Việc đầu tư xây dựng những công trình vĩnh cửu - 100 năm trở lên, không thể cứ kéo dài tình trạng lập dự án một cách sơ sài, chủ quan, phiến diện như hiện nay mà cần lập luận chứng tổng hợp, toàn diện, đa chiều để bảo đảm tính chắc chắn, “sạch nước cản” của việc đầu tư xây dựng các công trình.
Ở địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) có trên 10ha đất ruộng thuộc cánh đồng Nha (1 cánh đồng xanh cấy lúa nếp thơm ngon nức tiếng), trước đây được cơ quan chức năng cấp cho Công ty cổ phần Him Lam làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng (cánh đồng) để chuẩn bị xây dựng khu “Công viên công nghệ cao”.
Song, ngày 2.4.2017 vừa qua, tôi có dịp về thăm thì cánh đồng xanh này đã biến thành Trung tâm thương mại "cỡ bự", hạng I, do Công ty TNHH Aeonmall Him Lam làm chủ (xem biển của công ty trong ảnh dưới) chứ không phải là khu “Công viên công nghệ cao”.
Tìm hiểu thì nhiều người dân địa phương (có ruộng trên cánh đồng Nha) cho biết, họ chỉ được nhận tiền đền bù với giá thấp để xây dựng khu “Công viên công nghệ cao”. Té ra, sau khi thi công xây dựng công trình xong và đưa vào sử dụng-khai thác, họ mới biết đó là Trung tâm thương mại Aeonmall thuộc Tập đoàn buôn bán lẻ (AEON) nổi tiếng của Nhật Bản liên doanh với Công ty cổ phần Him Lam.
Người dân cho rằng, lẽ ra tiền đền bù để xây dựng Trung tâm thương mại phải cao hơn nhiều so với (tiền đền bù) để xây dựng khu “Công viên công nghệ cao”. Nhưng đến nay người dân địa phương không được nhận thêm 1 cắc tiền đền bù nào.
Việc tráo đổi mục đích của dự án (từ công viên công nghệ, thành trung tâm thương mại), lấy đất cánh đồng xanh (ở địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên) có thể ví như “treo đầu chó, bán thịt dê”. Một thí dụ về sự ma mãnh của 1 số chủ dự án hiện nay.
Cụ thể, khi làm thủ tục xin đất, 1 số chủ dự án thường dùng mánh khóe nói rằng sẽ đầu tư xây dựng công trình nào đó nghe na ná như các công trình công cộng, phúc lợi, để dễ bề thuyết phục xin cấp đất. Đồng thời lại có cơ hội chi tiền đền bù với giá rẻ nhất.
Đến khi đền bù giải phóng mặt bằng xong, chủ dự án mới xin chuyển đổi mục đích (của dự án), hoặc xin liên kết đầu tư với nước ngoài… Bây giờ mới lộ rõ “bộ mặt thật” của công trình, thực chất xin đất ruộng (đền bù giá rẻ) để xây dựng công trình kinh doanh-buôn bán, nhằm kiếm lời 1 cách rất dễ dàng. Và thiệt thòi vẫn thuộc về người dân địa phương.
Đó là câu chuyện thứ nhất và cũng chính là sự sơ hở lớn thứ nhất trong công tác quản lý xây dựng hiện hành khiến dư luận nhân dân đang đòi hỏi cơ quan thẩm quyền sớm có biện pháp khắc phục.
Câu chuyện thứ 2, sau vụ thi công xây dựng (khi chưa có đánh giá tác động môi trường) trên 40 móng khu nhà biệt thự của dự án Khu Du lịch sinh thái biển Tiên Sa, tọa lạc ở địa bàn quận Sơn Trà, khiến Sơn Trà bị băm nát, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ quan thẩm quyền địa phương ra quyết định dừng dự án này.
Tiếp đến, lại ở thành phố Đà Nẵng, cơ quan Thanh tra Xây dựng địa phương đã ra quyết định đình chỉ dự án Khu đô thị The Sunrise Bay (thuộc khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng). Bởi vì dự án thi công đã không thực hiện yêu cầu của giấy phép xây dựng: Dự án phải có đánh giá tác động môi trường trước khi thi công.
Tiếp nữa, ngày 29.3.2017, Văn phòng Chính phủ trực tiếp ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu dừng thi công dự án FLC Hạ Long, tọa lạc ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Đặc biệt ngày 3.4.2017 vừa rồi, Văn phòng Chính phủ lại trực tiếp ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo về dự án Khu Du lịch sinh thái biển Tiên Sa.
Tôi nhớ lại quá trình quản lý đầu tư xây dựng công trình của nước ta, từ thời kỳ còn quy định làm nhiệm vụ thiết kế (công trình), đến thời kỳ cải tiến theo nước ngoài, làm luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO). Và bây giờ là quy định lập dự án đầu tư, bỏ TEO.
Việc bỏ TEO để lập dự án trong công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Điển hình như các dự án mới bị đình chỉ thi công nêu trên (đã thực hiện đến giai đoạn thi công rồi mà vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường).
Và cách đây không lâu, có dự án định đầu tư xây dựng một công trình “cỡ bự” trên đèo Hải Vân, nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Hoặc dự án tháo dỡ cầu Long Biên không thành, vì liên quan lịch sử, văn hóa Thủ đô… Hoặc dự án triệt gốc, đốn hạ 6.700 cây xanh già nua, để trồng thay thế bằng 6.700 cây xanh non tơ (ở Hà Nội), đã được chủ đầu tư thực hiện hết sức hấp tấp nên đã bị dư luận thắc mắc, lên án khá nhiều khía cạnh, cùng với cả những cảm xúc đáng buồn.
Trở lại quy định lập dự án đầu tư, ngay 2 từ: Dự án, hay kể cả 4 từ: Dự án khả thi, cũng vẫn có thể chưa thật sự bảo đảm tính chắc chắn, toàn diện của việc đầu tư. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến những dự án phiến diện, dự án thi công rồi phải dừng lại, dự án treo, dự án trên giấy-phi thực tế, gây ra nhiều hậu quả bi đát. Đó là sơ hở lớn thứ 2 trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần quy định phải làm Luận chứng tổng hợp, toàn diện, đa chiều (chứ không chỉ có Luận chứng kinh tế kỹ thuật-TEO như ngày xưa), để thay thế việc lập dự án trong công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình hiện nay. Nội dung Luận chứng tổng hợp, toàn diện, tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ, hạn ngạch đầu tư xây dựng công trình và sẽ do cơ quan thẩm quyền quy định cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn ngoài việc hội đủ các nội dung: Sự cần thiết đầu tư, tác động chính trị, kinh tế, kỹ thuật, tài nguyên môi trường, tầm nhìn, quy hoạch địa điểm, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, giao thông, diện tích đất đai, giải phóng mặt bằng… còn đề cập đến các yếu tố quốc phòng, an ninh, lịch sử, văn hóa, phong tục địa phương và cả điều kiện địa sinh học (geobiologie), phong thủy… Có như vậy mới bảo đảm tính chắc chắn, toàn diện của việc đầu tư.
Sẽ có người cho rằng, nếu làm luận chứng tổng hợp, toàn diện, đa chiều “cầu toàn” như vậy, biết bao giờ mới xong để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt? Nhưng với việc đầu tư xây dựng những công trình vĩnh cửu-100 năm trở lên, không thể cứ kéo dài tình trạng lập dự án một cách sơ sài, chủ quan, phiến diện như hiện nay mà cần lập luận chứng tổng hợp, toàn diện, đa chiều để bảo đảm tính chắc chắn, “sạch nước cản” của việc đầu tư xây dựng các công trình.
Nguyễn Thành Lập