Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững.
Ngày 22.11, sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Nhìn lại chặng đường 20 năm (xuất phát điểm là năm 1997), Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bản đồ Internet toàn cầu, mở cửa đón Internet dẫu còn nhiều khó khăn và thách thức lúc bấy giờ.
Sự vượt bậc của hạ tầng viễn thông và các doanh nghiệp
Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nambày tỏ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, đường lối lúc bấy giờ đã mở đường cho sự phát triển của Internet hiện nay. Mặt khác, còn là sự đóng góp của các doanh nghiệp Internet (công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ...) cũng như sự cống hiến, không ngừng tìm tòi của các chuyên gia trong lĩnh vực Internet”.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng để có được bước đi như hôm nay, chúng ta cần ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của hạ tầng viễn thông và CNTT tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng viễn thông Internet hiện đại, phủ rộng trên khắp cả nước.
Dẫn chứng cho sự phát triển của Internet Việt Nam suốt 20 năm qua, Bộ trưởng trích dẫn số liệu thống kê chưa chính thức, năm 2017, Việt Nam có trên 50 triệu người sử dụng Internet (chiếm 54% dân số), cao hơn mức trung bình của thế giới (46,64%); nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
Ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam tại sự kiện
Hiện nay, Chính phủ và Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet song hành cùng các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử… Cùng với thành tựu của các doanh nghiệp Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC… chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG… Các doanh nghiệp này không những có chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng Internet đang phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều công nghệ còn mới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… cũng được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành các sản phẩm hoàn thiện có khả năng thương mại hóa cao.
Gian hàng của doanh nghiệp VNG tạisự kiện Internet Day 2017
Tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT
Bên cạnh những hiệu quả tích cực, Internet đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, lượng thông tin xấu đang phát triển trên mạng xã hội ngày càng tăng như tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt… Ngoài ra, những vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác… đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan tổ chức tại Việt Nam đang gia tăng về số lượng, quy mô.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, hiện nay, không một lĩnh vực nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Để làm được điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, đủ lớn mạnh để tiếp tục vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta cần triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Nhiều doanh nghiệp trao đổi, tương tác với khách hàng tại sự kiện
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững.
Trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các bộ ngành, địa phương, các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí truyền thông, các doanh nghiệp và đông đảo người dân hãy đồng hành cùng nhau để Việt Nam hội nhập kinh tế số thành công nhất.
Về phía Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên khẳng định: “Chúng ta có quyền hãnh diện và tự hào; đặc biệt là tự tin ở giới trẻ sẽ đưa Internet, đưa CNTT…vào phát triển đất nước và dành một vị thế xứng đáng cho Việt Nam trên bản đồ Internet thế giới”.
Bài, ảnh:Thu Anh