Kỷ niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864 - 20.8.2024), hôm nay 16.8, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội thảo "Dấu ấn lịch sử của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân pháp nửa sau thế kỷ 19".
Theo dòng thời sự

Hội thảo khoa học 'Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định'

V.K.K - Mỹ Tho 16/08/2024 18:29

Kỷ niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864 - 20.8.2024), hôm nay 16.8, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội thảo "Dấu ấn lịch sử của khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân pháp nửa sau thế kỷ 19".

gc-1(1).jpg
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham gia - Ảnh: Mỹ Tho

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, các trường đại học ở TP.HCM, tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Trương Định (còn có tên là Trương Công Định) sinh năm 1820, người xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và được bổ nhiệm chức Phó quản cơ của đồn điền.

Từ tháng 4 - 11.1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, thành Biên Hòa và đến tháng 3.1862, Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất vào ngày 5.6.1862 cắt 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Tiếp đó, triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong làm Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hòa và gấp rút nhận chức mới ở An Giang.

Ông đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu "Bình Tây Đại nguyên soái" do nhân dân phong tặng, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp.

gc-4.jpg
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: Mỹ Tho

Đêm 19.8.1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây. Trương Định và nghĩa quân chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng ông bị thương nặng. Biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng, năm ấy ông tròn 44 tuổi.

Các tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định cuộc chiến đấu của Trương Định diễn ra trong bối cảnh rất khó khăn, lực lượng không cân sức. Tuy nhiên với tài năng, trí tuệ và bản lĩnh, tài thao lược của mình, Trương Định đã lãnh đạo phong trào kháng Pháp liên tục làm cho quân pháp hoang mang. Nghĩa quân Trương Định tạo được sự ủng hộ rất cao, sự hậu thuẫn đắc lực của người dân Gò Công, chiến đấu rất ngoan cường với kẻ thù.

gc-5.jpg
Cán bộ hưu trí Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Võ Châu Thanh, nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trương Định là ngọn cờ đầu dám đứng lên chống Pháp mà đầu tiên là chống lại lệnh triều đình, gan dạ dũng cảm, có tư duy, tầm nhìn về ách đô hộ của thực dân Pháp đối với nước ta".

Hội thảo đã giúp tỉnh Tiền Giang bổ sung thêm nguồn tư liệu lịch sử có giá trị, làm sáng tỏ hơn tinh thần yêu nước, tài thao lược, khí tiết, bản lĩnh, tư tưởng yêu nước thương dân của Anh hùng dân tộc Trương Định cũng như tinh thần chiến đấu anh dũng của nghĩa quân Trương Định đã góp phần rất lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ 19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội thảo khoa học 'Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định'