Sự thịnh vượng của Sài Gòn, có thời được thế giới vinh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, có thể nói xuất phát từ một nguyên nhân căn bản : tự do thương mại. Tư tưởng tự do thương mại, từ đó dẫn đến sự thịnh vượng của Sài Gòn, khởi nguồn từ tầm vóc của một con người vĩ đại: Chúa Sãi.
Các kỳ trước
>> Kỳ 1: Vua không xem quốc sử
>> Kỳ 2 : Sự hèn nhát vĩ đại
>> Kỳ 3: Tự do yêu đương thời Trần
>> Kỳ 4: Vua Minh Mệnh và tự do ngôn luận
Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên – 1563-1635) để lại nhiều di sản đồ sộ cho dân tộc, trong đó có 3 di sản bất diệt mà hễ ai là người Việt Nam đều không được phép quên: Đem Sài Gòn và Nam bộ về cho Tổ Quốc một cách hòa bình, xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa (cùng các hòn đảo khác trên biển Đông) và đặt nền móng đầu tiên cho một nền kinh tế thị trường.
Xem sử sách mọi người đều biết Đào Duy Từ xuất thân từ gia đình một “con hát” ở Đàng Ngoài. Do xã hội Đàng Ngoài của chúa Trịnh duy trì những giá trị Nho giáo bảo thủ, trong đó có quan niệm “xướng ca vô loài” nên với cái lý lịch thành phần “con hát”, Đào Duy Từ không được thi cử. Với tài năng và chí khí của mình, ông không yên phận, nên đã “vượt biên” vào Nam theo chúa Nguyễn. Đào Duy Từ không chỉ học rộng hiểu nhiều mà còn có tài kinh bang tế thế. Chúa Sãi không những trọng dụng ông mà còn tôn ông làm quân sư, tức là làm thầy mình. Ông có công rất lớn giúp chúa Nguyễn mở nước an dân, không có việc gì là không giỏi. Duy có một điều ông không hiểu và không tán thành với Chúa Sãi, đó là việc Chúa mở cửa cho tàu buôn nước ngoài tự do đi lại và vô cùng trọng thị các thương nhân, đến mức gả luôn con gái cho một nhà buôn Nhật Bản. Giai thoại kể rằng, Đào Duy Từ canh cánh trong lòng nhiều năm về điều đó nhưng không tiện nói, đến cuối đời ông mới nói với Chúa nỗi ưu tư. Chúa Sãi không trả lời ông mà đưa cho ông xem bảng cân đối ngân sách quốc gia. Nhìn thấy phần lớn nguồn thu là từ các tàu buôn đó, Đào Duy Từ mới nhận ra là mình không có tầm nhìn bằng Chúa Sãi.
Lê Quý Đôn, người ở “phía bên kia” (Đàng Ngoài), vẫn phải nhận xét: “Đoan quận công (Chúa Sãi) … chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng…; thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp” (theo Phủ biên tạp lục). Nhân dân mến đức Nguyễn Phúc Nguyên nên gọi ông là Chúa Sãi hay Phật Chúa. Xét trên quan điểm ngày nay, “chính sự khoan hòa”, “phép tắc công bằng” không có gì khác hơn là việc để cho dân tự do làm ăn buôn bán, không lạm thu thuế má, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An trở thành một thương cảng nổi tiếng thế giới. Trong cuốn sách "Xứ Đàng Trong năm 1621", Christoforo Borri, một giáo sĩ Dòng Tên người Ý đến sống ở nước ta vào thời đó đã nhận xét: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán... Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy. Hơn nữa, chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”. Borri còn khẳng định: “Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước ông”.
Cần nhớ là câu chuyện mà Borri kể diễn ra hơn 100 năm trước khi ông tổ của học thuyết kinh tế thị trường Adam Smith ra đời (1723) và 155 năm trước khi cuốn The Wealth of Nations (Của cải của các quốc gia) của Adam Smith được xuất bản ở phương Tây với luận điểm “bàn tay vô hình” nổi tiếng. Có thể nói tư tưởng tự do kinh doanh, tự do thương mại (laissez-faire) hàm chứa trong thiết chế Nhà nước ở Việt Nam bắt đầu từ Chúa Sãi, từ đó tạo thành truyền thống hàng trăm năm. Qua những cuộc bể dâu của lịch sử, truyền thống đó đã len lỏi, dịch chuyển, chòi đạp để bảo tồn và phát triển. Sài Gòn-Hòn ngọc viễn đông là kết quả của sự phát triển đó. Truyền thống này như những hạt mầm ủ trong lòng đất, nó không hề bị thủ tiêu dưới chế độ quan liêu Nho giáo cũng như dưới gọng kiềm kế hoạch hóa. Và việc “xé rào” để Đổi Mới vào những năm 80 của thế kỷ trước chính là sự phát quang cho những hạt mầm đó sinh sôi phát triển.
Rất tiếc là sử sách triều Nguyễn chỉ viết vắn tắt về Chúa Sãi. Đại Nam thực lục (tiền biên) chép về ông rất sơ sài, chủ yếu nói về việc xây dựng chính quyền, việc phòng thủ để đối phó với chính quyền Đàng Ngoài, với Chiêm Thành và các lân bang cũng như việc “mở cõi an dân” chung chung. Cũng có nguyên nhân là các sử gia triều Nguyễn từ thời vua Minh Mệnh đã thu thập được quá ít tài liệu, nhưng nguyên nhân chính là các sử gia Nho giáo không nhìn được tầm nhìn của chúa Sãi và không hiểu được ý nghĩa của những việc ông làm.
Chúa Sãi còn có công lao vĩ đại trong việc đem Sài Gòn và vùng đất Nam bộ về cho Tổ Quốc, nhưng có một đầu mối hết sức quan trọng là việc gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp (Campuchia) thì có lẽ vì “nhạy cảm” nên các sử gia triều Nguyễn không nhắc tới. Sài Gòn chính là món quà mà vua Chân Lạp tặng cho gia đình vị hoàng hậu Ngọc Vạn yêu quý của mình và vùng lục tỉnh được giao cho các chúa Nguyễn quản lý cũng là việc trả ơn các chúa Nguyễn đã giúp triều đình Chân Lạp chống ngoại xâm và dẹp loạn, do đó cả Sài Gòn và Nam bộ đã trở thành lãnh thổ của Việt Nam một cách hòa bình và hoàn toàn hợp pháp. Câu chuyện này chúng tôi sẽ đề câp tiếp ở kỳ sau. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân