Một trong những vấn đề nổi cộm của Nghị định 109 là quyền quản lý của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng mô hình VFA do lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước làm chủ tịch là không phù hợp, ngược lại còn gây bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực: Quyền lực bị thao túng vì quyền lợi cục bộ

tuyetnhung | 04/03/2017, 14:33

Một trong những vấn đề nổi cộm của Nghị định 109 là quyền quản lý của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng mô hình VFA do lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước làm chủ tịch là không phù hợp, ngược lại còn gây bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Trên thực tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vì vậy, tôn chỉ, mục đích đầu tiên của VFA phải là bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.

Tuy nhiên, vai trò, chức năng, phương thức hoạt động... của VFA dường như đã vượt quá một hiệp hội nghề nghiệp đơn thuần và có khá nhiều quyền chi phối hoạt động xuất khẩu gạo. Cụ thể, VFA đang thực hiện những việc của Nhà nước như: công bố giá sàn, đăng ký hợp đồng xuất khẩu và phân phối quota xuất khẩu gạo...

Đặc biệt, vị trí chủ tịch hiệp hội này luôn nằm trong tay những doanh nghiệp nhà nước lớn, cụ thể là Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015 luôn đạt 6-7 triệu tấn, nhưng riêng Vinafood 2 vàVinafood 1 là doanh nghiệp nhà nước đã chiếm lĩnh khoảng 60% thị phần.

"Nếu lãnh đạo hiệp hội là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, ông ấy thường sẽ mang hơi hướng của doanh nghiệp mình. Và khi một số doanh nghiệp có quy mô lớn khác cùng vào trong hiệp hội, họ sẽ cùng xây dựng lợi ích của họ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt", ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam(VCCI) chi nhánhCần Thơ từng nhận định.

Đối với các hợp đồng thương mại, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu đã có giấy phép đủ điều kiện, nhưng hợp đồng vẫn phải được VFA chấp thuận và đóng dấu giáp lai như một hình thức giấy phép con. Nếu không có con dấu của VFA thì Hải quan cũng không được phép cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Riêng các hợp đồng xuất khẩu gạo cấp chính phủ với khối lượng lớn, VFA sẽ chủ trì phân chia quota cho các nhà xuất khẩu mà họ chọn lựa.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng VFA đang được trao quyền quá lớn, vượt qua các cơ quan nhà nước như Hải quan. Cách thức hoạt động của hiệp hội này chính là "vừa đá bóng vừa thổi còi".

"Doanh nghiệp xuất khẩu dù được cấp giấy phép rồi, nhưng hợp đồng vẫn phải thông qua VFA. Hiệp hội thực chất toàn là những doanh nghiệp nhà nước lớn. Đứng trên phương diện kinh doanh thì hành động này chính là tiết lộ bí mật kinh doanh, bất bình đẳng, làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở Cần Thơ bức xúc.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhận định: Là một hiệp hội, đáng lý ra VFA phải tập hợp được các hội viên làm vùng nguyên liệu lớn nhưng nhiều năm qua đơn vị này vẫn chưa làm được.

"Không chỉ vậy, VFA còn đề nghị Chính phủ cho chủ trương mua tạm trữ xuất khẩu gạo trong khi nông dân chưa thu hoạch. Tầm nhìn của VFA dường như chỉ phục vụ mục đích cho một nhóm nào đó. Nếu Chính phủ đồng ý cho tạm trữ thì những doanh nghiệp thành viên VFA được hưởng lãi suất ưu đãi cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân có hợp tác với nông dân", ông Bình nói.

Từ đó, các chuyên gia kinh tế đề xuất cần cải tổ cách quản lý của VFA một cách thực chất và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nếu sửa đổi hoặc xóa bỏ Nghị định 109 mà không thay đổiVFA thì vấn đề mới chỉ giải quyết định được phần ngọn.

"Các hiệp hội cần tồn tại nhưng không được nhà nước hóa, nếu nhà nước hóa thì tạo ra sự độc quyền, mất cạnh tranh. Hoạt động của VFA và Nghị định 109 cần được cải tổ thực chất để tạo nên sự "màu mỡ" cho vùng lúa gạo ĐBSCL. Hãy làm từng bước một, sửa đổi Nghị định 109 từng bước để phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế", TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay.

Về vấn đề giá sàn được nêu trong Nghị định 109, được xác định và thông báo theo hướng dẫn của VFA dựa trên diễn biến của thị trường trong nước cũng như thế giới. Và các doanh nghiệp phảiđăng ký xuất khẩu gạo không được dưới giá sàn xuất khẩu mà VFAquy định.

VEPR cho rằng Việc tính toán giá sàn xuất khẩu là cực kỳ khó khăn, bởi bản chất biến động của thị trường. VFA cũng đã phải điều chỉnh khá nhiều lần giá sàn xuất khẩu gạo trong các năm, ví dụ năm 2011 là 8 lần.

"Sự thay đổi giá sàn nhiều lần và không dự kiến được trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây nên tâm lý bất an cho các doanh nghiệp kinh doanh. Xu hướng này tạo nên một môi trường kinh doanh rủi ro và hướng các doanh nghiệp đến những sự tính toán kinh doanh rất ngắn hạn, thay vì dám mạo hiểm cho các quyết định kinh doanh dài hạn. Trên thực tế, việc thực hiện chính sách giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra cảm giác thiếu minh bạch, có thể kèm theo đó là cạnh tranh không lành mạnh", VEPR đánh giá.

Trao đổi với báo Một Thế Giới về những vấn đề xung quanh Nghị định 109 và việc quản lý của VFA, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc Bộ Công Thươnghủy bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và lập Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109/2010 là phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay và cam kết tự do thương mại với WTO.

Như vậy, các thương nhân chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và không chịu sức ép về thành tích số lượng xuất khẩu bằng một quy định hành chính không còn phù hợp. Nếu có khó khăn, xuất khẩu thấp hoặc không hiệu quả trong ngắn hạn, thương nhân vẫn có quyền tiếp tục hoạt động xuất khẩu để duy trì và phát triển kinh doanh trong tương lai, thay vì phải ngưng xuất khẩu và có thể đi đến phá sản do không có điều kiện để tiếp tục kinh doanh dài hạn.

Về vấn đề quản lý của VFA, ông Năng cho rằng nhiệm vụ VFA là phối hợp doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo kịp thời, kinh doanh có hiệu quả và bảo vệ lợi ích của nông dân trồng lúa với cơ chế thị trường, không hoàn toàn thuộc chức năng quản lý nhà nước, vì Hiệp hội không có quyền quyết định mà chỉ có tổ chức thực hiện theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc xã hội hóa một số công việc cụ thể liên quan đến chức năng quản lý nhà nước, để doanh nghiệp tự quản là cần thiết để giảm nhẹ bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả hiện nay.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp hội Lương thực: Quyền lực bị thao túng vì quyền lợi cục bộ