Khi tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du châu Á lần đầu tiên trên cương vị đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ, giới phân tích đã đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược đối ngoại của Washington dưới thời chính quyền Trump với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Liệu chính quyền Trump có tiếp tục chính sách xoay trục mà chính quyền Obama đã khởi phát?

Dừng xoay trục chiến lược, Tổng thống Trump chọn 'tay đôi' với Bắc Kinh?

25/03/2017, 14:25

Khi tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du châu Á lần đầu tiên trên cương vị đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ, giới phân tích đã đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược đối ngoại của Washington dưới thời chính quyền Trump với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Liệu chính quyền Trump có tiếp tục chính sách xoay trục mà chính quyền Obama đã khởi phát?

Trong một cuộc họp báo tại Washington trước chuyến công du của ông Tillerson, bà Susan Thornton, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa công bố một chiến lược mới đối với khu vực châu Á. Theo giới phân tích, động thái đó cho thấy việc xoay trục của chính quyền Obama đã tạm thời được gác lại.

"Chúng ta đang đối mặt với các thách thức về an ninh tại khu vực, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vì vậy Mỹ tiếp tục xây dựng một trật tự cho hoà bình và ổn định ở châu Á. Xoay trục hay tái cân bằng chỉ là một khái niệm dùng để miêu tả chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á trong một thời điểm và bây giờ chưa phải là lúc để nói về điều đó".

Qua những gì mà trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thể hiện trong cuộc họp báo, có thể nhận diện Washington đã phác hoạ một cách khái quát nhất các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng chiến lược đối ngoại của chính quyền Trump và trong chuyến công du châu Á của ông Tillerson, vấn đề xoay trục đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm sẽ không được nhắc tới.

Thực tế đó cho thấy chính sách xoay trục chiến lược đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thực hiện tái cân bằng ở châu Á mà cựu Tổng thống Obama khởi phát, đã kết thúc dưới triều đại Trump. Tại sao ông Trump lại không kế tục di sản được cho là lớn nhất của người tiền nhiệm?

Chính sách tái cân bằng khiến Mỹ mất cân bằng

The Washington Times ngày 18.12.2016 dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã thất bại dưới thời của Tổng thống Obama. Theo ông McCain, trật tự thế giới do Mỹ tạo ra đã không còn nữa, trong đó đặc biệt nguy hại là Mỹ ngày càng tỏ ra bất lực trước Nga và Trung Quốc.

"Chúng ta đang cảm nhận sự gia tăng căng thẳng mà từ đó đã phá vỡ trật tự thế giới và đó là thất bại tuyệt đối của lãnh đạo Mỹ. Khi Mỹ mất vai trò dẫn dắt thế giới, sẽ có rất nhiều thế lực khác hành động và điều đó thể hiện rõ qua việc Mỹ không thể làm gì khi phải đau đớn chứng kiến lò lửa chiến tranh tại Aleppo, Syria”, The Washington Times dẫn lời ông McCain.

Tổng thống Trump không kế tục di sản lớn nhất của Tổng thống Obama

Trong quan hệ đối ngoại, điều nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, dù đó là đối thủ, đối tác hay đồng minh, để rồi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khi đó một thực thể không thể tung đòn hoá giải nguy hại với việc ra đòn của đối phương, bởi việc ra đòn, tung đòn đều có nguy cơ gây thiệt hại cho mình trước nhất, lớn nhất.

Và hiện nay, hoạt động đối ngoại của Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều trường hợp, từ đó các hành xử, đối xử của Washington đều gây hại cho nước Mỹ hay nước Mỹ luôn phải trả giá cho các nước đi của mình. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong việc chuyển trục đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á – Thái Bình Dương.

Không thể phủ nhận rằng Washington đã chậm trễ trong nhận diện nhưng lại vội vã trong hành động khiến cho nước Mỹ rơi vào cảnh đối mặt với các đối thủ nhưng không thể tựa lưng vào các đồng minh. Hệ quả đó là do chính quyền Obama nhanh chóng chuyển trục chiến lược đối ngoại về châu Á – Thái Bình Dương khiến các đồng minh tại địa bàn cũ cảm nhận như bị Washington bỏ rơi nên hạ tầm quan hệ, thậm chí quay lưng.

Tuy nhiên, tại địa bàn chiến lược mới thì Washington lại chưa thể vững chân trụ nên bị đối thủ dồn ép làm mất thế và kết quả là các đối tác tại địa bàn mới cảm nhận lợi ích chiến lược mà họ có được chỉ do Tổng thống Obama nói nhiều hơn là hành động thực tế của Washington. Điều đó khiến cho Mỹ chưa thể có các đối tác chiến lược tại địa bàn mới khi trục xoay.

Có thể thấy rằng, mục đích chính sách xoay trục - tái cân bằng - của Tổng thống Obama là chuyển trọng tâm trong quan hệ quốc phòng, ngoại giao và kinh tế từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á - Thái Bình Dương, là nỗ lực chuyển sự tập trung quân sự và kinh tế từ Trung Đông về Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Song cho đến lúc này thì chính sách đó đã trở thành nửa vời do không thể tiến triển được bởi nhiều thách thức, từ đó đưa Mỹ rơi vào thế “đi cũng dở, ở cũng không xong”, theo quan điểm của giáo sư John Delury, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc.

Khi trục mới chưa xây được trụ móng nhưng trụ cũ đã lung lay khiến Washington rơi vào cảnh, hoặc nếu tiếp tục xoay trục về địa bàn mới thì gặp quá nhiều khó khăn, hoặc nếu xoay trục trở lại địa bàn cũ cũng gặp khó khăn không kém. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến Washington đang phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm là đồng minh xa lánh, đối tác hạ tầm.

Theo giáo sư John Delury thì "Chiến lược xoay trục chưa mang lại tích cực cho khu vực, do vậy khi chính quyền Trump lưỡng lự chưa đưa ra một chiến lược mới về châu Á thì có thể hiểu rằng việc xoay trục đã bị hủy bỏ và qua chuyến công du của ông Tillerson đến châu Á thì điều đó đã thành hiện thực”.

Trump chọn đối ngoại kiểu gì với Bắc Kinh?

Hiện nay, Washington được cho là rất bức xúc trước sự thách thức của Bình Nhưỡng khi liên tục việc thực hiện các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, vậy nhưng Washington đã không có kế hoạch trừng phạt mới với Bình Nhưỡng và trong chuyến công du châu Á vừa qua, ông Tillerson cũng không bàn bạc biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng với Seuol, Tokyo hay Bắc Kinh .

Điều đó khiến giới phân tích cho rằng việc chính quyền Trump lên án Bình Nhưỡng, thậm chí cho biết họ đã hết kiên nhẫn với sự ngông nghênh của nhà lãnh trẻ xứ Bắc Hàn và một hành động sử dụng sức mạnh của Washington dường như sẽ được áp dụng, song thực ra đó chỉ là việc ra đòn bằng “võ miệng” mà thôi.

Tổng thống Trump đã chọn đôi công với Bắc Kinh

Theo The Japan Times ngày 23.1, trong một phát biểu sau vài tiếng nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định: "Quân đội của chúng ta cần phải sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ nước Mỹ. Chúng ta không cho phép các quốc gia khác vượt qua khả năng quân sự của chúng ta. Chúng ta đảm bảo sẵn sàng ở mọi cấp độ cho quân đội".

Nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ cũng nhấn mạnh rằng chính quyền của ông “sẽ phải xem xét lại những chính sách thất bại của chính quyền tiền nhiệm. Mỹ có thể kết bạn mới, xây dựng lại các liên minh cũ và đưa các đồng minh vào một trật tự mới thích hợp”, The Japan Times tường thuật.

Theo giáo sư Nick Bisley, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Australia thì sức mạnh quân sự được coi như là công cụ quan trọng nhất của chính quyền Trump. "Đây không phải là cách tiếp cận ngoại giao, quốc phòng và phát triển, mà là sức mạnh quân sự là chìa khóa để thông qua đó Mỹ sẽ thúc đẩy vai trò và gia tăng lợi ích cho mình”.

Theo quan điểm đó, The Japan Times bình luận: Nhìn chung, cách tiếp cận của chính quyền Trump trong chính sách đối ngoại - đặc biệt liên quan đến Trung Quốc - xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, qua đó mô phỏng “lý thuyết điên rồ” của cố Tổng thống Richard Nixon. Theo đó, Trump sẽ giành ưu thế qua việc làm cho đối thủ không thể đoán biết ý định của ông ta.

Tờ báo của Nhật cho rằng chính ông Trump đã ca ngợi tính không thể dự đoán như một nguyên lý chính trong phương pháp tiếp cận của ông. "Chúng ta phải như một quốc gia không thể đoán trước. Chúng ta nói mọi thứ. Chúng ta nói với họ chúng ta đang gửi quân đội nhưng chúng ta đang gửi cái khác”, The Japan Times dẫn lời ông Trump.

Trước cách tiếp cận khó đoán định của chính quyền Trump, ông Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia cho rằng: “Chính sách trong quan hệ Mỹ - Trung của Obama sẽ bị Trump làm gián đoạn. Ý định cơ bản dường như là lật ngược các điều khoản về mối quan hệ Mỹ - Trung theo một cách khiến Bắc Kinh mất cân bằng trong việc đưa ra các chính sách để đoán các ý định của Mỹ”.

Giới phân tích cho rằng, với những tiết lộ của nhà lãnh đạo mới của Mỹ, dù còn ít ỏi, song cũng có thể nhận diện một cách khái quát nhất về chính sách đối ngoại mới của Mỹ với khu vực châu Á. Và theo The Japan Times thì dường như Trump đặt nền móng cho một phiên bản của Tổng thống Ronald Reagan, nhưng cơ động hơn, đó là khẳng định "hòa bình thông qua sức mạnh".

Có thể thấy, dưới thời Tổng thống Nixon và Tổng thống Reagan, Washington đã chọn "đôi công" với Bắc Kinh và đều đạt được nhiều ưu thế. Tuy nhiên, với vị thế của nước Mỹ - thời hậu xoay trục - và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, thì việc chỉ vận dụng chiến lược đối ngoại, hoặc kiểu Nixon, hoặc kiểu Reagan, đều không thể giúp Washington chiếm ưu thế trước đối thủ.

Chính vì vậy, Tổng thống Trump được cho là đã chọn xây dựng nền tảng chiến lược đối ngoại theo kiểu "hòa bình thông qua sức mạnh" của Reagan và chọn chiến thuật ứng xử theo kiểu “không thể dự đoán” của Nixon. Đây được xem là lời cảnh báo gửi tới Bắc Kinh khi phải đối mặt với một chính quyền Mỹ có lối hành xử đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dừng xoay trục chiến lược, Tổng thống Trump chọn 'tay đôi' với Bắc Kinh?