Ngoài lý do môi trường lâu dài thì thói quen vứt khẩu trang y tế vô tội vạ còn ảnh hưởng đến công tác chống dịch.

Kỳ 1: Giải quyết khẩu trang y tế đã qua sử dụng, tạo an toàn cho các khu công nghiệp

Anh Tú | 01/11/2021, 17:21

Ngoài lý do môi trường lâu dài thì thói quen vứt khẩu trang y tế vô tội vạ còn ảnh hưởng đến công tác chống dịch.

Khẩu trang là một trụ cột trong việc phòng chống COVID-19, giúp ngăn lây nhiễm vi rút không chỉ ở nước ta mà còn trên bình diện thế giới. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đang dự cuộc họp tại Glasgow (Anh) để chống biến đổi khí hậu thì vấn đề môi trường là điểm nóng cần được quan tâm. Đây là lúc chúng ta nên bàn về cách giải quyết khẩu trang – người bạn trong chống dịch COVID nhưng lại có thể trở thành kẻ thù đối với môi trường. Thậm chí, nếu không xử lý tốt thì chính khẩu trang lại hóa thành nguồn lây nhiễm.

Khẩu trang mà người Việt Nam chúng ta hay dùng có 2 loại chủ yếu là khẩu trang vải, khẩu trang y tế. Trước đây, khẩu trang vải được ưa chuộng vì chúng có thể tái sử dụng nhiều lần bằng cách giặt đơn giản. Nhưng trong đại dịch, khẩu trang y tế 1 lần lại lên ngôi nhờ tính diệt khuẩn, ngăn chặn vi rút cao và dùng khá tiện lợi.

Theo nghiên cứu của Đại học Nam Đan Mạch, hơn 129 tỉ khẩu trang được sử dụng trên toàn cầu mỗi tháng. Điều đó hoạt động với khoảng 3 triệu mặt nạ mỗi phút!

Tại sao khẩu trang sử dụng một lần lại có hại cho môi trường? Vấn đề nghiêm trọng là những chiếc khẩu trang này thường được làm bằng các loại nhựa như polypropylene, polyethylene và vinyl.

Bà Pip Kiernan, chủ tịch Clean Up Australia cho biết: “Chúng mất khoảng 450 năm để phân hủy nếu chúng ở trong môi trường bình thường”. Những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ trên đường sẽ là mối lo lâu dài vì theo dòng nước mưa rồi hệ thống kênh mương, cống rãnh, chúng thường bị vùi trong các dòng nước, nơi chúng có thể thải ra kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác.

Điều này đáng lo ngại vì người Việt Nam chúng ta vẫn có những người thiếu ý thức trong việc xả rác. Ngay tại thành phố lớn, chúng ta bắt gặp không hiếm cảnh những chiếc khẩu trang y tế vương vãi trên vỉa hè hay trôi trên dòng nước cống. Chúng ta cần có ý thức hơn trong việc xử lý khẩu trang sử dụng 1 lần.

Ngoài lý do môi trường lâu dài thì thói quen vứt khẩu trang y tế vô tội vạ còn ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Ban đầu, tạp chí y khoa The Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy không có virus SARS-CoV-2 lây nhiễm nào có thể được phát hiện trên vật liệu dệt sau 48 giờ. Nhưng trong một nghiên cứu tổng quan đánh giá sự tồn tại của một loạt mầm bệnh trên hàng dệt may đã cho thấy kết quả ngược lại. Nói cách khác, vi rút có thể tồn tại trên mặt khẩu trang lâu hơn 48 giờ.

Mặc dù chúng ta cần nghiên cứu thêm về chủ đề này, nhưng có vẻ như có khả năng lây nhiễm chéo COVID-19 từ chính những chiếc khẩu trang đã sử dụng. Không thể loại trừ khả năng các nhân viên thu gom rác hoặc người xử lý chất thải, sẽ tiếp xúc nhiều với khẩu trang bị loại bỏ trong khoảng thời gian 48 giờ đó.

Để tránh tình trạng lây nhiễm đáng tiếc đó, cần hình thành cho người dân cách tự xử lý khẩu trang một cách dễ thực hiện. Chúng ta cũng có những hướng dẫn nhưng khá chung chung như: "Đối với khẩu trang dùng một lần như khẩu trang y tế, tuyệt đối không dùng tay cầm vào phía trước khẩu trang vì vị trí đó có thể đã nhiễm khuẩn; để gỡ khẩu trang, chỉ cần dùng tay giữ hai bên quai đeo qua tai, kéo ra khỏi tai và bỏ vào đúng nơi quy định (thùng đựng chất thải có nắp đậy kín), đồng thời phải rửa sạch tay".

Sẽ hữu ích hơn nếu có những hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn yêu cầu công nhân khi muốn vứt bỏ khẩu trang ở nơi sản xuất phải cho vào túi nylon buộc kín hoặc thùng rác dành riêng cho khẩu trang y tế. 

Còn công nhân thu gom chất thải phải tuân theo các quy trình nguy hiểm sinh học tương tự như các quy trình được sử dụng để quản lý chất thải được thu gom từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu công nghiệp, nơi có nhiều công nhân làm việc trong một không gian và lượng rác khẩu trang sau mỗi ca làm việc không nhỏ. Chúng ta cần đẩy mạnh việc tạo ra nhận thức chung về vấn đề khẩu trang. Thậm chí, có thể thực hiện các chế tài cụ thể về vứt bỏ khẩu trang nghiêm ngặt như đeo khẩu trang. Hiện nay, theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

“ c. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.”

Chỉ bằng cách xử lý đơn giản chiếc khẩu trang y tế qua sử dụng, chúng ta sẽ vừa giúp giữ gìn môi trường và giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt tại các khu công nghiệp.

Kỳ tiếp theo: Cần đẩy mạnh khâu thu gom, tái chế khẩu trang

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Giải quyết khẩu trang y tế đã qua sử dụng, tạo an toàn cho các khu công nghiệp