Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 7.9.2022 về việc dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23.9.2021.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25.7.2022 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình.
Đồng thời, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu tận dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Theo Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỉ đồng; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Mục tiêu là đầu tư dự án hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.