Giá heo xuống thấp khiến số lượng heo hơi nhập về các cơ sở giết mổ tại TP.HCM có đeo vòng nhận diện chỉ đạt 80 – 90%. Trong số này, chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, hơn 50% còn lại đeo vòng chỉ để đối phó.
Ngày 5.5, UBND TP.HCM đã tổ chức sơ kết tình hình triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TP.
Chưa “mặn mà” với việc truy xuất
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, qua 4 tháng triển khai đề án, đến nay đã có 1.131 cơ sở chăn nuôi tại 8 tỉnh, TP khu vực phía Nam đăng ký tham gia nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo; trong đó nhiều nhất là Đồng Nai với 424 cơ sở, Bình Dương có 211 cơ sở, TP.HCM có 42 cơ sở… Trong số này,có 123 cơ sở đã thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo, chiếm 11% số cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày TP có 1.300 con heo tiêu thụ và 100%số heo này được kích hoạt cung cấp thông tin đầy đủ thông qua các kênh phân phối như 821 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền; 23 chợ truyền thống…
Mặc dù bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, song cónhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng số cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc của heo hiện còn rất thấp, chỉ chiếm 11% số cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia đề án.
Chưa kể, trong số hơn 297.300 con heo đã được đeo vòng nhận diện đưa vào các cơ sở giết mổ, vẫn còn 49% khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không được tiếp tục kích hoạt cập nhập thông tin truy xuất.
Đeo vòng để đối phó
Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP), thời gian gần đây do giá heo xuống thấp khiến số lượng heo hơi nhập về các cơ sở giết mổ có đeo vòng nhận diện chỉ đạt 80 – 90%. Đặc biệt, trong số này chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin về nguồn gốc trang trại, hơn 50% còn lại đeo vòng chỉ để đối phó.
Đơn cử, tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, mỗi ngày có khoảng 7.000 con heo tiêu thụ nhưng chỉ có khoảng 3.700 con heo được kích hoạt thông tin. Tuy nhiên, trong số 3.700 con này chỉ có 1.400 con (chiếm 38%) do các cơ sở chăn nuôi kích hoạt cung cấp thông tin, còn lại 2.300 con heo (62%) do các thương lái kích hoạt để đối phó.
“Giá heo hơi giảm mạnh đã tạo áp lực cho các cơ sở chăn nuôi khi phải gánh thêm chi phí vòng nhận diện 6.000 đồng/con, chưa kể đến các chi phí khác”, ông Phát nói.
Đồng tình quan điểm với ông Huỳnh Tấn Phát, đại diện Chi cục Thú y TP thông tin từ tháng 4 đến nay, heotừ Long An nhập về chợ đầu mối Bình Điền chỉ có 8 – 9% là có đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Việc đeo vòng này cũng chỉ mang tính đối phó.
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Quản lý chất lượng chợ đầu mối Bình Điền lý giải nguyên nhân khiến việc thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo còn thấp là do các thương lái mua heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những hộ chăn nuôi đa số ở vùng sâuvùng xa, không có internet hay 3G để kích hoạt các công cụ nhận diện truy xuất nguồn gốc heo.
Nên giãn thời gian áp dụng đồng loạt
Ông Nguyễn Ngọc Hòa,Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết số heo đưa về TP có đủ thông tin truy xuất chủ yếu là từ trang trại khép kín, trang trại quy mô lớn hoặc từ các doanh nghiệp FDI. Còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia đề án rất thấp, lại không được chăn nuôi theo chuẩn VietGap.
Do đó, lãnh đạo Sở Công Thương đề xuất cần vận động hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia đề án có trọng điểm tới các hợp tác xã, trang trại chăn nuôi chứ không vận động tràn lan. Đồnng thời, các cơ quan thú y, chợ đầu mối, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần kiểm soát chặt chẽ để không cho heo chưa có thông tin truy xuất vào TP.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương vào đầu tháng 6 sẽ đeo vòng cho heo được triển khai thực hiện đồng loạt. Tiếp theo đó là thực hiện với trứng và thịt gia cầm.
Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng nên giãn cách thời gian áp dụng đồng loạt, bởihiện tạitỷ lệ hộ chăn nuôi tham gia còn thấp trong khi cách triển khai phải qua nhiều thao tác.
Kết luận về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nói rằng dù có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, các đơn vị liên quan vẫn phải kiên trì thực hiện và xem xét lại thời hạn áp dụng sao cho hợp lý.
“Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần làm nhưng phải kiên trì với các giải pháp đồng bộ, có lộ trình, mục tiêu cụ thể”, ông Tuyến nói.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP sớm tham mưu cho UBND TP triển khai tem truy xuất nguồn gốc, thế nhưng phải tránh trường hợp tem bị lợi dụng mua bán tràn lan. Các chợ đầu mối lên kế hoạch chi tiết thực hiện đề án, trong đó lộ trình cần hạn chế dần việc được vào chợ những loại thịt heo không có vòng nhận diện hoặc có vòng mà không có thông tin.
Trong thời gian tới, ngoài truy xuất nguồn gốc thịt heo, TP sẽ mở rộng việc truy xuất nguồn gốc đối với gà, vịt, trứng.
Phan Diệu