Đại dịch coronavirus vừa là một thách thức cho các mục tiêu kinh tế lớn lao của chính quyền Trung Quốc, đồng thời khiến các công ty nhỏ và vừa của nước này phải chịu tổn thất nặng.

Kinh tế Trung Quốc chao đảo vì đại dịch coronavirus

12/02/2020, 19:26

Đại dịch coronavirus vừa là một thách thức cho các mục tiêu kinh tế lớn lao của chính quyền Trung Quốc, đồng thời khiến các công ty nhỏ và vừa của nước này phải chịu tổn thất nặng.

Dịch ở Vũ Hán khiến kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng - Ảnh: AP

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức đặt tên cho coronavirus là Covid-19. Nó đã khiến hơn 1.000 người chết và hơn 40.000 người bị nhiễm ở Trung Quốc. Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này kiểm soát được dịch, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.2.

Trong khi đó, khi đã hết Tết Nguyên đán và hàng trăm triệu lao động nhập cư sắp trở lại làm việc, tính khẩn cấp của việc nối lại mảng sản xuất, cùng với sự lo sợ virus Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan càng khiến nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc lo lắng nhiều hơn.

Tại cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 3.2, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nói phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp, nhưng các chính quyền này cũng phải chú ý thật kỹ đến nền kinh tế.

“Ăn nhiều cua nên quê tôi ít có người bị nhiễm dịch”

Tờ báo Hồng Kông dẫn câu chuyện của nhà nông nuôi cua Peng Guobing ở tỉnh Hồ Bắc, tâm của đại dịch coronavirus. Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, lẽ ra các ao nuôi của ông phải trống, vì cua đã được chở đến người mua ở tỉnh Hồ Bắc hoặc các chợ tiêu dùng lớn khác trên toàn Trung Quốc.

Nhưng như nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác ở Trung Quốc, virus Covid-19 đã phá tan kế hoạch của Peng, người ta nói ông bị lỗ nặng trong mùa này, khi 2/3 đàn cua vẫn còn ở trong ao nhà ông: tổng cộng là 10 tấn cua, mỗi ký bán giá 60 nhân dân tệ (8 USD) nhưng bị đọng lại.

Nghiêm trọng hơn, Peng không thể nhận cua non cho mùa kế tiếp, sau khi chính quyền áp lệnh hạn chế giao thông nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch coronavirus.

Nếu các ao nhà ông không được làm sạch để sẵn sàng nuôi cua từ tháng 3 tới, thì ông cũng sẽ bị mất mùa nuôi kế tiếp đó. Ông chỉ có thể hy vọng sớm kiểm soát được dịch Covid-19, để số cua đọng có thể ra chợ. Ông nói: “Cua nhiều protein có thể giúp bồi bổ cơ thể. Ở đây người ta ăn nhiều cua, và có lẽ đó là lý do số ca nhiễm dịch rất ít ở thôn của tôi”.

Cơ hội làm ăn mùa tết của doanh nghiệp nhỏ bị “toang”

Covid-19 không chỉ gây lo ngại về sức khỏe con người, mà còn gieo rắc sự sợ hãi và bất an cho hàng chục triệu doanh nghiệp nhỏ vốn là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời giữ vai trò cần thiết trong việc ổn định xã hội.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, nước này có 63 triệu “doanh nghiệp tự chủ” vào cuối năm 2018, tạo ra 150 triệu việc làm.

Trong khi các công ty nhà nước (SOE) được ưu đãi vay tiền lãi suất thấp và có quyền tiếp cận những nguồn lực chủ đạo, thì các doanh nghiệp tư nhân và công ty nhỏ ở Trung Quốc rất dễ bị tổn hại, vì họ dựa vào người tiêu dùng để sống sót.

Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát dịp Tết Canh Tý, cũng là thời điểm mua sắm tất bật nhất trong năm của người tiêu dùng, đã phá tan cơ hội kiếm tiền của nhiều doanh nghiệp, nhất là các nhà bán lẻ và các nhà hàng.

Ông Zhao Jian, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tài chính Atlantis nói: “Trong sóng sốc đầu tiên, các ngành khách sạn, nhà hàng, nhà bán lẻ và giải trí sẽ phải chịu đựng khổ nhọc nhất, kế đến các nhà sản xuất nhỏ và các công ty xuất khẩu”.

Theo SCMP, còn có những dấu hiệu tổn thất kinh tế lan đến các nhà sản xuất ở Trung Quốc, khi khâu sản xuất chưa thể trở lại nhịp bình thường ở nhiều vùng.

Tờ báo Hồng Kông dẫn lời ông Xie Jun, giám đốc một công ty xuất khẩu vải sợi và đồ nội thất ở thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) nói chỉ vì lệnh hạn chế của chính quyền, ông chỉ được phép tái sản xuất kể từ ngày 10.2. Dù vậy, người lao động nhập cư (chiếm một nửa số nhân công của công ty) chỉ có thể trở lại làm việc sau 14 ngày cách ly bắt buộc.

Ông Xie còn nói dịch coronavirus cũng làm trì hoãn khâu chuẩn bị các mẫu sản phẩm mới cho khách hàng tiềm năng ở Hội chợ Quảng Châu, cuộc triển lãm thương mại lớn nhất và xưa nhất ở Trung Quốc. Hội chợ này đã bị hoãn tổ chức cho đến khi nào có quyết định khác.

Tác động tiêu cực của dịch đến sức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Một thăm dò của các nhà nghiên cứu thuộc các Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh (đều ở thủ đô của Trung Quốc) đã cho biết 2/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ tiền dự trữ để kéo dài hoạt động sản xuất chỉ trong hai tháng, nếu như nguồn doanh thu của họ bị cạn khô.

Thăm dò này tiến hành với 995 công ty, cũng phát hiện 30% các công ty dự báo nguồn doanh thu của họ bị co nhỏ xuống còn một nửa so với năm 2019.

Không thể biết chính xác tổn thất vì nạn dịch của các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc, nhưng các công ty dễ bị tổn hại đã phải đóng cửa các tiệm bán. Quán karaoke Vua Tiệc Tùng ở Bắc Kinh nói sẽ phải cho nghỉ việc toàn bộ 200 nhân viên, hoặc công ty quảng cáo Xinchao Media (chuyên chạy quảng cáo ở các thang máy) nói đã cho 500 nhân viên nghỉ việc từ ngày 10.2. Chuỗi nhà hàng Xibei (có hơn 300 tiệm trên toàn Trung Quốc) tuyên bố không thể tồn tại trong 3 tháng mà không có doanh thu.

Mảng kinh tế tư nhân Trung Quốc đóng góp hơn 60% vào sản lượng kinh tế quốc gia, tạo ra hơn 90% việc làm mới. Sức khỏe của các công ty này là rất “nhạy cảm” đối với toàn nền kinh tế Trung Quốc, khi mục tiêu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là “tạo ra một xã hội thịnh vượng toàn diện” trong năm 2020, gồm cả việc tăng gấp đôi tầm cỡ nền kinh tế trong vòng 10 năm, đến năm 2020.

Louis Kuijs, chủ nhiệm mảng nghên cứu châu Á ở công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nói Trung Quốc cần một tỷ lệ tăng trưởng chí ít là 5,6% trong năm 2020, để có thể tăng gấp đôi tầm cỡ nền kinh tế. Nhưng vì tác động tiêu cực của Covid-19, sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ có thể đạt 5,4%, theo ông Kuijs.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc chao đảo vì đại dịch coronavirus