Nước ta hiện nay cùng lúc có 3 bộ máy đều được trả lương bằng ngân sách nhà nước, trong khi có sự trùng lắp và chồng chéo nhất định về chức năng nhiệm vụ giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, hệ thống dân vận. Điều đó góp phần làm cho thu nhập của mỗi CCVC rất khó có thể khá lên, chỉ vì số lượng quá đông.

Làm gì để giải quyết bất cập chế độ lương công chức viên chức?

02/11/2016, 11:09

Nước ta hiện nay cùng lúc có 3 bộ máy đều được trả lương bằng ngân sách nhà nước, trong khi có sự trùng lắp và chồng chéo nhất định về chức năng nhiệm vụ giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, hệ thống dân vận. Điều đó góp phần làm cho thu nhập của mỗi CCVC rất khó có thể khá lên, chỉ vì số lượng quá đông.

Chế độ lương công chức viên chức vẫn còn nhiều bất cập.

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 chiều 1.11, Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đã đưa ra một nhận xét khá sâu sắc đáng phải suy nghĩ về sự bất cập của thang bảng lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) nước nhà.

Ông bảo: “Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác. Một sự bất hợp lý của tiền lương”.

Tiền lương và chế độ đãi ngộ về nhà ở cũng như một số chính sách hiện hành của Nhà nước đối với cán bộ CCVC và các lực lượng vũ trang (LLVT) trong vài chục năm gần đây, tuy đã có một bước cải cách nhất định (từ năm 2004), đáng ghi nhận, song sau nhiều năm, nó đã bộc lộ những bất cập và dần dần thiếu đi sự nhất quán.

Lý do rất đơn giản: Do được điều chỉnh ở nơi nọ mà không điều chỉnh nơi kia (cả thang bảng lương, phụ cấp thâm niên, ngành nghề cũng như chế độ nhà ở), chưa đồng bộ, chắp vá... khiến lâu dần, khi so sánh giữa ngành nọ với ngành kia, loại cán bộ nọ (theo chức vụ) với loại cán bộ kia đã bộc lộ dần sự bất cập, nhiều khi trở nên khó hiểu và thiếu tính thuyết phục...

Phê phán chính sách bất cập hiện hành không phải là chuyện khó mà cần hiểu sâu xa hơn bản chất vấn đề: vì sao chúng ta luôn ở trong tình trạng eo hẹp về ngân sách dành cho lương nói chung. Nhưng để giúp mọi người hiểu hết cái khó của những người nghiên cứu và ban hành chính sách lương cũng như chế độ đãi ngộ đối với những người hưởng lương từ ngân sách hiện nay là việc rất nên chỉ ra. Từ đó, có sự chia sẻ nhất định với người làm chính sách. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ủng hộ sự bất di bất dịch của chính sách này mà cần sớm cải cách nó triệt để hơn.

Trên thế giới hiện không một quốc gia nào có một lực lượng CCVC tính trên tổng dân số mà hưởng lương ngân sách lớn như Việt Nam (theo thông tin trên báo gần đây thì Việt Nam có đến 2,8 triệu CCVC). Điều này có nghĩa gần 40 người dân Việt Nam phải gồng lưng nuôi 1 “ông/bà” CCVC, chưa kể số người nghỉ hưu và LLVT... trong khi đó, lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội lại có năng suất lao động rất thấp...

Như mọi người đều biết, nước ta hiện nay cùng lúc có 3 bộ máy đều được trả lương bằng ngân sách nhà nước, trong khi có sự trùng lắp và chồng chéo nhất định về chức năng nhiệm vụ giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, hệ thống dân vận (riêng hệ thống đoàn thể chính trị này mỗi năm cũng phải chi tới trên 14.000 tỷ đồng từ ngân sách cho hoạt động ). Điều đó góp phần làm cho thu nhập của mỗi CCVC rất khó có thể khá lên, chỉ vì số lượng quá đông.

Hệ thống thang bảng lương ra đời cách đây đã trên chục năm (2004). Sau đó, do sự biến động về giá cả và đời sống của người lao động, đặc biệt là tầng lớp CCVC hưởng lương từ ngân sách, trong đó có đối tượng cán bộ làm công tác Đảng, Nhà nước đã phải bổ sung phụ cấp (thực hiện từ năm 2012, theo Quyết định 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ) 25% cho đối tượng nói trên. Vậy là sự bất cập, thiếu đồng bộ đã nảy sinh từ khối CCVC bên Đảng, đoàn thể với bên chính quyền.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong một hội thảo về lương gần đây đã phân tích: Chế độ tiền lương cơ sở (lương áp dụng đối với cán bộ, CCVC) hiện nay lấy hệ số trung bình là người tốt nghiệp đại học (có hệ số 2,34) - tức là dựa trên trình độ chuyên môn. Trong khi đó, hệ số cao nhất trong bảng này lại lấy là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tức dựa trên chức danh.

Nếu theo chế độ này, với hệ số cao nhất là 13, nhân với mức lương cơ sở thì mức lương vị trí lãnh đạo cao nhất đất nước chỉ là hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 51/2013 thì mức lương cơ bản thấp nhất của kế toán trưởng một công ty hạng III (hạng thấp nhất) đã là 16 triệu đồng và vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên một tập đoàn kinh tế là 36 triệu.

"Nếu so sánh như vậy cũng đã thấy sự vô lý đến tận cùng. Lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước mà đã như thế thì lương cán bộ, công chức thấp là điều đương nhiên và dễ hiểu. Tất nhiên, tất cả ví dụ nêu ở đây chỉ là theo quy định, chứ không phải thực tế", ông giải thích (theo Vietnamnet).

Nhiều vị lãnh đạo cấp cao cỡ bộ trưởng, uỷ viên Trung ương, nay đã nghỉ hưu ở tuổi 70-80 cũng rất tâm trạng khi họ so sánh chế độ trợ cấp hưu trí của mình với những chức vụ, cấp bậc khác trong LLVT nói chung hiện đang có sự bất cập. Các cụ bảo rằng, lương hưu của các cụ giờ chỉ bằng ông thượng tá về hưu vì họ còn có thêm phụ cấp thâm niên. Cỡ bộ trưởng hoặc uỷ viên Trung ương về hưu (có cụ cũng tham gia 2 cuộc kháng chiến nhiều năm), có lẽ cả nước hiện chắc chỉ còn vài trăm người.

Nhưng cấp thượng tá trở lên nay nghỉ hưu, chắc cỡ hàng chục ngàn vì theo tôi biết, cấp hàm đại tá trở lên hiện đương chức trong các LLVT của nước ta cũng đã hàng chục ngàn người, riêng cấp tướng của cả quân đội lẫn công an cũng đã gần 800 (chưa kể còn có loại "đại tá hưởng lương tướng"). Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến Bảo hiểm xã hội đang lo không trụ nổi vì nguy cơ vỡ quỹ trong tương lai gần. Vì thế, cơ quan này gần đây đã có những kiến nghị lên cấp cao xem xét.

Nhiều ý kiến cho rằng, vì lương không đủ sống nên CCVC dễ nảy sinh tham ô, tham nhũng. Điều đó có cơ sở thực tế, tuy không phải hoàn toàn đúng vì có biết bao người giàu có mà vẫn cứ tham nhũng và ngược lại.

Vì thế, muốn cải cách một bước thực sự và cơ bản chế độ tiền lương, theo tôi, trước tiên cần tính đến mô hình nhất thể hoá bộ máy Đảng, chính quyền và một số địa phương đang thể nghiệm. Việc nhất thể hóa, tinh giản bộ máy, không để chồng chéo chức năng nhiệm vụ mà tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thí điểm vài năm gần đây cho thấy cái được nhiều hơn không được, và có thể mở rộng thí điểm để tổng kết, đánh giá trước khi có chủ trương lớn.

Chỉ có vậy, Nhà nước mới có thể có khả năng tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách một cách tàm tạm, "ra tấm ra món".

Lương thì đã vậy. Chính sách về nhà ở cho CCVC cũng rất khập khiễng và thiếu nhất quán trong nhiều chục năm qua và làm nảy sinh không ít đơn từ khiếu kiện.

Khi còn chế độ bao cấp về phân phối nhà ở, các cơ quan đơn vị nếu được cấp ngân sách xây dựng nhà cho CCVC, người ta dựa theo thang bảng điểm với các tiêu chí nội bộ, ai được chấm điểm cao thì được cấp trước. Riêng cấp hàm từ thứ, bộ trưởng trở lên thì đương nhiên là sẽ được trên cấp.

Nhưng hồi đó (giai đoạn 1960-1975) nhà nước cũng quy định khá rõ, nếu ở cấp thứ trưởng sẽ được phân 100 m2 (có thể là ở một phần trong một biệt thự với nhiều thứ trưởng khác hoặc căn hộ chung cư). Nếu vợ thứ trưởng nọ mà cũng có cấp hàm tương đương, gia đình này cũng chỉ được cộng thêm 50 m2 chứ không phải được gấp đôi. Cách làm này phải nói là rất hợp tình, hợp lý trong bối cảnh nước nhà còn nghèo và đang có chiến tranh.

Không hiểu sao, chính sách này sau đó không áp dụng nữa. Thậm chí, khi nhà nước tuyên bố xoá bỏ bao cấp về nhà ở thì cán bộ cao cấp vẫn được cấp đất với giá rẻ. Nhiều khi giá thị trường phải 300-400 triệu /m2 nhưng họ chỉ phải nộp theo biểu giá đất nhà nước phê duyệt theo khu vực, tức là chỉ 10-20 triệu /m2 (trừ trong trung tâm sẽ có giá cao hơn nhưng không phải quá cao).

Tôi biết, có những bậc "khai quốc công thần" rất xứng đáng được đãi ngộ đặc biệt, khi chuyển khỏi nhà công vụ (vì biệt thự nằm trong vị trí không được thanh lý), gia đình họ phải ra xa trung tâm. Trong khi đó, có vị chức vụ thấp hơn, nhưng khi họ rời nhà công vụ thì được thanh lý một biệt thự rất hoành tráng ngay trung tâm thủ đô.

Có vị được ở ngay gần hồ tuyệt đẹp. Một gia đình mà tôi biết đã cho thuê tắp lự được gần chục ngàn đô la mỗi tháng. Buồn là ở chỗ, gia đình vẫn xin thêm tiêu chuẩn của bà quả phụ vì đúng là bà cũng có cấp hàm ngang thứ trưởng và "từ trước đến nay, nhà nước chưa thực hiện chế độ" cho bà. Nghe nói sau đó, bà bán biệt thự kia đi đã có cả ngàn cây vàng nên mới tính "đòi" thêm tiêu chuẩn...

Sự bất cập này đã làm nảy sinh những thắc mắc ngay giữa các bậc tiền bối cách mạng với nhau. Rồi lớp lãnh đạo kế thừa sau này khi kế nhiệm và giải quyết hậu quả nhiều lúc cũng đến khổ vì rất khó trả lời cho đương sự sao cho thật hài hòa, thoả đáng.

Để tránh những bất cập trong chính sách đãi ngộ cán bộ cao cấp cũng như để có được một chính sách lương CCVC hợp lý, đủ sống được bằng lương, ngoài việc ban hành luật Phòng chống tham nhũng sao cho chặt chẽ, không có kẽ hở, để CCVC sợ không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Ngoài chính sách tiết kiệm triệt để (như chế độ sử dụng công xa cần đi vào quy chế rõ ràng là một ví dụ.

Hóa ra lâu nay, nhiều vị lãnh đạo không có hệ số phụ cấp chức vụ trên 1,25 nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng xe công đưa đón hàng ngày là vi phạm mà không ai phê bình, ngăn chặn. Chỉ khi xảy ra chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang bị bung bét trên báo chí thì dân mới biết để mà "soi " lãnh đạo quanh mình)... thì ở mảng chính sách cải cách tiền lương cũng cần có một cuộc cách mạng triệt để, mong sớm được thực thi.

Điều này cũng là giúp cho giới CCVC không cần, không muốn, không dám tham nhũng. Trong khi kinh tế đang gặp muôn vàn khó khăn, nợ công cao (tính đến cuối năm 2015, nợ công Việt Nam đã lên 62% và dự báo cuối năm nay có nguy cơ vượt trần, gây áp lực trả nợ lớn vì đã đến lúc phải trả, không thể trì hoãn).

Nếu lấy lý do này để trì hoãn kế hoạch cải cách căn bản tiền lương, tôi cho rằng cũng chưa đúng. Chúng ta vẫn có thể làm được trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi quyết tâm chính trị được đặt ra cho toàn Đảng, xem đó như việc sống còn của chế độ và việc đổi mới thể chế kinh tế trên cơ sở đổi mới hệ thống chính trị sao cho gọn nhẹ, hiệu quả hơn là công việc rất cấp bách .

Nếu không chủ động làm sớm chuyện này thì sẽ rất khó có thể động viên chung chung mãi theo lối "động viên thời chiến" xưa kia bởi chiến tranh nay đã lùi xa trên 40 năm có lẻ. Người lao động nói chung, hầu như ai cũng sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc nhưng không thể cứ xem nhẹ chính sách đãi ngộ cho họ.

Phải làm sao đó cho thật hài hòa, thoả đáng trong điều kiện có thể tìm ra giải pháp. Nếu không đổi mới mạnh mẽ từ khâu lương bổng cho CCVC đến chính sách đãi ngộ đối với người tài để họ yên tâm cống hiến, giúp nước, e rằng nguy cơ tụt hậu xa hơn sẽ không chỉ là nguy cơ.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để giải quyết bất cập chế độ lương công chức viên chức?