TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết thiết bị y tế ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã tạm ổn nhưng hậu cần còn khó khăn.

Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19: Thiết bị tạm ổn, hậu cần còn khó khăn

Hồ Quang | 20/07/2021, 17:03

TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết thiết bị y tế ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã tạm ổn nhưng hậu cần còn khó khăn.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) có quy mô lớn nhất với 1.000 giường được chính thức đi vào hoạt động từ ngày 13.7.2021. Đây là nơi được Bộ Y tế xác định là bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt, không chỉ điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng ở TP.HCM mà còn cho cả các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Đến ngày 20.7, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đang điều trị 80 bệnh nhân nguy kịch, trong số 100 giường dành cho bệnh nhân nguy kịch tại đây và 130 giường bệnh nhân nặng.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, dự kiến trong tuần này số giường dành cho bệnh nhân nặng sẽ tăng lên 460. Sau đó khoảng 1 tuần sẽ mở rộng lên đến 700 giường và phấn đấu đến cuối tháng 7.2021 lên 1.000 giường như số lượng thiết kế của bệnh viện này.

giam-doc-benh-vien-hoi-suc-covid-trang-thi-bi-rat-thieu-nhung-dang-co-tin-hieu-tich-cuc-hinh-anh(1).png
TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - Ảnh: N.H

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được vận hành và hoạt động theo mô hình như Bệnh Chợ Rẫy. Những bộ phận nòng cốt điều hành ở đây là các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng một số lực lượng khác, trong đó có cả những lực lượng được chi viện từ các tỉnh thành khác.

Theo bác sĩ Thức, hiện nay trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã tạm ổn. Có những yếu tố thuận lợi, tích cực để có thể đảm bảo được trang thiết bị y tế cho bệnh viện hoạt động.

“Chúng tôi có 3 yếu tố thuận lợi, đó là Thành ủy TP.HCM đã thông qua cơ chế mua sắm tiết kiệm, hiệu quả và nhanh nhất có thể cho bệnh viện này; kế đến là Bộ Y tế đã cho mở kho dự trữ phòng chống dịch tại TP để vận chuyển toàn bộ trang thiết bị y tế đang ở trong kho về bệnh viện này và đang vận chuyển trang thiết bị y tế ở nhiều nơi vào kho trang thiết bị y tế đóng tại phía Nam, giao cho bệnh viện quyền điều động, nếu cần thiết. Đây là sự hỗ trợ rất tích cực và kịp thời. Thuận lợi thứ 3 là được các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đang dồn toàn tâm, toàn lực tài trợ các vật tư y tế, thuốc, suất ăn…”, bác sĩ Thức cho biết.

Để giúp công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 được hiệu quả cũng như giảm ca bệnh nặng, bác sĩ Thức cho biết Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã thiết lập hệ thống hội chẩn online đến các bệnh viện quận huyện và các bệnh viện điều trị COVID-19 “tầng 2” trên địa bàn TP; lập đường dây nóng điều phối bệnh và hội chẩn; cử 4 bác sĩ chuyên về hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy “cắm chốt” tại 4 bệnh viện điều trị COVID-19 “tầng 2” ở TP để kịp thời phát hiện những bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng.

Dù mục tiêu của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là điều trị những bệnh nhân thở máy và chạy tim phổi nhân tạo ECMO, nhưng bác sĩ Thức khẳng định bệnh viện không ngồi chờ bệnh nhân thở máy và chạy ECMO đến, vì nếu chờ như thế là thất bại trong việc điều trị.

giam-doc-benh-vien-hoi-suc-covid-trang-thi-bi-rat-thieu-nhung-dang-co-tin-hieu-tich-cuc-hinh-anh-1.png
Bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - Ảnh: N.H

“Chúng tôi phải đánh chặn từ xa, thay vì ngồi chờ bệnh nhân nặng đến. Khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, nếu xét thấy cần thiết chúng tôi cho chuyển sớm về Bệnh viện Hồi sức COVID-19, không cần đợi phải thở máy. Việc chuyển sớm sẽ tránh được nguy cơ bệnh nhân có thể diễn tiến nguy kịch; đồng thời giúp các bác sĩ can thiệp sớm bằng các biện pháp như thở oxy dòng cao (HFNC), lọc máu… Điều này ngăn chặn nguy cơ bệnh nhân chuyển từ độ 3 sang độ 4. Nếu được chặn sớm thì bệnh nhân sẽ từ độ 3 trở về độ 2 và trở về độ 1”, bác sĩ Thức nói.

Bác sĩ Thức nói hiện nay hoạt động của bệnh viện còn nhiều khó khăn, nhưng các y bác sĩ đều đồng tâm, đồng lòng. Tuy có nhiều lực lượng khác nhau, trong đó có cả những y bác sĩ ở các địa phương khác, nhưng các anh em đoàn kết, gắn bó và hiểu nhau hơn. Tất cả đều một lòng, vì sức khỏe, vì nhân dân TP.HCM.

“Hiện hoạt động chuyên môn tại bệnh viện diễn ra trôi chảy. Lúc đầu các bộ phận khác về hậu cần như nhân viên vệ sinh, hộ lý, xử lý môi trường, xử lý rác… còn thiếu, nhưng đã được TP bổ sung nên cơ bản đã ổn định. Đội ngũ nhân viên y tế làm việc ở đây với tinh thần rất đoàn kết, khẩn trương, không kể ngày giờ, hay suy nghĩ gì chế độ cho bản thân mình.”, bác sĩ Thức chia sẻ.

Bài liên quan
Cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù
Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù, tổng hợp hình phạt của hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19: Thiết bị tạm ổn, hậu cần còn khó khăn