Chal Thi được nghe cha kể rằng tổ tiên cô đã biết lấy mật hoa dừa để thêm vị ngọt cho cuộc sống, tương tự như lấy mật từ thốt nốt. Nhưng bằng chứng lịch sử ấy chỉ là lời kể của những người đã sống xuyên thế kỷ.

Hồi sinh mật hoa dừa nhờ công nghệ

Khánh An (theo Thế giới hội nhập) | 12/02/2021, 11:36

Chal Thi được nghe cha kể rằng tổ tiên cô đã biết lấy mật hoa dừa để thêm vị ngọt cho cuộc sống, tương tự như lấy mật từ thốt nốt. Nhưng bằng chứng lịch sử ấy chỉ là lời kể của những người đã sống xuyên thế kỷ.

Một cuộc tái sinh

Sau khi hoàn tất chương trình cao học tại Đại học Bách khoa TP.HCM, Chal Thi dự định sẽ làm việc ở thành phố tới 40 tuổi mới trở về quê. Nhưng khi đã đi một vòng để tìm kiếm sự trùng khớp văn hóa giữa các “vương quốc dừa” theo dòng thời gian, chứng kiến cách khai thác mật hoa dừa của nhiều nước như sàn diễn của những ý tưởng công nghiệp, cô muốn mật hoa dừa sống lại ngay trên mảnh đất quê Trà Vinh, gắn với giá trị văn hóa cội nguồn Khmer.

chal-thi-768x1024.jpg
Chal Thi bên bộ sản phẩm của Sokfarm

Vợ chồng Chal Thi – Đình Ngãi quyết định hồi hương. Cả hai đã đặt mật hoa dừa – nguồn cảm hứng cho hành trình khởi nghiệp, vào đúng vị trí trung tâm nguồn lực và đẩy dòng ý tưởng lớn lên thành hiện thực: Sokfarm.

Sokfarm bị giới hạn vì chỉ có 2 ha dừa của gia đình, lúc bị rẻ rúng cả vườn dừa chỉ bán được 2 triệu đồng. Dấu lặng vườn dừa khiến cho ý tưởng khởi nghiệp của vợ chồng Thạch Thị Chal Thi –  Nguyễn Đình Ngãi trở thành ý chí thay đổi số phận.

Từ vườn dừa của cha, 6 tháng đầu tiên, cô chỉ lấy được đúng 1 lít mật. Tới tháng thứ 8, Chal Thi mới đủ kinh nghiệm chọn lựa những cây dừa đủ tuổi (5 năm trở lên) để khai thác mật hoa, biết đúng thời điểm cắt hoa và bảo quản khi thu mật.

Mỗi ngày hai lần, người thợ phải mát-xa hoa dừa bằng cách dùng thanh gỗ gõ đều đều, vừa phải lên lớp vỏ bọc hoa dừa để “đả thông kinh mạch” thì hoa mới tiết mật. Rồi phải dùng dao gọt nhẹ 5cm, mỗi ngày cắt hoa mặt dừa một chút. Muốn có mật nhiều dinh dưỡng phải biết cách chăm sóc cây và mật không bị lên men, cách bảo quản sau khi thu hoạch… Toàn là những việc quá phức tạp với người trồng dừa hàng trăm năm qua.

Dừa thu mật phải tưới nước hằng ngày. Người làm vườn ủ hoai 2.000 bao phân bò trong 3 tháng trộn tro trấu rồi bón cho cây.Chal Thi học cách ủ enzim bón cho cây từ Đài Loan.Khi họ làm mứt khóm, vỏ và rác thải nông nghiệp ủ làm phân bón cải tạo đất.Những hiểu biết, kỹ thuật và kỹ năng thực hành đều được chia sẻ cho người trồng dừa liên kết.

Thông thường hoa mỗi cây dừa cho 1 lít mật cách nhau 12 giờ, hết một chu kỳ (25 ngày) thu được 25 lít mật. Ở Thái Lan, một cây dừa có thể thu mật 12 tháng nhưng Chal Thi chỉ lấy mật trong 9 tháng, 3 tháng còn lại chăm sóc cây theo phương pháp “dưỡng sinh”.

Muốn chuyển đổi căn cơ hơn, phải chọn giống chuyên biệt chứ không phải cứ chặt cây dừa ta là có thể thương mại mật hoa dừa. Chal Thi mua giống dừa Mawa, chuyên lấy mật từ Philippines về trồng 6.000m2 (được 1 năm tuổi). Ở Thái Lan, người ta cũng trồng giống này lấy mật. Dừa Mawa trái to, nước không ngọt như dừa xiêm nhưng cơm dầy, được lai tạo nên thân to, bộ rễ hút được nhiều nước, cho bông lớn, mật nhiều.

Vận hành theo mô hình Permaculture

Nghiên cứu về mật hoa dừa từ tháng 6/2018, một năm sau Chal Thi – Đình Ngãi lập Sokfarm (tháng 7/2019), tại huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Sokfarm là tên do Chal Thi chọn, mang hàm ý nông trại hạnh phúc, chuỗi giá trị gia tăng nông phẩm, nơi luôn đặt sự hạnh phúc, công bằng giới và môi trường lên hàng đầu. Có thể ví đây như khu vườn địa đàng của mật hoa dừa, chung quanh là thảm thực vật, mỗi tán cây, thảm cỏ được “giao nhiệm vụ” lọc nước, tăng khả năng cố định đạm, giữ ẩm…

Con đường trải đá uốn lượn, chạy ngang những “tha la” sạch sẽ, thoáng mát, những giàn mướp buông trái ngang tầm mắt. Gió ngoài đồng len lỏi qua những hàng dừa, mọi nơi đã có sẵn thang để quan sát những hoa dừa đang thong thả nhả mật. Ban đầu, nhiều người vào Sokfarm nhìn con đường rải đá hỏi sao không tráng xi măng? “Dạ, để cho đất nó thở’, Chal Thi trả lời.Bây giờ thì họ đã quen rồi, thậm chí cứ chân đất trong vườn dừa.

“Không có loại hóa chất nào được sử dùng trong khu vườn này”, Chal Thi nói. Ở Soksapbai House có sẵn những chiếc ghế gần bờ ao, mùa này ngập nước, để có thể ngắm hoa súng, có bông điên điển và tiếng cá đớp bóng. Phía xa xa là những vườn dừa của chòm xóm.Nhiều người tự nguyện tham gia vào chuỗi hoạt động của Sokfarm phải mất 6 tháng mới quen công việc.Bây giờ họ thạo việc chẳng khác gì vợ chồng cô.

Ở Sokfarm cỏ được trồng làm hàng rào sinh học và dùng để xử lý nước thải có tên “Living Machine”. Cỏ đậu phộng hoa vàng lá xanh giống như máy xới mini giúp đất tơi xốp, rễ có thể cố định đạm. Bụi bông súng thả trong ao vừa có tác dụng lọc nước, vừa cho hoa màu hường rất đẹp, lâu lâu trả một nồi canh chua bông súng. Hoa đậu biếc pha với mật hoa dừa, là món trà có dược tính. Dưới tán dừa là cây cacao. Cây dừa rễ rộng, cây cacao rễ sâu, không tranh giành lấn lướt nhau.Từ đó Sokfarm cho ra đời sản phẩm hạt cacao sấy mật hoa dừa.

Hiện giờ, trong khu vườn 2ha, Sok House mang ý nghĩa là ngôi nhà bình an, trưng bày các sản phẩm tốt cho sức khỏe của Sokfarm. Sok sanl tiếng Khmer nghĩa là an cư. Từ đây có thể đọc sách, ngắm mặt trời mọc và nghĩ ra những gì cho mình và cho đời. Soksapbai House là nơi chào đón khách đến trải nghiệm sản phẩm từ hoa dừa của Sokfarm, trao đổi theo tinh thần “samaki” (đoàn kết). Còn nhiều cái tên bắt đầu từ Sok, sẽ dành cho những ngôi nhà mới, theo kế hoạch là 10 căn nhà sàn của người Khmer để làm farmstay trong 3 năm tới.

Dịch Covid-19 hoành hành, Sokfarm đón hai nhóm khách hàng: nhóm khách tới trải nghiệm trước khi làm nhà phân phối sản phẩm mật hoa dừa. Nhóm kia là những du khách tránh đám đông. Họ thích cắm trại, ngủ lều nghe dàn hợp xướng ếch, nhái, ễnh ương… tại Sokfarm.Những người đang chuyển đổi cách sống, cách sinh kế đến đây thấy mọi thứ khác xa với kiểu tự mình làm lâu nay.

Hệ thống Permaculture nhấn mạnh vào các điểm nổi bật của cảnh quan, chức năng và tối ưu hóa lợi ích giữa các loài và môi trường, tạo ra mối quan hệ có lợi giữa các yếu tố riêng lẻ, biến thành nguồn lực từ sức lao động của con người, năng lượng, thậm chí rác thải. Giá trị cốt lõi của permaculture bao gồm: Chăm sóc những gì thiên nhiên ban tặng, chăm sóc con người và chia sẻ công bằng (Fair share). Chal Thi tiếp tục nghiên cứu để Sokfarm tiếp cận tiêu chí Fair trade.

Từ soksapbai House nhìn ra ngoài vườn dừa.

Bộ máy chuyền lực

Xưởng chế biến từ nguyên liệu của Sokfarm có công suất thiết kế 25 tấn/năm.Trong giai đoạn đầu, năng suất tối đa 3 tấn thành phẩm/tháng. Hiện tại mỗi tháng mới đạt phân nửa công suất do nguồn nguyên liệu chỉ đủ làm mật cô đặc 1,5 tấn, đường 150kg, hạt cacao sấy mật hoa dừa 50kg, mứt khóm mật hoa dừa 500 kg, mật hoa dừa tươi và nước dừa đóng chai 2.000 lít… Sau khi vườn dừa của cha được “tái cấu trúc”, vợ chồng Chal Thi đầu tư vào nhà xưởng và Sokfarm 2 tỷ đồng. 20 lao động chính thức là người địa phương đã thành thạo trong việc khai thác.

Mong muốn của Chal Thi là nâng công suất lên 20 tấn/tháng.Vườn của Sokfarm không đủ, Chal Thi chia sẻ kỹ thuật, kỹ năng, tiêu chuẩn để liên kết với người trồng dừa lân cận. Người nông dân liên kết vùng nguyên liệu với Sokfarm hiện nay có thu nhập cao gấp 3 – 5 lần so với việc trồng dừa thu trái.

Mật hoa dừa thu được trong bán kính 5km thì xưởng chế thành mật cô đặc. Những nơi xa thì thu mật làm sản phẩm lên men. Mật về xưởng được đo tiêu chuẩn nguyên liệu, có loại làm nước uống tươi, có loại làm confiture với khóm với xoài, có loại trở thành những hạt đường không ly tâm, giữ nguyên dưỡng chất sẵn có trong mật hoa dừa cho đoạn cuối thì làm giấm… Tình huống nào cũng có cách xử lý chứ không phải vứt bỏ.“Từng giọt mật quý lắm”, Chal Thi chia sẻ. Cô nói: “Sokfarm ra đời với sứ mệnh nối lại khoảng thời gian đứt gãy của nghề thu mật hoa dừa từ xa xưa ở Trà Vinh và thương mại hóa sản phẩm mật hoa dừa”.

Có ai đó nói với Đình Ngãi rằng “dư địa để sáng tạo còn rất lớn, các bạn đã chạm đến triết lý hồi sinh, đừng dừng ở chỗ trải nghiệm mà hãy tìm cách đi tới giá trị sống của Sokfarm và cộng đồng”. Ngãi cho biết “Team Sokfarm xác định không chỉ sản xuất mật hoa dừa mà muốn góp phần đưa mọi người trở về với thiên nhiên và cảm nhận sâu sắc sự bao bọc của mẹ thiên nhiên”.

Bén duyên mật hoa dừa

Năm 2020 là năm thành công của mật hoa dừa Sokfarm dù đại dịch hoành hành. Lần đầu tiên sản phẩm đến Nhật nhờ Tomoko San là nhà phân phối chính. Lần thứ  hai, lô hàng mật hoa dừa đến Mỹ, lên sàn thương mại điện tử Amazon. Hiện nay, trên sàn thương mại điện tử của Alibaba, mật hoa dừa Sokfarm rất được ưa chuộng.“cherithegluton.com” là trang một blogger nổi tiếng của Nhật chuyên viết về các món ăn và cách nấu ăn, nhận xét: Mật hoa dừa Sokfarm rất thích hợp với món ăn của người Nhật. Vị ngọt thấm nhanh và tạo độ sệt cho món khoai tây hầm kiểu Nhật.

90 quốc gia vùng nhiệt đới với tổng diện tích trên 12,2 triệu ha, theo Hiệp hội dừa châu Á – Thái Bình Dương và FAO. Khi nhiều nơi đã tạo ra giá trị kinh tế cao của dừa nhờ công nghệ thì Việt Nam chỉ nổi nhờ năng suất. Chal Thy hiểu năng suất và những lúc người trồng dừa lên bờ xuống ruộng là do thiếu công nghệ chế biến và những thành công từ ngành công nghiệp dừa là rất lớn nhưng chưa bền vững vì đã bỏ sót trải nghiệm văn hóa.

Cách làm của Chal Thi – Đình Ngãi khiến đoàn thương nhân Ấn Độ tìm đến Sokfarm. Họ nhìn Sokfarm và thưởng thức mật hoa dừa theo tiêu chuẩn chất lượng và giá trị do mô hình Permaculture mang lại. Cách vận hành mô hình, hiểu biết văn hóa và tín ngưỡng đã tạo thiện cảm. Vị khách rót chai mật hoa dừa có chứng nhận Halal ra đĩa và chấm với bánh mì truyền thống, trầm trồ “rất hợp khẩu vị, cách làm giữ được dinh dưỡng và năng lượng ổn định, rất thích hợp cách ăn của người theo đạo Hồi và cả Ấn giáo”.

Mang trên mình hệ giá trị khởi nghiệp và ý thức thay đổi số phận, Chal Thi nói sứ mệnh của Sokfarm là làm bằng sức mình để các hoạt động sản xuất và canh tác giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường. Mong muốn của cô là vùng nguyên liệu tại đây không chỉ Sokfarm mà các nông hộ Khmer sẽ làm theo hướng bền vững. Hiện nay, nếu gia đình có 20 gốc dừa, tự khai thác mật cung cấp cho Sokfarm, hằng tháng thu được 6 – 7 triệu đồng nếu mật loại 1. Nếu mật không đạt chuẩn thì cũng được 3 – 3,5 triệu đồng. 8 lít mật tươi nấu được 1 lít mật cô đặc. Càng chuẩn mực, thu nhập người trồng dừa càng cao.

Mật hoa dừa của SokFarm đạt được chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, mọi việc chỉ mới bắt đầu. Con đường phía trước thênh thang nhưng đầy thử thách ngay cả khi Chal Thi nhận đơn đặt hàng nhiều hơn. Cô cho biết dừa ra lưỡi mèo hướng chỉ thiên, muốn lấy mật phải chọn bắp hoa căng tròn, sắp nở. 3 ngày phải uốn lưỡi mèo xuống đất rồi bó lại để nang không bung ra, nóng vội sẽ gãy hết.Theo cô, “việc khởi nghiệp với sản phẩm đã từng bị vùi sâu trong quá khứ như mật hoa dừa cũng vậy, không thể nôn nóng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi sinh mật hoa dừa nhờ công nghệ