Bộ Xây dựng là bộ có cơ cấu tổ chức tinh gọn nhất trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây, dù trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao đã liên tục tăng qua các nhiệm kỳ và chỉ tiêu biên chế được giao rất hạn hẹp.
Đây là thông tin được ông Hoàng Hải Vân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành tổ chức ngày 14.12 tại Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2006- 2011, Bộ Xây dựng được giao bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với 2 lĩnh vực mới là phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản. Nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016, Bộ Xây dựng được giao bổ sung 26 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ. Sang nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, bộ được bổ sung 21 nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026, Bộ Xây dựng được bổ sung làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công viên, cơ khí xây dựng, chuyển đổi số của ngành.
Về chỉ tiêu biên chế được giao, ông Hoàng Hải Vân cho biết Bộ Xây dựng chưa có thời điểm nào được giao quá 400 biên chế, và giảm dần qua các năm. Năm 2024 số lượng biên chế được giao của Bộ Xây dựng còn 357 biên chế và giai đoạn 2022-2026, bộ được giao chỉ còn 339 biên chế cho đến hết năm 2026.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18 - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong hai tuần vừa qua, Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để xây dựng đề án hợp nhất hai bộ. Về cơ bản, công tác xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đến nay đã hoàn thành.
Theo ông Hoàng Hải Vân, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao nhiều và nặng nề qua từng nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ Xây dựng vẫn giữ cơ cấu tinh gọn nhất. Bộ không hình thành cấp tổng cục, không thành lập một số tổ chức hành chính có ở một số bộ khác như Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục Quản trị... mà các tổ chức này đều được tinh gọn thành các bộ phận bên trong các đơn vị trực thuộc bộ. Bộ Xây dựng cũng là một trong những bộ đầu tiên bỏ mô hình phòng trong vụ.
Các cơ quan hành chính trực thuộc bộ cơ bản đều đã được thành lập, giữ ổn định tên gọi và mô hình hoạt động trong khoảng 4 nhiệm kỳ gần đây. Một số cơ quan được nâng cấp, chuyển đổi mô hình hoặc tổ chức, sắp xếp lại trong 2 nhiệm kỳ gần đây (từ vụ lên cục, từ ban sang vụ) đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, việc bổ sung nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng qua từng nhiệm kỳ và yêu cầu cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập; hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận bên trong các đơn vị để thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, giảm biên chế; đồng thời thực hiện nghiêm các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó.
Cũng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng. Đến năm 2024, bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp
Trong điều kiện bộ máy tổ chức và số lượng biên chế đã hết sức tinh gọn qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo việc xây dựng đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải với 2 yêu cầu lớn. Trước tiên là nghiêm túc rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy bên trong Bộ Xây dựng để lên phương án tiếp tục tinh gọn bộ máy; đã tinh gọn thì cần tinh gọn hơn nữa.
Đồng thời, phải nhận thức Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải là một, không phân biệt "bên anh, bên tôi" để thẳng thắn đánh giá các chức năng, nhiệm vụ trùng lắặ hoặc có sự gắn kết, liên thông. Qua đó, hai bộ mạnh dạn đề xuất phương án đột phá để giải thể, hoặc hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị của hai bộ theo hướng tinh gọn, khoa học và nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động - ông Hoàng Hải Vân nhấn mạnh.
Xét về lịch sử, Bộ Xây dựng được thành lập năm 1958 đến nay đã hơn 65 năm. Bộ Giao thông vận tải được thành lập từ năm 1945, đến nay đã gần 80 năm. Tên gọi "Bộ Xây dựng" và "Bộ Giao thông vận tải" đã có quá trình tồn tại lâu dài, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của từng bộ trong các giai đoạn trước đây, gắn liền với lịch sử hình thành và tình cảm, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của 2 ngành. Dự kiến tên của hai bộ sau hợp nhất được quyết định là "Bộ Xây dựng - Giao thông".
Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải có 23 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 25 - 27 đơn vị, giảm tương đương 35 - 40% tổng số đầu mối. Trong đó: khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị; khối chuyên ngành có khoảng 14 - 16 đơn vị; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị.
Ông Hoàng Hải Vân cho biết, trước ngày 20.12.2024, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Nội vụ để hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất, trình Ban Chỉ đạo Chính phủ. Cùng đó, nhiều địa phương hiện cũng đang triển khai xây dựng đề án hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng; trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".