Dư luận vừa xôn xao việc 1 em học sinh lớp 9 ở TP.HCM đã nhảy lầu tự tử vì điểm kém môn tiếng Anh. Mới đây nhất - ngày 16.7 lại 1 em học sinh lớp 10 ở Trường Hà Huy Giáp (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) nhảy lầu tự tử sau khi thi rớt môn Toán. Sự việc khiến cả xã hội bàng hoàng, phụ huynh đau đớn đến chết lặng.

Khi học sinh phải ‘gánh’ thành tích của cha mẹ

21/07/2020, 10:36

Dư luận vừa xôn xao việc 1 em học sinh lớp 9 ở TP.HCM đã nhảy lầu tự tử vì điểm kém môn tiếng Anh. Mới đây nhất - ngày 16.7 lại 1 em học sinh lớp 10 ở Trường Hà Huy Giáp (H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) nhảy lầu tự tử sau khi thi rớt môn Toán. Sự việc khiến cả xã hội bàng hoàng, phụ huynh đau đớn đến chết lặng.

Các em cần môi trường thoải mái trong học tập- Ảnh: Chí Hùng

Cách đó không bao lâu, 1 học sinh lớp 8 ở Củ Chi, TP.HCM cũng uống thuốc tự tử vì điểm kém. Tuy may mắn giữ được tính mạng, nhưng em bị sốc thuốc khá nặng, có dấu hiệu sang chấn tâm lý, phải một thời gian khá lâu sau em mới trở lại với trạng thái bình thường. Xa hơn nữa là trường hợp 5 nữ sinh ở Trường THSC Cổ Nhuế (Hà Nội) uống thuốc tự tử tập thể do cùng bị điểm kém. May mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời, cả 5 em đều không nguy kịch đến tính mạng. Ở tất cả các trường hợp này, phụ huynh đều thừa nhận có la mắng con em mình khi biết các em bị điểm kém. Phụ huynh luôn muốn các em phải học giỏi, thật giỏi.

Có thể thấy, các sự vụ trên là những hồi chuông cảnh báo mà những bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội cần hết sức quan tâm. Bởi lẽ, áp lực thành tích và điểm số trong trường học hiện nay đang đè nặng lên đôi vai của những đứa trẻ ở tuổi ăn tuổi lớn. Khi áp lực đó quá lớn, nó sẽ khiến trẻ đi đến những quyết định sai lầm, mà đáng lo ngại nhất là việc tự hủy hoại bản thân.

Dẫu biết rằng, các bậc cha mẹ ai ai cũng mong muốn con cái mình phải thật sự giỏi giang, mà thành tích học tập được xem là sự kỳ vọng lớn nhất. Chính vì lẽ đó, phụ huynh đôi khi không ngần ngại bắt ép con em mình học tập một cách quá sức, phải chạy từ trung tâm luyện thi này đến trung tâm luyện thi khác, phải tham gia nhiều khóa học đến mức thời gian nghỉ ngơi chơi đùa của trẻ hầu như bị tước đoạt hết.

Chưa dừng lại ở đó, thành tích học tập của các em luôn được phụ huynh quan tâm. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đem thành tích con em mình đi so sánh với những đứa trẻ khác trong xóm hoặc so sánh với con em của người thân, bạn bè. Nhiều phụ huynh cảm thấy tự hào khi con em mình đạt thành tích cao, đăng lên mang xã hội “khoe khoang” và đương nhiên cảm thấy hổ thẹn khi con em học hành thua sút chúng bạn.

Chính tư duy đó khiến các bậc cha mẹ thường trút những lời mắng chửi cay nghiệt thậm chí tạo áp lực tinh thần rất lớn lên đứa trẻ nếu các em không đạt thành tích tốt. Cụm từ “con nhà người ta” thường được cha mẹ nhắc đi nhắc lại, tạo cho các em sự mệt mỏi, uất ức dẫn đến trầm cảm, lập dị.

Nhiều bậc cha mẹ không hiểu rằng, mỗi đứa trẻ đều có những mặt mạnh và những hạn chế nhất định. Nếu em nào đó có sở trường các môn khoa học xã hội thì thường học không giỏi các môn khoa học tự nhiên; nếu em nào có năng khiếu thể thao thì thường gặp khó khăn với các môn nghệ thuật; em nào giỏi tính toán logic thì thường hạn chế về tư duy trừu tượng... Chính vì thế, việc bắt trẻ phải giỏi một các toàn diện, phải hơn những đứa trẻ khác về mọi mặt thì rất khó.

Thậm chí, kỳ vọng về thành tích mà phụ huynh áp đặt lên con em mình sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Ví như, để đạt thành tích cao những môn không phải sở trường, các em sẽ tìm cách gian lận trong kiểm tra, thi cử. Các em sẽ sớm nhiễm tính so đo, đố kỵ với bạn bè cùng lớp và cùng trang lứa vì cạnh tranh điểm số, thành tích.

Mà thành tích các em đạt được chưa hẳn là điều các em mong muốn, chẳng qua là các em muốn làm đẹp lòng phụ huynh mà thôi. Nói cách khác, các em đã làm mọi cách để đem về cái thành tích mà phụ huynh mong muốn. Các em đã gánh lấy trách nhiệm tạo ra thành tích cho cha mẹ mình.

Phải chăng, thời buổi này các em học sinh đã giỏi hơn nhiều so với các thế hệ trước, đến mức gần như 100% học sinh đều được khen thưởng, những ai không được khen thưởng trở thành thiểu số, cá biệt? Tôi cho rằng, không phải học sinh bây giờ giỏi hơn các thế hệ trước, mà chẳng qua là quan điểm về giáo dục hiện nay quá nặng về thành tích.

Trước đây, sau mỗi năm học, chỉ có một vài học sinh xuất sắc được khen thưởng. Nếu số lượng học sinh giỏi nhiều quá, nhà trường cũng chỉ khen thưởng những em có thứ hạng cao (từ hạng nhất đến hạng năm). Việc khen thưởng có chọn lọc như thế khiến những em học sinh có thành tích cao vô cùng tự hào và sẽ cố gắng để duy trì thành tích học tập. Các em học sinh chưa được khen thưởng sẽ phấn đấu hơn nữa để năm sau đứng vào bục danh dự.

Còn hiện nay, nhiều lớp có số học sinh được khen thưởng gần như 100%. Các em được khen thưởng kiểu “đại trà” như thế chắc chắn không cảm thấy mình đặc biệt. Nhưng có điều chắc chắn rằng, số ít những em học sinh không được khen thưởng sẽ cảm thấy mặc cảm. Nếu phụ huynh những em này quá chú trọng thành tích, thì áp lực đè nặng lên các em càng lớn. Liệu rằng các em này có còn háo hức đến trường đến lớp nữa không khi trong mắt thầy cô, bạn bè và cha mẹ, các em là những học sinh yếu kém, cá biệt?

Chuyện thành tích học tập của học sinh hiện nay cũng là điều khiến nhiều người quan tâm. Trong đợt tổng kết năm học vừa qua, không ít người ngạc nhiên khi thấy phụ huynh “khoe” bảng điểm của con em mình. Theo đó, nhiều em xuất sắc đạt 10,0 điểm của tất cả các môn trong suốt năm học. Đành rằng trong xã hội không thể phủ nhận sự xuất hiện của thiên tài. Nhưng “thiên tài” hiện nay có vẻ như đang xuất hiện khá ồ ạt, đến nỗi khiến cho một số người hoài nghi về thành tích mà các “thiên tài” này đạt được.

Bản thân tôi cho rằng, để đạt được toàn điểm 10 của hàng chục môn học, hàng trăm bài kiểm tra trong một năm là điều rất hy hữu. Nhất là môn Ngữ văn, 1 môn học thiên về sự cảm thụ và khả năng diễn đạt phóng khoáng của người học, thì không thể nào 1 học sinh có thể viết hàng chục bài viết đều đạt được tuyệt đối hết. Bởi thế cho nên, việc ngày càng nhiều học sinh đạt điểm 10 tất cả các môn trong suốt một năm học để điểm tổng kết là 10,0 quả thật khiến ta lo ngại nhiều hơn hoan hỉ. Phải chăng thầy cô giáo, nhà trường vì thành tích mà “tiếp tay” để các em học sinh đạt được điểm số một cách khó tin như thế?

Hiện nay, chúng ta đang làm mọi cách để chống lại căn bệnh thành tích trong toàn xã hội. Thế nhưng, ngay từ ghế nhà trường, một học sinh đang phải đương đầu với quá nhiều đòi hỏi về thành tích của cả phía gia đình lẫn nhà trường. Mỗi ngày đến trường, các em không chỉ mang theo chiếc cặp với sách vở và dụng cụ học tập mà còn “gánh” bao nhiêu kỳ vọng của cha mẹ, bao nhiêu đòi hỏi của thầy cô, của nhà trường và xã hội.

Nếu các em có thể thực hiện tốt những kỳ vọng đó, thì tuổi xuân cũng sẽ chôn vùi trong các lò luyện thi, các trung tâm dạy thêm học thêm. Những em không thực hiện được, chắc hẳn sẽ day dứt, trầm cảm hay thậm chí là đi đến những quyết định thương tâm như mấy trường hợp mà chúng ta vừa nêu ra ở đầu bài viết.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các bậc phụ huynh và toàn xã hội cần theo đổi tư duy về giáo dục. Chúng ta cần tạo môi trường học tập lành mạnh cho trẻ, kết hợp giữa việc dạy tri thức và các hoạt động vui chơi, ngoại khóa. Chúng ta không nên quá chú trọng vào kết quả học tập của trẻ, đừng lấy đó làm thước đo nhân cách của trẻ.

Một đứa trẻ có thể học chưa tốt, điểm không cao nhưng đó vẫn là con em chúng ta. Cần phải biết động viên, chia sẻ với các em mỗi khi các em gặp khó khăn trong học tập, mỗi khi bị điểm kém. Cha mẹ không nên đem thành tích của con em mình so sánh với những đứa trẻ khác vì mỗi em có những sở trường khác nhau. Và đặc biệt, phụ huynh đừng vì chút sĩ diện hảo mà đẩy con em mình vào những vực thẳm không thể nào cứu vãn được.

Trương Chí Hùng

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi học sinh phải ‘gánh’ thành tích của cha mẹ