Hồ Soài Chek và hồ Ô Thum (ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được đầu tư nhiều tỉ đồng để tích trữ nước, khởi công tới nay đã chục năm nhưng hiện vẫn còn ngổn ngang khiến dư luận đặt câu hỏi đến bao giờ mới xong.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hai hồ trữ nước được đầu tư nhiều tỉ đồng ở An Giang: Đến bao giờ tích nước?

Tô Văn 04/04/2024 17:50

Hồ Soài Chek và hồ Ô Thum (ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được đầu tư nhiều tỉ đồng để tích trữ nước, khởi công tới nay đã chục năm nhưng hiện vẫn còn ngổn ngang khiến dư luận đặt câu hỏi đến bao giờ mới xong.

Khi nào mới tích trữ nước?

Để phòng chống biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất, phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân vùng Bảy Núi, đặc biệt bảo vệ rừng phòng hộ, ngành chức năng tỉnh An Giang đã xây dựng nhiều hồ tích trữ nước cặp theo chân núi, trong đó có hồ Soài Chek (thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Đây là công trình thủy lợi cấp 4, diện tích 50,9ha, tổng mức đầu tư hơn 119 tỉ đồng. Hồ có dung tích 293.000m3. Việc xây dựng hồ Soài Chek thuộc chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), được triển khai xây dựng từ năm 2014, theo dự kiến hoàn thành và bàn giao cho địa phương tháng 6.2016.

5-ho-soai-chek1.jpg
Vẫn ngổn ngang bên trong lòng hồ Soài Chek - Ảnh: Tô Văn

Theo ghi nhận mới đây của phóng viên Một Thế Giới tại hồ Soài Chek, chỉ một phần lòng hồ được ngăn ra để tích nước, còn phần lớn là công trường khai thác cát. Bên trong còn nhiều phương tiện phục vụ việc bơm, hút, vận chuyển cát, máy Kobe chưa di dời. Khối lượng lớn cát thành phẩm, cao lanh (đất sét trắng) vẫn ngổn ngang trong lòng hồ. Điều này dẫn đến gây khó khăn cho việc tích trữ nước khi vào mùa mưa. Nằm cạnh hồ nhưng nhiều ruộng rẫy vẫn trong tình trạng khô hạn, không thể canh tác do không có nước tưới.

Trước đó, ngày 29.11.2018, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang ký quyết định phê duyệt việc nộp tiền để cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực nạo vét của dự án nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek.

Tổ chức nộp tiền là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hải Đến. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu là 72.600 đồng/m3. Lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 400.283m3.

3-ho3.jpg
Nhiều ruộng rẫy dù nằm ngay cạnh hồ vẫn bị khô hạn, không thể canh tác do không có nước tưới - Ảnh: Tô Văn

Cùng chung số phận với hồ Soài Chek, hồ Ô Thum (thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn - hồ ngăn nước dưới chân núi Cô Tô) có sức chứa 270.000m3 nước, tổng mức đầu tư hơn 13 tỉ đồng (nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp). Qua nhiều năm xây dựng và khánh thành nhưng đến nay hồ vẫn chưa thể tích nước.

Từ năm 2018 đến nay, lòng hồ được cải tạo và trở thành công trường khai thác cát. Hiện phần lớn lòng hồ trong tình trạng trơ đáy, lòi lõm như hố bom, còn số lượng lớn cát, cao lanh vẫn chưa được di dời. Trong khi ấy, một cánh đồng rộng lớn gần đó chưa thể gieo sạ hoặc trồng rẫy vì phải chờ nước.

6-ho-o-thum6.jpg
Hồ Ô Thum (thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn sức chứa 270.000m3 nước, qua nhiều năm xây dựng và khánh thành nhưng đến nay vẫn chưa thể tích nước - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, ngày 31.10.2018, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định số 2766 về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực nạo vét của dự án nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum.

Tổ chức nộp tiền là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác khoáng sản An Bình. Giá nộp tiền đối với cát là 112.500 đồng/m3, đối với đất là 84.700 đồng/m3. Tổng lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 371.962m3. Trong đó lượng cát là 260.373m3, lượng đất là 111.589m3.

Một người dân địa phương cho biết, để ngăn chặn việc các đoàn xe của đơn vị thi công chở cát ra ngoài, cơ quan chức năng đã cho lắp đặt camera cũng như cử người canh giữ 24/24 tại khu vực hồ Soài Chek và Ô Thum.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn thông tin, quá trình thực hiện 2 dự án trên có ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác 320ha xung quanh khu vực hồ Soài Chek và 400ha xung quanh hồ Ô Thum.

Hướng giải quyết

Ông Nguyễn Minh Đẳng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực huyện Tri Tôn cho biết thời gian thu hồi khoáng sản hồ Soài Chek từ tháng 12.2018 đến 12.2020.

Thời gian thực hiện nạo vét từ ngày 2.3.2019 đến 26.9.2021, với khối lượng nạo vét là 220.480m3. Hiện khối lượng cát đã khai thác nhưng vẫn chưa vận chuyển đem đi là 38.798m3, còn cao lanh là 6.500m3.

Còn hồ Ô Thum, công suất được phép thu hồi 200.000m3/năm. Thời gian thu hồi khoáng sản 2 năm (từ tháng 12.2018 đến 12.2020). Thời gian thực hiện nạo vét từ tháng 2.2019 đến tháng 26.9.2021, với khối lượng nạo vét 300.000m3. Đến nay khối lượng cát đã khai thác còn lại ở bãi tập kết chưa vận chuyển đem đi là 6.000m3, cao lanh là 40.000m3.

"Việc nâng cấp sức chứa nước tại hồ Soài Chek và Ô Thum là để phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất cả hai dự án trên đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.

Hiện tại UBND huyện Tri Tôn đang cho sửa chữa, dọn dẹp lồng hồ để chuẩn bị tích trữ nước trong mùa mưa sắp tới, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn cát không được phép vận chuyển ra khỏi phạm vi hồ", ông Đăng nói.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang thông tin, để chống biến đổi khí hậu, phục vụ sinh hoạt cho người dân vùng Bảy Núi, UBND tỉnh An Giang đã tiếp tục đầu tư 3 hồ tích nước thuộc địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên với tổng kinh phí trên 450 tỉ đồng.

Cụ thể, hồ Tà Lọt có dung tích thiết kế trên 531.000m3, đến nay đã thi công đạt khoảng 80% khối lượng công trình. Hồ Núi Dài 2 dung tích thiết kế hơn 558.000m3 và thi công đạt khoảng 98% khối lượng công trình. Còn hồ Cô Tô có dung tích thiết kế hơn 193.000m3 và thi công đạt khoảng 50%.

Dự án gồm các hạng mục: đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành, nhà quản lý. Dự kiến các công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024. Đây là khu vực thường thiếu nước cục bộ vào mùa khô, có tổng dân số khoảng 270.000 người.

7-ho7.jpg
Thông báo kết luận của bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang kết luận việc thực hiện đầu tư nạo vét, nâng sức chứa 2 hồ Soài Chek và Ô Thum không đạt kế hoạch đề ra.

Các đơn vị thi công chỉ chú trọng vào việc tận thu vật liệu nạo vét, chưa quan tâm đến việc khắc phục các tồn tại trong quá trình nạo vét.

Do đó đề nghị của địa phương cho tiếp tục vận chuyển vật liệu nạo vét ra khỏi khu vực hồ là không có cơ sở để xem xét. Đồng thời UBND tỉnh thống nhất theo đề nghị của các sở ngành là không cho chủ trương gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện nạo vét 2 dự án trên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND huyện Tri Tôn chịu trách nhiệm khắc phục những tồn tại, như: cải tạo lòng hồ (nạo vét bùn thải trong lòng hồ, xử lý các đập phân chia khu vực, gờ đất, các gò nổi, hố sâu, vệ sinh lòng hồ…), duy tu đường vận hành và đập nhằm đảm bảo việc vận hành tích nước và khai thác nước trong hồ phục vụ sản xuất theo phương án kỹ thuật được phê duyệt.

Để thực hiện thông báo và kết luận của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ về nội dung xin chủ trương thực hiện thanh tra quá trình thực hiện 2 dự án nói trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã tiếp tục ký văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT củng cố nhân sự tổ công tác trước đây để tiến hành tiếp tục kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện đầu tư, nạo vét dự án nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum và hồ Soài Chek; báo cáo kết quả kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo lại Ban Cán sự đảng UBND tỉnh.

UBND huyện Tri Tôn chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ phục vụ tổ công tác trong quá trình kiểm tra và dừng tất cả các hoạt động nạo vét trong quá trình chờ kết quả kiểm tra.

***

Tịnh Biên và Tri Tôn là hai huyện cách khá xa trung tâm hành chính tỉnh An Giang, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ðể cải thiện cuộc sống đồng bào vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục việc thiếu nước mùa khô hạn, thời kỳ 2018-2020, tỉnh An Giang đã xây dựng một số hồ thủy lợi (Soài So, Soài Check, Ô Thum, Ô Tà Sóc… ) và 3 trạm bơm điện với tổng kinh phí hơn 360 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai hồ trữ nước được đầu tư nhiều tỉ đồng ở An Giang: Đến bao giờ tích nước?