Văn phòng liên lạc của chính phủ nhân dân trung ương Trung Quốc tại đặc khu hành chính Hồng Kông (viết tắt Văn phòng) đòi hỏi cán bộ phải xa gia đình, làm việc cật lực.

Kỳ 1: Nỗi lòng của cán bộ ngoại giao đại lục được cử sang Hồng Kông

16/10/2018, 08:42

Văn phòng liên lạc của chính phủ nhân dân trung ương Trung Quốc tại đặc khu hành chính Hồng Kông (viết tắt Văn phòng) đòi hỏi cán bộ phải xa gia đình, làm việc cật lực.

Tranh minh họa cán bộ cấp thấp chúi mũi vào công việc được giao - Ảnh: SCMP

Cán bộ Văn phòng phải làm việc tận tụy, hy sinh việc riêng

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13.10 thuật thông tin của nhà bình luận chính trị độc lập Tai Hing-shing: Gần đây, tại một hội thảo mừng 40 năm ngày thành lập Văn phòng, Chủ nhiệm Trương Hiếu Minh nói Văn phòng liên lạc ở Hồng Kông và Macau (HKMAO) xem sự thịnh vượng và ổn định của hai đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi cán bộ Văn phòng phải tận tụy làm việc.

Ông nói: “Vì mục tiêu đó, nhiều đồng chí ở HKMAO chỉ làm mỗi một việc suốt cả đời và trung thành cho đến khi qua đời. Họ không xem đấy là việc làm nuôi gia đình, nhưng là một sự nghiệp mà họ say mê theo đuổi”.

Ông Trương còn dẫn nhiều ví dụ, nhưng nhấn mạnh tấm gương của cố Giám đốc HKMAO, ông Lỗ Bình năm 1995 được phát hiện bị ung thư da dày, nhưng vẫn đến Hồng Kông và Macau để cống hiến: “Dù đồng chí Lỗ Bình phải cắt bỏ 3/4 dạ dày, tóc không mọc lại sau ca hóa trị liệu, đồng chí vẫn đội mũ, quay lại Văn phòng để làm việc và kiên trì bám trụ cho đến khi Anh trao trả Hồng Kông cho tổ quốc ta”.

Ông Lỗ Bình từng là Chủ nhiệm Văn phòng HKMAO - Ảnh: SCMP

Theo ông Tai, dù ông Trương đề cao sự đam mê cống hiến ở HKMAO, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh với các nhà ngoại giao của họ, rằng vấn đề Hồng Kông rất phức tạp, đòi hỏi cán bộ cấp thấp triệt để chú ý quyền lợi tập thể, và tình nguyện hy sinh các quyền lợi cá nhân.

Ông Tai nêu dù trung ương đã cải thiện điều kiện đời sống, nâng lương cho cán bộ Văn phòng trong vài năm gần đây, vẫn có sự cách biệt lớn giữa cán bộ cấp thấp với các đồng nghiệp thuộc các nước phát triển.

Ví dụ, vợ (hoặc chồng) của vài cán bộ phải ở lại quê nhà để chăm sóc cha mẹ già hoặc con cái. Hậu quả là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc kéo dài, tỷ lệ ly dị cao.

Ngược lại, các nhà ngoại giao nước ngoài ở Hồng Kông được hưởng nhiều lợi ích dạng đền bù, công việc và cuộc sống của họ không căng thẳng, và họ được trợ cấp đáng kể, nếu vợ (hoặc chồng) đến sống cùng.

Và dù có cơ chế “nghỉ phép thăm nhà”, hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc không được hưởng kỳ phép, vì họ phải triệt để đề cao tinh thần “làm việc tận tụy”.

Ông Tai còn thuật rằng mỗi kỳ hè ở Hồng Kông là mùa cao điểm luân chuyển công tác ở các lãnh sự quán nước ngoài. Hai nhà ngoại giao - bạn của ông Tai - mãn nhiệm kỳ, đều bày tỏ sự tiếc nuối phải rời khỏi Hồng Kông. Họ khen hiệu quả làm việc và hệ thống giao thông phát triển cao của thành phố.

Nhưng vài người bạn của ông Tai ở Văn phòng lại cho biết họ cứ như bị “đi đày” ở Hồng Kông, vì phải làm việc cật lực trong các ngày làm việc, tối đến và cả ngày nghỉ lại phải tiếp khách. Nên nhiều người sốt ruột chờ đến ngày được trở về Hoa lục.

Hầu hết cán bộ cấp thấp ở Văn phòng phải xa gia đình suốt một thời gian dài, vì công việc ngập đầu họ. Ở Hồng Kông có nhiều trường quốc tế của các nước, nhưng chính phủ Trung Quốc chưa mở trường cho con em cán bộ Văn phòng.

Tác dụng ngược của nỗ lực “chống đồng hóa”

Theo ông Tai, sự đòi hỏi này không chỉ mang màu sắc tư tưởng cách mạng, mà còn chịu ảnh hưởng sâu của văn hóa Trung Hoa, vốn có các truyền thuyết về Hạ Vũ lo giúp dân chống lụt hay Thần Nông dạy dân nghề nông.

Vị học giả nói chính phủ Trung Quốc cũng muốn cán bộ ngoại giao có tinh thần vì dân, đề cao tinh thần tận hiến nhằm phát triển tinh thần vì tập thể và làm gương.

Nhưng ông Tai cũng lưu ý: cán bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ làm việc ở nước ngoài từ 2, 3 năm liền, sau đó được chuyển công tác đến nơi khác. Lý do: Đề phòng nhà ngoại giao có thể hòa nhập vào xã hội địa phương, hoàn toàn chấp nhận quan điểm của chính phủ của quốc gia mà họ được cử đến.

Ông Tai nói trong ngôn ngữ ngoại giao, đó là nguy cơ “bị đồng hóa”, nhưng giải pháp “chống đồng hóa” có thể có tác dụng ngược: Nếu các nhà ngoại giao phải đối phó môi trường khắc nghiệt, như điều kiện sống kém chất lượng, thiếu điều kiện giải trí và phương tiện lưu thông kém, thì họ có thể có thái độ thù địch đối với chính sách và quyền lợi của nơi họ đến làm nhiệm vụ.

Ông Tai viết: “Tôi không dám nói cán bộ Hoa lục sống khổ ở Hồng Kông sẽ thù ghét dân thành phố này. Nhưng khách quan mà nói, tình hình có thể có hậu quả tiêu cực, ví dụ làm nhiệm vụ không hiệu quả, sa sút tinh thần”.

còn tiếp...

Bảo Vĩnh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Nỗi lòng của cán bộ ngoại giao đại lục được cử sang Hồng Kông