Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thới Bình (Cà Mau) phát triển ổn định. Kinh tế phục hồi và phát triển sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Huyện Thới Bình (Cà Mau): Ổn định kinh tế, đời sống người dân khởi sắc

Trần Khải | 11/08/2022, 10:50

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thới Bình (Cà Mau) phát triển ổn định. Kinh tế phục hồi và phát triển sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất

Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Thới Bình đã triển khai xuống giống vụ lúa hè thu được 530 hec-ta, đạt 106% kế hoạch (tăng 30 hec-ta so với cùng kỳ). Cùng với đó, vụ lúa trên đất nuôi tôm cũng được bà con nông dân chú trọng cải tạo vuông, phơi đất để gieo sạ. Diện tích gieo sạ năm nay cũng tăng lên so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ huyện Thới Bình chia sẻ: “Vụ lúa trên đất nuôi tôm được người dân chúng tôi đặc biệt quan tâm. Vụ này nếu gieo sạ nghiêm túc, đúng khuyến cáo của ngành chức năng thì trúng mùa nhiều. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch phần gốc rạ dưới ruộng sẽ là nguồn thức ăn rất dồi dào chất dinh dưỡng cho tôm nuôi. Hiện tôi đã cải tạo mặt đầm tôm, rửa phèn mặn, phơi đất để chuẩn bị xuống giống gieo sạ”.

anh-3-xay-dung-ntm-gop-phan-nang-cao-doi-song-cua-nguoi-dan.jpg
Xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống của người dân

Bên cạnh việc sản xuất lúa, việc cải tạo ao đầm trong nuôi tôm trên địa bàn cũng được người dân chú trọng, họ tuân thủ khuyến cáo, thả giống đúng lịch thời vụ của ngành chức năng địa phương. Toàn huyện Thới Bình có 50.370 hec-ta đất nuôi trồng thuỷ sản, đến cuối tháng 6.2022, toàn huyện thả nuôi được 10.600 hec-ta, đạt 66% kế hoạch năm (tăng 1.600 hec-ta so với cùng kỳ), năng suất thu hoạch đạt từ 350 đến 460 kg/hec-ta.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình thông tin: “Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch 29.504 tấn, ước tính đến ngày 30.6 địa phương đã thu hoạch 33.000 tấn, bằng 77,4% kế hoạch năm, tăng 11.000 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm 11.021 tấn, ước tính đến ngày 30.6 thu hoạch được 12.100 tấn, bằng 69% kế hoạch năm, tăng 900 tấn so với cùng kỳ; sản lượng cua đạt 1.380 tấn, tăng 360 tấn so với cùng kỳ.

Theo ông Phúc, cùng với sản xuất nông nghiệp, địa phương cũng luôn chú trọng đến công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và văn minh đô thị. Đến nay huyện Thới Bình có 100% (11/11) xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí xây dựng NTM theo quy định. “Công tác xây dựng huyện NTM được địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát. Đến nay, huyện đạt 4/9 tiêu chí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Về xây dựng thị trấn văn minh đô thị, đến này, thị trấn Thới Bình đã đạt 9/9 tiêu chí với 52/52 tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phúc cho hay.

anh-5-chan-nuoi-thuy-san-duoc-xem-la-the-manh-cua-dia-phuong.jpg
Chăn nuôi thuỷ sản được xem là thế mạnh của địa phương

Lĩnh vực kinh tế tập thể không ngừng được chú trọng phát triển. Toàn huyện Thới Bình hiện có 29 hợp tác xã (HTX). Trong đó, có 24 HTX nông nghiệp, 3 HTX phi nông nghiệp, 1 HTX môi trường, và 1 quỹ tín dụng, với tổng vốn điều lệ là hơn 11 tỉ đồng, với 380 thành viên. Doanh thu ước đạt 2,5 tỉ đồng/HTX và lợi nhuận bình quân, ước đạt 1,2 tỉ đồng/HTX. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên, ước đạt 65 triệu đồng/người/năm (không tính HTX tín dụng). Toàn huyện có 77 tổ hợp tác, với tổng số tổ viên tham gia là 924 người, số vốn góp là hơn 5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho biết thêm: “Về lĩnh vực Khoa học – Công nghệ, trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện Dự án nuôi cua quảng canh cải tiến hai giai đoạn có bổ sung thức ăn bằng con vẹm đất. Tổng diện tích triển khai là 33 ha/26 hộ. Tổng vốn thực hiện hơn 2 tỉ đồng”.

anh-4-ong-nguyen-van-phuc-truong-phong-nn-ptnt-huyen-thoi-binh.jpg
- Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình

“Nhờ được huyện hỗ trợ vốn từ nguồn Khoa học – Công nghệ nên gia đình đang triển khai thực hiện dự án nuôi cua quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được địa phương triển khai thì tỉ lệ hiệu quả đạt rất cao”, một hộ dân được hỗ trợ vốn chia sẻ.

Nỗ lực vượt khó

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thới Bình đã triển khai khởi công xây dựng mới 29 danh mục lộ giao thông nông thôn (GTNT) với chiều dài hơn 51 km, tổng trị giá gần 56 tỉ đồng. Đã hoàn thành 9,4 km lộ giao thông, với tổng giá trị khoảng 10,5 tỉ đồng. Công tác duy tu, sửa chữa đường xuống cấp được lãnh đạo huyện quan tâm, trong 6 tháng có 7 công trình, với nguồn vốn triển khai gần 9 tỉ đồng. Đến nay đã hoàn thành 1 công trình lộ với chiều dài 3km đường được duy tu, tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.

Song song đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có bước phát triển ổn định. UBND huyện Thới Bình luôn chỉ đạo phòng, bộ phận chuyên môn thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đúng quy định. Trong đó chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, đánh giá: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, Huyện ủy Thới Bình, sự chỉ đạo điều hành kịp thời của UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn thể quân, dân huyện nhà nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phát triển ổn định, công tác sản xuất được quan tâm chỉ đạo kịp thời; các lĩnh vực văn hóa – xã hội được chỉ đạo thực hiện và có sự chuyển biến tích cực, nhất là các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội”.

anh-1-ong-ly-minh-vung-chu-tich-ubnd-huyen-thoi-binh.jpg
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình

Bên cạnh những kết quả huyện Thới Bình đạt được, người đứng đầu chính quyền huyện cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, giá cả xăng, dầu tăng mạnh, ảnh hưởng đã đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

“Công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số cơ sở có dấu hiệu đi xuống. Tình trạng ngưng, nghỉ, giải thể doanh nghiệp phát sinh nhiều làm ảnh hưởng đến nguồn thu”, ông Vững nói.

Vị lãnh đạo UBND huyện khẳng định, trong thời gian tới, UBND huyện Thới Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2022. Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất ngư - nông nghiệp; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết. Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người dân để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao xây dựng và thị trấn đô thị văn minh.

cm1.jpg
Đến nay huyện Thới Bình có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chỉ đạo hiệu quả công tác phát triển sản xuất, ngành chuyên môn cập nhật thường xuyên, liên tục về tình hình thời tiết, thông báo và hướng dẫn người dân điều chỉnh lịch thời vụ, lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện thời tiết. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất. Quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, xử lý hành vi khai thác, mua bán đất mặt trái phép. Chủ động giám sát các loại bệnh dịch, đặc biệt chú ý các bệnh dịch vào mùa hè và các loại bệnh thường xảy ra vào giai đoạn giao mùa; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyện Thới Bình (Cà Mau): Ổn định kinh tế, đời sống người dân khởi sắc