Chính quyền Kenya vừa bắt giam 2 quan chức cấp cao lập chương trình đền bù "khống", khi thu hồi đất để xây tuyến đường sắt cao tốc Madaraka Express do Eximbank Trung Quốc tài trợ, trị giá 3,8 tỉ USD.
Reuters ngày 11.8 đưa tin Chủ tịch Ủy ban quản lý đất công Mohammed Abdalla Swazurivà Giám đốc Tập đoàn đường sắt quốc gia Atanas Kariuki Maina bị bắt cùng 16 quan chức, doanh nhân khác đã chiếm đoạt tiền dân đóng thuế trong quỹ đền bù "khống", vốn được lập ra khi thu hồi đất ruộng thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Madaraka Express nối thành phố cảng Mombasa với thủ đô Nairobi.
Các lệnh bắt giữ do Công tố viên trưởng Noordin Mohamed Haji ký. Nhưng ông không nêu tên công ty hoặc người Trung Quốc nào trong danh sách bắt.
Theo Ủy ban bài trừ tham nhũng Kenya, cuộc điều tra đã dẫn đến những vụ bắt giữ, xoáy vào các cáo buộc những quan chức chiếm đoạt tiền dân đóng thuế, nhưng không cho biết tác giả các cáo buộc là ai.
Tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta và chính phủ đã bắt đầu mở chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2018. Ông Kenyatta chỉ định Công tố viên trưởng Haji chỉ huy chiến dịch này, và đã buộc tội một số doanh nhân và công chức chính quyền.
Tuyến đường sắt tốn quá nhiều tiền cho từng km
Ngày 29.5.2017, Tổng thống Kenyatta đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc mới Madaraka Express, dài 472 km nối thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mombasa.
Công trình trị giá 3,8 tỉ USD, do Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Eximbank (của Trung Quốc) cho vay 90% tổng kinh phí xây dựng. Tuyến đường sắt mới cũng sẽ do nhà thầu Trung Quốc điều hành trong 5 năm, với 610 công nhân Trung Quốc tham gia điều hành, trong khi người Kenya được đào tạo để dần đảm nhận công việc điều hành do Trung Quốc chuyển giao.
Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Tổng thống Kenyatta. Công trình khởi công hồi năm 2015 lẽ ra đến cuối năm 2017 mới hoàn tất, nhưng các nhà quan sát nói chính phủ Tổng thống Kenya thúc đẩy tốc độ để lập thành tích trước ngày bầu cử tổng thống 8.8.2017 (ông Kenyatta tái trúng cử).
Giá trị công trình cũngkhiến nhiều người phải trợn mắt: mỗi km có giá cao gấp đôi, so với tuyến đường sắt nối với thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) đến Djibouti, nơi mà Trung Quốc đã có một căn cứ quân sự.
Kwame Owino, lãnh đạo Viện các vấn đề kinh tế Kenya, chỉ ra những tuyến đường sắt do Trung Quốc xây ở Ethiopia, Tanzania và những nước châu Phi khác đều có giá rẻ hơn ở từng km.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo việc xây một tuyến đường sắt mới, thay vì nâng cấp tuyến cũ, sẽ là một giải pháp rất tốn kém.
Nhưng chính phủ Tổng thống Kenyatta quyết thực hiện dự án này, không mở tranh thầu mà thỏa thuận trực tiếp với Trung Quốc. Bộ trưởng Giao thông James Macharia nói chính phủ kỳ vọng tuyến đường sắt mới sẽ giúp tăng 1,5% GDP, cho phép chính phủ hoàn trả vốn vay của Trung Quốc “trong khoảng 4 năm”.
Bộ trưởng Macharia nói tuyến đường sắt cũ xây hơn 100 năm qua không được nâng cấp, khiến Kenya bị tụt hậu, kém phát triển, nên cần xây tuyến đường sắt mới.
Tập đoàn đường sắt Kenya giải thích kinh phí xây tuyến mới quá cao do địa lý phức tạp. Sau đó, Tập đoàn khoe tuyến cao tốc mới sẽ giảm hành trình xe lửa chở khách từ thủ đô Nairobi đến Mombasa từ 10 giờ xuống còn 4 tiếng đồng hồ, có thể chở theo nhiều hàng hóa.
Tuyến đường sắt mới được cho là giúp hành khách không phải sởn gai ốc khi lái xe trên một trong những xa lộ nguy hiểm nhất Kenya. Và nó thay thế một tuyến đường sắt xưa 100 năm, dài 1.062 km từng do thực dân Anh xây dựng, nối hồ Victoria với Mombasa.
Hiện xe tải chở hàng hóa phải mất 2 ngày từ thành phố cảng Mombasa về thủ đô Nairobi, trong khi đoàn tàu chở hàng mất 8 giờ.
Châu Phi cần cảnh giác Trung Quốc “cho vay nặng lãi”
Trước đó, thủ lĩnh các đảng đối lập, các nhà kinh tế học ở Kenya đều chỉ trích công trình khiến Kenya “nợ như chúa chổm” với Trung Quốc, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính khoản nợ này chiếm từ 45-55 % tổng sản lượng kinh tế của Kenya trong năm tài khóa 2017-2018.
Các nhà phân tích nói Kenya đã bị giảm đáng kể GDP vì tham nhũng, và ở nền kinh tế giàu nhất ở Đông Phi này, nếu không “đút lót” cho quan chức chính quyền thì đừng hòng làm ăn.
Trong năm 2018, ở Kenya xảy ra nhiều bê bối, liên quan công chức của các cơ quan công quyền “ăn cắp” hàng triệu USD.
Tuyến đường sắt cao tốc Madaraka Express đường sắt mới chỉ là giai đoạn 1, vì Kenya còn có tham vọng kết nối cảng Mombasa với nhiều nước miền đông châu Phi như Uganda, Rwanda, Nam Sudan, Burundi và Ethiopia.
Cuối năm2017, có tin Uganda (đối tác thương mại chính của Kenya) khởi công xây tuyến đường sắt nối thủ đô Kampala với chốt biên giới Malaba của Kenya, xây mất 4 năm, cũng là thời gian Kenya kết nối tuyến đường sắt cao tốc với Malaba.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, và là nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới. Năm 2016, một công trình đường sắt do Trung Quốc xây và tài trợ được khai mở ở Ethiopia, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi, và Trung Quốc cũng xây một cảng lớn trên Vịnh Aden ở Djibouti.
Trung Quốc đã tích cực đưa châu Phi vào dự án Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, đổ hàng tỉ USD đầu tư vào các cảng, tuyến đường sắt và cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu.
Từ đó, Trung Quốc “vô tư” tiếp cận nguồn tài nguyên của lục địa đen, trong khi các nền kinh tế châu Phi lại rất cần cơ sở hạ tầng, nhưng cuối cùng các chính phủ châu Phi mất nhiều nguồn tài nguyên chiến lược, và phải tiếp nhận vô số nhân công Trung Quốc đến nước họ lao động, dân địa phương “hoàn toàn không có cửa” có được việc làm.
Theo Washington Times, ở khắp châu Phi, dòng tiền đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi hẳn châu lục, mà đáng tiếc là các nước lại không được hưởng thịnh vượng dài lâu.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng cáo buộc Bắc Kinh “bày trò cho vay nặng lãi”, phá hoại sự tăng trưởng kinh tế và “chỉ tạo ra ít việc làm” cho người châu Phi.
Bảo Vĩnh (theo New York Times, Washington Times)