Năm 2019 sắp kết thúc. Nhờ nỗ lực của cả nước, Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt, có thứ ngoài mong đợi.

Đừng cứ tự sướng, hết 'kỳ tích' đến 'thần kỳ'

28/12/2019, 18:24

Năm 2019 sắp kết thúc. Nhờ nỗ lực của cả nước, Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt, có thứ ngoài mong đợi.

Thể thao Việt Nam 2019 đại thành công” - Ảnh: minh họa

“Thể thao Việt Nam 2019 đại thành công” – cụm từ mà nhiều tờ báo giật tít. Dù vô địch Seagames lần thứ 6 nhưng bóng đá nữ Việt Nam vẫn lép vế. Bóng đá nam khát vô địch Seagames hơn hạn hán chờ mưa sau 60 năm chờ đợi. Đáng mừng nhất, lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm của Seagames, Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn, chỉ thua nước chủ nhà.

Được thưởng nhiều nhất và tràn ngập thông tin là huy chương vàng bóng đá nam. Tại Seagames lần 1 – 1959 ở Bangkok; Việt Nam Cộng Hòa, thành viên sáng lập Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, đã hiên ngang đoạt cúp vàng bóng đá nam, sau khi hạ Thái Lan 3 - 1. Tham dự Seagames 15 – 1989, sau 16 năm gián đoạn (1973 – 1989), đoàn Việt Nam khiêm tốn xếp thứ 7/10 nước. Đúng 30 năm nỗ lực với 15 lần đại hội, Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực.

Những thành tích này rất đáng khích lệ nhưng để nói là “đại thành công” thì hơi quá. Việt Nam mới vô địch bóng đá nam 2 lần, trong khi Thái Lan 15 lần, Myanmar 5 lần, Malaysia 5 lần. Việt Nam mới đứng đầu toàn đoàn lần thứ nhất, còn Thái Lan thống trị mấy chục năm nay. Nếu so sánh với tương quan dân số, thành tích Việt Nam chỉ hơn Indonesia, cùng 2 lần vô địch bóng đá nam nhưng dân số Việt Nam chỉ bằng 1/3.

Du lịch Việt Nam đạt 18.000.000 lượt khách quốc tế; tăng 16,2% so với năm 2018. Cụm từ “tăng trưởng thần kỳ” được lãnh đạo Bộ chủ quản nhấn mạnh và nhiều tờ báo giật tít. Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, kinh tế khó khăn mà đạt được như vậy rất đáng khen.

Nhưng để gọi là “Thần kỳ” thì không ổn; vì năm 2017 tăng 29,1% chỉ được gọi là “bứt phá”. Năm 2016, du lịch Việt Nam tăng trưởng 24,5% được gọi là “Kỳ tích”, dù năm 2015 chỉ tăng 0,9% (chắc phải gọi là “Kỳ cục”?). Năm 2010, du lịch Việt Nam tăng 34,8%; cao nhất từ trước đến nay. Gọi thế nào cho hợp lý và hệ thống chứ không thể phán đại. Nếu cứ tự sướng hết “kỳ tích” đến “thần kỳ” thì coi như đã lên đỉnh, cừ tà tà xuống dốc.

Thành tựu của du lịch Việt Nam hiện nay vẫn chưa là gì so với Thái Lan và Malaysia. Dù dân số chỉ 68.000.000 nhưng Thái Lan đón hơn 41.000.000 lượt khách, xếp thứ 9 thế giới về lượng khách nhưng thứ 4 thế giới về tổng doanh thu. Nếu Việt Nam là kỳ tích thì Thái lan phải gọi là “kỳ kỳ kỳ tich”?

Malaysia, dân số chưa tới 33.000.000 nhưng đón 26.000.000 lượt khách. Du lịch Việt Nam vẫn chưa qua mặt được Singapore, đảo quốc bằng 1/490 diện tích Việt Nam; dân số 4/10 thành phố Hồ Chí Minh. Thành tích rất đáng tự hào nhưng cả lãnh đạo lẫn truyền thông xứ họ vẫn khiêm tốn, vừa động viện vừa cảnh báo thói thỏa mãn, nhằm thúc đẩy du lịch tiếp tục tăng tốc.

Ngay cả Campuchia và Lào, thua kém Việt Nam nhiều mặt nhưng du lịch thì họ ăn đứt. Dân số Campuchia hơn 16.000.000 nhưng đón trên 7.000.000 lượt khách. Dân số Lào chỉ hơn 7.000.000 nhưng đón trên 5.000.000 lượt khách dù không có biển (số liệu 2019).

Đừng vội chê khách Trung Quốc ồn ào, xấu xí. Khách Việt có khi còn ồn hơn, mà ngành du lịch là ầm ĩ nhất. Cứ vào mấy hội chơ du lịch hay các đoàn famtrip du lịch là bị khủng bố “tiếng ồn” bởi karaoke, lô tô, hoạt náo… Còn xấu xí thì nước nào cũng có người này người khác. Mình là chủ, phải có tâm thế. Khách nào mình cũng chào đón. Ai mang ngoại tệ hợp pháp đến cho đất nước là mình chào mừng, hoan nghênh. Ai vi phạm phong tục hay pháp luật thì xử lý theo luật định; từ nhắc nhở, cảnh cáo đến trục xuất, thậm chí tống giam tùy mức độ vi phạm.

Năm 2019, hơn 120 triệu khách Trung Quốc du lịch khắp thế giới, chiếm 10% tổng lương khách nhưng chiếm gần 20% tổng doanh thu du lịch toàn cầu. Khách Trung Quốc đến Việt Nam, chỉ hơn 5.000.000, dù Việt Nam có đường biên giới chung dài 1.406 km với hàng chục cửa khẩu quốc tế. Không có biên giới chung nhưng Thái Lan đón hơn 10.000.000 khách Trung Quốc; cũng không nghe họ kêu ca gì việc quản lý.

Khách Trung Quốc vào Việt Nam không biết chi tiêu gì, vì hàng hóa toàn “Made in China”, kể cả hàng lưu niệm. Tour 0 đồng không thể tồn tại nếu không có sự tiếp tay của các doanh nghiệp lẫn quản lý nhà nước Việt Nam. Suy cho cùng, du khách Trung Quốc và cả Hàn quốc trong tour 0 đồng cũng là nạn nhân, bị lừa và trấn lột. Bọn “nối giáo cho giặc” chỉ kiếm chút cháo, còn tất cả lợi nhuận đều vào tay đầu nậu bản xứ. Thiệt hại nhất là đất nước. Không chỉ là tiền bạc vì thất thu thuế, mà còn uy tín ngành bị chà đạp, hình ảnh quốc gia bị méo mó…

Thành tích của thể thao và du lịch Việt Nam trong năm 2019 rất đáng khen nhưng chỉ là bàn đạp cho năm 2020 và những năm tới. Cuộc đua marathon trường kỳ vẫn tiếp tục với những chặng mới. Không ai muốn bị bỏ lại phía sau nên đều nỗ lực, quốc gia nào cũng vậy. Khác nhau ở sự chuẩn bị. Thành tích quá khứ là bàn đạp chứ không phải là gánh nặng. Hãy vứt bỏ để tìm những đỉnh cao khát vọng mới.

Cứ vui mừng nhưng vừa phải, kẻo thiên hạ cười chê.

Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và thua ngày mai. Nhất định thế.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng cứ tự sướng, hết 'kỳ tích' đến 'thần kỳ'