Không còn ai thân thuộc trên cõi đời, hai người đàn bà ở tuổi gần đất xa trời nương tựa vào nhau. Họ sợ lạc mất nhau rồi hoảng loạn như đã từng…

Hai chị em già run rẩy sợ lạc mất nhau

Theo Pháp luật TP.HCM | 14/05/2016, 09:28

Không còn ai thân thuộc trên cõi đời, hai người đàn bà ở tuổi gần đất xa trời nương tựa vào nhau. Họ sợ lạc mất nhau rồi hoảng loạn như đã từng…

Căn nhà 122/41/1 nằm trong chung cư Trúc Giang (quận 4, TP.HCM) cũ kỹ. Chủ nhà là một bà lão gầy còm, thần sắc nhợt nhạt, nước da sạm đồi mồi nhăn nheo vì sương gió. Đó là bà Nguyễn Thị Nuôi (85 tuổi), người vẫn đang ngày đêm săn sóc chị ruột Nguyễn Thị Đông (88 tuổi) bị tâm thần hơn 10 năm nay.

Ám ảnh bi kịch gia đình

Thuở ấy, cha mẹ họ sinh ra hai chị em nhưng rồi không ở được với nhau. Cuộc sống đói nghèo khiến người mẹ bấm bụng dắt díu người chị tên Đông lang bạt kiếm ăn, bỏ người em tên Nuôi lại cho cha.

Người em một mình làm thuê làm mướn khắp nơi kiếm sống qua ngày khi cha bước đi bước nữa với người khác.

Người chị lang bạt khắp nơi rồi lấy một thanh niên ở Lạng Sơn. Bà sinh con nhưng chẳng may con bị bệnh mất. Bà nhận lấy sự đay nghiến từ gia đình chồng. Câu nói “đồ đàn bà xui xẻo không biết nuôi con” của mẹ chồng như vết dao cứa vào lòng, người đàn bà ôm hận trở về kiếp hành khất.

Ám ảnh bi kịch gia đình bằng những nỗi đau khác nhau, hai chị em bà Nuôi tắt lửa lòng, chôn vùi tuổi thanh xuân của cuộc đời, nhất quyết ở vậy đến mãn duyên.

Mấy năm sau ngày vào Nam tản cư, ba mẹ con bất ngờ trùng phùng giữa đất Sài Gòn. Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt mừng tủi. Nhưng phần vẫn giận chuyện mẹ bỏ rơi mình, phần quen sống cô độc, bà Nuôi không về ở chung với mẹ và chị, thui thủi một mình bên chung cư Trúc Giang.

Mãi đến khi hay tin người chị tên Đông phát bệnh tâm thần không ai nương tựa, tình máu mủ ruột rà trong bà Nuôi bỗng trỗi dậy mãnh liệt. Không may, khi sực tỉnh thì cũng là lúc bà bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời, mẹ đã ra người thiên cổ từ lâu.

Sợ lạc nhau lần nữa

Sống một mình tuổi già đã cực, đem người chị bệnh về ở cùng, gánh nặng trên vai bà Nuôi càng chồng chất. Cách hai ngày một lần, đôi bàn chân bà run run bước từng bậc cầu thang xập xệ ra chợ Xóm Chiếu. Món hai chị em ăn thường xuyên nhất là cháo ăn liền và trứng vịt, vừa rẻ tiền lại không phải dùng đến răng. Nhưng hễ ngày nào về muộn, người chị lại lết ra ngoài, đem theo nước tiểu, nhớt nhao trên miệng trây trét khắp nơi. Những lúc ấy, một tay bà nặng nhọc kéo người chị về, một tay dọn sạch những vết ô uế.

Hơn ba năm nay, người chị không còn nói năng, cũng không chịu tắm và mặc quần áo, người em chỉ còn cách vắt khăn lau khắp người rồi lấy mền quấn chị lại. Lắm lúc bất lực vì sự chống đối của chị, người đàn bà đành đóng kín cửa, để chị trần như nhộng trên giường, rồi ngồi ôm gối nhìn chị và khóc.

“Cực nhất là khi chị ấy ăn cả phân của chính mình, tôi lại phải móc họng, lôi những thứ cặn bã ấy ra” - người em nói trong nghẹn ngào. Có lẽ vì vậy, căn nhà vỏn vẹn 8 m2 lúc nào cũng phảng phất mùi tanh tưởi.

Trưa Sài Gòn nóng bức người em vừa quệt mồ hôi vừa đổ nước sôi từ chiếc ấm nước điện cũ vào tô cháo ăn liền. Cẩn thận khuấy cho cháo nguội, bà múc từng muỗng cháo loãng mớm cho chị, dỗ dành rằng ăn để lấy sức mà có nhau. Người chị há miệng ngậm lấy rồi bất thình lình nhả ra, thìa cháo nhão nhoẹt tràn từ hốc má xuống manh chiếu rách. Những bữa ăn rơi rớt ấy từ lâu đã thành thông lệ.

Thấy hoàn cảnh quá ngặt nghèo, chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị đưa hai bà vào viện dưỡng lão. Nhưng người em một mực chối từ. Bà lo chị không được săn sóc chu đáo, không có hơi ấm tình thương của giọt máu huyết thống còn lại trên cõi đời này. Nhưng còn một lý do khác lớn hơn, lý do mà chính bà bộc bạch: “Tui sợ lại lạc mất chị như mấy chục năm trời xa cách, có còn bao nhiêu ngày để gần gũi chị mình đâu”.

Tình cảm hai chị em rất đáng quý

Bà Nuôi chăm chị rất cực nhưng lúc nào cũng nhỏ nhẹ với chị và cắn răng chịu khổ một mình, tôi sợ bả đi trước người chị quá. Già cả mà không quản ngại mưa nắng săn sóc nhau, tôi thấy tình máu mủ ruột rà của họ thiệt đáng quý. Nhiều cô cậu trẻ bây giờ tay chân lành lặn khỏe mạnh mà anh em đánh nhau, tranh giành đất đai, nhà cửa tan đàn xẻ nghé, mấy ai được vầy.

Ông Trần Văn Thanh, người giữ xe ở chung cư Trúc Giang.

_________________________________________________________________

90 ngàn đồng là số tiền trung bình mỗi tháng bà Nuôi có được để lo cuộc sống cho hai chị em. Trong đó, chính quyền phường hỗ trợ 350.000 đồng, số tiền còn lại do những người dân tốt bụng khác cùng góp sức hỗ trợ bà. Tiền điện, nước sinh hoạt mỗi tháng của gia đình bà được ban quản lý chung cư Trúc Giang cho xài miễn phí.

Hoàng Lê - Pháp luật TP.HCM

Ảnh:Người em đút cháo dỗ dành chị ăn. Ảnh: Hoàng Lê.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai chị em già run rẩy sợ lạc mất nhau