ mọi thứ họ cần mà không phải làm gì. Một sinh viên bảo tôi: “Em được bảo phải học mà thôi vì mọi thứ sẽ được gia đình lo liệu cho nên em vùi mình trong sách vở và không nghĩ tới gì khác .

Thái độ này đã dẫn nhiều sinh viên tới việc thiếu nhận biết về điều xảy ra trong thế giới quanh họ vì họ không biết gì ngoài công việc học trong trường. Nhiều người chỉ biết điều được dạy nhưng hiếm khi đọc bất kỳ cái gì khác bên ngoài giáo trình của họ. Đó là lý do tại sao nhiều người có vấn đề khi họ phải đối diện với thực tại của cuộc sống. Nhiều người thất vọng sau khi có bằng cấp nhưng không tìm được việc làm. Nhiều người chuyển ngược sự thất vọng vào cha mẹ và oán trách gia đình hay xã hội.

Giáo sư John Vũ

GS John Vũ là kỹ sư cao cấp tại hãng Boeing trong hơn 20 năm qua và còn là một dịch giả uyên thâm nổi tiếng với bút danh Nguyên Phong khi dịch các cuốn sách “Hành trình về phương Đông”, “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Đường mây qua xứ tuyết”, “Bên rặng Tuyết Sơn”, “Minh triết trong đời sống”… Ông vừa có những chia sẻ thú vị quanh chuyện đi du học và chúng tôi xin giới thiệu với quý độc giả những chia sẻ đáng tham khảo của GS.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump
27 phút trước Sự kiện
Nhân dịp ngài Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Mỹ, ngày 21.1.2025 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học (kỳ 3): Sai lầm của du học sinh châu Á