Đó là nhận định của Trần Đức Quỳnh, cựu vô địch quần vợt Việt Nam (QVVN), người 10 năm nay đã sống ở Mỹ và đã không ít lần tiếp xúc, trao đổi với gia đình Learner Tien, thậm chí biết Tien từ khi còn bé.
Thể thao

Learner Tien có xuất phát điểm không tốt bằng Lý Hoàng Nam

Đặng Hoàng 21/01/2025 13:45

Đó là nhận định của Trần Đức Quỳnh, cựu vô địch quần vợt Việt Nam (QVVN), người 10 năm nay đã sống ở Mỹ và đã không ít lần tiếp xúc, trao đổi với gia đình Learner Tien, thậm chí biết Tien từ khi còn bé.

nam-tien.jpg
Hoàng Nam và tay vợt người Mỹ gốc Việt Learner Tien

Có nghịch lý không khi so sánh Hoàng Nam với tay vợt người Mỹ gốc Việt Learner Tien?

Tien đã là hiện tượng tại giải Úc mở rộng 2025, đã vào đến vòng 4 sau khi loại hạt giống số 5 Daniil Medvedev từng là tay vợt số 1 thế giới ở vòng 2 và là á quân giải Úc mở rộng 2024. Tien hiện nay tuổi 19, đang xếp vị trí 80 trên bảng xếp hạng quần vợt chuyên nghiệp thế giới (ATP) trong khi vị trí cao nhất trong sự nghiệp của Hoàng Nam là 234 vào ngày 14.11.2022.

Quần vợt hơn nhau là đường dài

nam.jpg
Trần Đức Quỳnh (phải) là người đã phát hiện và đào tạo Lý Hoàng Nam

Trần Đức Quỳnh, người đã phát hiện và đào tạo Lý Hoàng Nam giai đoạn đầu, đồng thời cũng là người đã dẫn dắt Nam trở thành nhà vô địch Việt Nam trẻ nhất trong lịch sử QVVN khi 15 tuổi 8 tháng vào ngày 12.10.2012. Trận chung kết, Hoàng Nam đã đánh bại đối thủ Trần Hoàng Anh Khoa hơn Nam 7 tuổi. Trước đó Nam đã vượt qua tượng đài QVVN khi đó là Đỗ Minh Quân ở bán kết, người đang giữ kỷ lục nhà vô địch Việt Nam trẻ nhất khi 18 tuổi 8 tháng.

Đức Quỳnh còn nhớ Hoàng Nam khi đó thống trị các giải trẻ Việt Nam, không chỉ vô địch các giải U.14, 16, 18 mà Nam còn đăng quang sớm 2 năm so với lức tuổi quy định của cả ba giải.

Hoàng Nam cũng là tay vợt duy nhất của QVVN vô địch nội dung đôi nam trẻ Grand Slam tại Wimbledon 2015.

Ở cùng khu với gia đình Tien, nên thỉnh thoảng Đức Quỳnh gặp gia đình Tien đến tập luyện ở các sân quần vợt công cộng rất gần ở nhà Tien. Do đó Quỳnh biết Tien từ khi còn bé. Đó là lý do Đức Quỳnh nhận xét xuất phát điểm Tien không bằng Nam, vì cùng lứa tuổi, vóc dáng, bộ di chuyển của Tien không được tốt như Nam. Thậm chí lúc nhỏ Tien rất tròn người, vóc dáng không thật sự lý tưởng với vận động viên quần vợt.

Là một người từng trải, hiểu biết quá rõ hai môi trường QVVN, Mỹ và cả hệ thống quốc tế, khi trao đổi với Một Thế Giới, Trần Đức Quỳnh kết luận: “Quần vợt hay các môn thể thao, hơn nhau ở xuất phát điểm không quan trọng, mà quan trọng là cả một quá trình dài phấn đấu kể từ khi quyết định theo sự nghiệp quần vợt cho đến khi kết thúc”.

Gia đình là nơi giáo dục tốt nhất khi còn nhỏ

Ba mẹ Tien không có ý định cho Tien theo quần vợt chuyên nghiệp, thay vào đó ông bà định hướng Tien theo con đường học vấn vì ba Tien là luật sư, còn mẹ là giáo viên toán. Chỉ riêng việc đặt tên, chị của Tien là Justice (công lý) còn Tien là Learner (học) đúng với nghề của hai ông bà là đủ biết ông bà rất coi trọng việc giáo dục con cái.

Đức Quỳnh cho biết ba mẹ Tien rời Việt Nam sau 1975, nhưng mọi thứ đều giữ nguyên phong cách, quan điểm, cuộc sống Á đông. Đó cũng là lý do ông bà đã từ chối học bổng của USTA (Liên đoàn Quần vợt Mỹ) cấp cho Tien năm 10 tuổi qua Florida để đào tạo quần vợt.

Với ba mẹ Tiên, còn nhỏ là phải sống với gia đình, môi trường giáo dục gia đình là tốt nhất và ảnh hưởng sâu đậm nhất đến tâm sinh lý phát triển của đứa trẻ.

Đức Quỳnh nói ba mẹ Tien lúc đầu chỉ muốn Tien chơi quần vợt cho khỏe vì Tien không có bất kỳ thần tượng nào ở môn quần vợt. Tuy nhiên, khi phát hiện con trai có năng khiếu, đồng thời từ chối học bổng của USTA vì Tien phải sống xa gia đình khi mới 10 tuổi, ba Tien bắt đầu thuê HLV dạy quần vợt và tìm cả các tay vợt có trình độ để Tien thi đấu, nâng cao trình độ cho Tien sau khi ông là HLV đầu đời của Tien từ 4 đến 10 tuổi.

Trao đổi với mẹ Tien, Đức Quỳnh biết thêm là năm Tien 15 tuổi, khi tốt nghiệp xong cấp 2, Tien xin phép ba mẹ cho theo quần vợt. Mẹ Tien nhớ lại Tien đã nói về bước ngoặt này sau khi suy nghĩ và trao đổi rất kỹ với gia đình trong quãng thời gian ở nhà do đại dịch COVID. Từ năm 2021, Tien bắt đầu tham gia các giải trẻ do USTA tổ chức, rồi tham gia thi đấu ở hệ thống giải của ITF.

Mẹ Tien cũng nói, đầu năm 2024, Tien bị chấn thương ở sườn, phải nghỉ thi đấu 8 tuần, đó cũng là quãng thời gian quan trọng nhất đối với Tien vì Tien có thể tâm sự, chia sẻ với gia đình, để rồi tất cả thành viên đều thấy rõ Tien đã thay đổi rất nhiều. Tien trở nên chuyên nghiệp hơn trong tập luyện, coi trọng việc hồi phục, dinh dưỡng hơn so với trước đó.

Đức Quỳnh nói ba Tien không chỉ dạy chuyên môn mà ông còn dạy cả tính cách cho Tien. Ba Tien dạy cho Tien sự điềm tĩnh, không gào thét thái quá, biểu hiện của sự ức chế khi rơi vào những thời điểm khó khăn. Bình tĩnh, bản lĩnh, tâm lý vững vàng để đem đến sự tự tin là những tố chất Tien học được từ ba.

Cho đến bây giờ, trao đổi với Đức Quỳnh, mẹ Tien tâm sự rằng ông bà đã đúng khi không đồng ý cho Tien nhận học bổng của USTA lúc 10 tuổi. Nếu ông bà đồng ý, Tien sẽ phải sống xa nhà từ 10 tuổi, xa tình thương, chăm sóc và nhất là sự giáo dục của gia đình.

Tài năng phát triển nhờ môi trường tốt

Trần Đức Quỳnh cho biết QVVN đã từng có hai tay vợt Việt kiều Mỹ là Daniel Nguyễn và Thái Sơn Kwiatkowski, trong đó Daniel từng thi đấu cho đội tuyển Việt Nam và đoạt huy chương bạc đơn nam SEA Games 2019 sau khi thua Hoàng Nam trong trận chung kết.

Daniel thể hình, tố chất không thuận lợi với quần vợt hiện đại khi chỉ cao 1m73, nhưng Daniel cũng đã đạt vị trí cao nhất trong sự nghiệp là hạng 189.

Thái Sơn Kwiatkowski có thể hình tốt hơn khi cao 1m88 và hạng 181 là vị trí tốt nhất trong sự nghiệp của Sơn.

Do vậy Tien là tay vợt người Mỹ gốc Việt có thứ hạng cao nhất. Từ Daniel, Thái Sơn cho đến Tien, cả ba có điểm chung là trưởng thành ở môi trường quần vợt Mỹ cũng như đều được học bổng khi thi đấu quần vợt cho các trường đại học.

Quần vợt là môn thể thao tốn kém, không chỉ đòi hỏi những ai theo quần vợt phải có nguồn kinh phí đủ tốt hoặc có nhà tài trợ mà trên hết, ngoài tài năng, các tay vợt còn phải có ý chí, nỗ lực phấn đấu liên tục trong suốt những năm tháng theo quần vợt chuyên nghiệp.

Môi trường quần vợt Mỹ có hệ thống thi đấu dày đặc, khoa học và tuần nào cũng có giải cho đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, đặc biệt thể thao học đường là số 1. Đó là lý do Daniel, Thái Sơn hay Tien đều trưởng thành từ các giải trẻ rồi học đại học trước khi qua chuyên nghiệp.

Đức Quỳnh lướt nhanh hành trình phát triển của Tien: năm 14 tuổi, Tien đại diện cho quần vợt Mỹ thi đấu giải trẻ vô địch thế giới, rồi tham dự giải trẻ Davis Cup, trước khi tiến vào những sự kiện của Liên đoàn Quần vợt quốc tế, rồi cả nội dung trẻ Grand Slam.

Năm 2022, Tien vô địch giải quốc gia USTA Boys 2022. Thành tích này đã cho Tien suất đặc cách tham dự vòng đấu chính thức Giải Mỹ mở rộng 2022.

Năm 2023, Tien bảo vệ thành công danh hiệu vô địch USTA Boys lần thứ 18 để lần thứ 2 nhận suất đặc cách tham dự Giải Mỹ mở rộng 2023. Trước đó, Tien từng vào chung kết trẻ Giải Úc mở rộng 2023. Cũng trong năm này, Tien gia nhập đội USC Trojans của Đại học Southern California.

2023 cũng là năm Tien chính thức xin phép ba mẹ thi đấu quần vợt chuyên nghiệp. Tuy niên Tien chỉ thật sự bùng nổ từ giữa năm 2024 sau 8 tuần dưỡng thương ở gia đình.

Đức Quỳnh cho biết tháng 7.2024, Tien lần đầu tiên vô địch giải thuộc hệ thống Challenger và sau đó thêm hai chức vô địch. Riêng ITF ở cấp độ thấp hơn, Tien thắng 4 giải. Xem bảng thành tích của Tien sẽ thấy rất rõ: tại ATP Tour, Tien có trận thắng đầu tiên rất ấn tượng ở Winston-Salem Open khi vượt qua tay vợt số 51 thế giới Fabian Marozsan, trước khi đánh bại số 68 thế giới Thiago Seyboth Wild để vào tứ kết. Tien từng thắng 28 trận liên tiếp ở các cấp độ khác nhau. Khoảng thời gian thăng hoa này đưa Tien vươn lên vị trí số 191 thế giới ở tuổi 18.

Chuỗi thành tích ấn tượng này đã giúp cuối năm Tien giành một trong 8 suất tay vợt trẻ xuất sắc nhất năm 2024 và vào đến chung kết Next Gen ATP Finals mới chịu thua trước Joao Fonseca - một trong những tay vợt trẻ được đánh giá hay nhất thế giới và cũng đã tỏa sáng ở Giải Úc mở rộng 2024.

Đức Quỳnh đúc kết, môi trường quần vợt Mỹ quá tốt để một VĐV muốn đi theo quần vợt chuyên nghiệp. Nhìn Tien, từ khi 10 tuổi đã được USTA để ý, và đến khi Tien vô địch giải trẻ, đánh giá được tiềm năng của Tiên, USTA đã trao cho Tien 3 năm liên tiếp suất đặc cách tham gia thi đấu từ vòng đấu chính thức Mỹ mở rộng vào các năm 2022, 2023 và 2024. Ngoài ra thể thao học đường, mà ở đây với Tien, đó là môi trường đại học, Tien cũng nhận học bổng ở đây trước khi rẽ qua con đường chuyên nghiệp.

***

nam2.jpg
Thật tiếc khi Nam gặp được ông Thái Trường Giang quá trễ

Đức Quỳnh rất tiếc cho tài năng của Hoàng Nam. Quỳnh tiếc hơn nữa khi Hoàng Nam gặp người đồng hương Tây Ninh, ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hải Đăng quá trễ. Ông Giang chính là người hỗ trợ Nam toàn diện từ thu nhập hằng tháng cho đến chi phí cho tất cả các chuyến thi đấu nước ngoài cũng như trả cả phí thuê HLV chuyên môn, thể lực… Nhờ có kinh phí dồi dào, Nam chỉ tập trung chuyên môn nhờ vậy Nam mới vào Top 240, và là tay vợt duy nhất trong lịch sử QVVN hai lần liên tiếp đoạt Huy chương vàng đơn nam SEA Games 2019, 2021.

Nhưng Nam gặp ông Giang quá trễ, vào giữa năm 2018 khi Nam đã hơn… 21 tuổi!

Kể chuyện người, nhắc lại chuyện mình, Đức Quỳnh chỉ biết tiếc cho Hoàng Nam, tiếc cho QVVN, vì để có được một tài năng như Hoàng Nam không dễ. Bởi ngay như quần vợt Mỹ quá nhiều điều kiện như thế, mà bao năm qua, giờ đây mới xuất hiện Learner Tien, một trong những tay vợt tuổi teen đáng xem nhất hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 mang chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Learner Tien có xuất phát điểm không tốt bằng Lý Hoàng Nam