35 năm trước, vào lúc 21h33’3’’ (giờ Moscow), từ sân bay vũ trụ Baikonour, tàu Liên hợp 37 đã được phóng lên vũ trụ với đội bay quốc tế gồm 2 phi hành gia Vitor Gorbatko và Phạm Tuân. Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và châu Á vào vũ trụ.

Lịch sử mãi ghi tên Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ

Một Thế Giới | 23/07/2015, 05:36

35 năm trước, vào lúc 21h33’3’’ (giờ Moscow), từ sân bay vũ trụ Baikonour, tàu Liên hợp 37 đã được phóng lên vũ trụ với đội bay quốc tế gồm 2 phi hành gia Vitor Gorbatko và Phạm Tuân. Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và châu Á vào vũ trụ.

Nghề chọn người

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Tuân bảo rằng nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Ban đầu, Phạm Tuân chỉ được cử đi Liên Xô học thợ máy để sửa chữa máy bay nhưng rồi cơ duyên đã đưa ông trở thành phi công chiến đấu.

Một sáng hạ tuần tháng 7.2015, tôi đến nhà ông ở ngõ 111 đường Cù Chính Lan, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội theo lịch hẹn. Dáng người cao, bệ vệ và ở tuổi 68 nhưng ông vẫn rất khỏe, nhanh nhẹn; mái tóc chưa điểm bạc. Vị tướng mở cửa đón khách khi đang dở tay chăm sóc những giò phong lan bên hiên nhà.

Trong phòng khách rộng rãi, ông chỉ treo 2 tấm ảnh: 1 tấm chụp cùng nhà du hành vũ trụ Gorbatko trước khi bay vào vũ trụ, 1 tấm ghi lại thời điểm ông vào nhà tù Hỏa Lò nói chuyện với viên phi công lái máy bay B52 của Mỹ đã bị ông bắn hạ trên bầu trời Hà Nội năm 1972; còn lại là những huân, huy chương cao quý được tặng thưởng; mô hình máy bay chiến đấu mà ông từng lái trong kháng chiến chống Mỹ.
phi cong anh hung
 Trung tướng, anh hùng Phạm Tuân bên bức ảnh chụp ông cùng nhà du hành vũ trụ Gorbatko trước khi bay vào vũ trụ
Phạm Tuân sinh ngày 14.2.1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; là con nhà nông chính hiệu. Năm 1965, học hết lớp 10, Phạm Tuân đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ai có sức khỏe tốt nhất thì được giữ lại để đào tạo phi công, còn lại cứ lần lượt vào hải quân và các quân, binh chủng khác. “Đi khám tuyển cả 2 lần đều trượt phi công vì hồi ấy, mình chỉ cao khoảng 1,65 m và nặng 60 kg” - Phạm Tuân kể.

Tháng 9-1965, lần thứ 3 đi khám tuyển thì Phạm Tuân trúng vào lực lượng không quân nhưng sau đó, ông mới biết mình chỉ được tuyển làm thợ máy.

Thế nhưng, sau khi Phạm Tuân sang Liên Xô học sửa chữa máy bay thì những người trúng tuyển phi công bị loại quá nhiều vì sức khỏe yếu, tâm lý kém… nên phải tổ chức thi tuyển lại từ số 300 thợ máy đang được đào tạo tại đây và Phạm Tuân là 1 trong 10 người được lựa chọn. “Người ta học phi công thì trở thành thợ máy, mình học thợ máy lại được chọn làm phi công. Nghề chọn người đấy chứ” - Phạm Tuân bộc bạch.

Chỉ khi đặt chân đến trường đào tạo phi công ở Liên Xô, Phạm Tuân mới thực sự khao khát trở thành người lái máy bay chiến đấu. Vị tướng hồi tưởng: “Nhìn những chiếc MiG-21 bay như xé toang bầu trời xanh, tôi thực sự thấy tâm hồn xao xuyến vô cùng và khao khát chỉ cần một lần được vào không trung”.

Rồi chuyện ông đi thi tuyển phi công vũ trụ cũng lạ lùng. Khi ấy, ở trong nước tổ chức tìm kiếm và tuyển phi công vũ trụ, có cả chuyên gia của Liên Xô sang tuyển. Kế hoạch lấy 4 người nhưng tuyển cả nước chỉ chọn được 3. Chuyên gia của Liên Xô đề xuất sơ tuyển các phi công Việt Nam đang học tập tại đây để chọn thêm 1 người. “Có 5 người dự tuyển và mình lại được chọn” - Phạm Tuân cho biết.

“Sát thủ” của B52

Sau khi tốt nghiệp phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967 và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam, giữa năm 1972, Phạm Tuân là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái máy bay tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B52.

Trung tướng Phạm Tuân kể rằng cuộc đời binh nghiệp mấy mươi năm, đến giờ ông vẫn không thể nào quên giây phút lái máy bay tiêm kích MiG-21 và bắn hạ “pháo đài bay” B52 ngay trên bầu trời Hà Nội vào đêm 27-12-1972.

“Giây phút tiêu diệt được B52 làm mình hạnh phúc và sung sướng đến tột cùng” - ông nói.

Đêm 27-12-1972, chiếc MiG-21 của Phạm Tuân cất cánh lúc 22 giờ 16 phút từ sân bay dã chiến Yên Bái, theo chiến thuật “đi thấp kéo cao” nhằm tránh radar của máy bay địch. Sau khi dẫn đường mặt đất thông báo cách phi đội địch 8-9 km, Phạm Tuân tăng tốc để bay vọt qua 2 tốp máy bay F-4 hộ tống của chúng. Sau khi vọt qua đội F-4, ông tiếp cận 2 chiếc B52, khi còn cách khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn nhưng Phạm Tuân chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi bấm nút phóng 2 quả tên lửa tầm nhiệt K-13 vào chiếc B52 ngay phía trước.

Tôi hỏi về cảm xúc ngay sau khi tiêu diệt được B52,  ông Phạm Tuân trải lòng: “Nói thật, lúc đó tôi không kịp nghĩ gì cả. Trước khi bắn hạ B52, tôi chỉ sợ nó phát hiện mình và chạy mất chứ không sợ bị địch bắn hạ”.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, ngay sáng 28-12-1972, Phạm Tuân đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, gửi điện khen và chúc mừng. Ngày 3-9-1973, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi, mang quân hàm thượng úy - Trung đội trưởng, Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371.

Khổ luyện

Năm 1977, Phạm Tuân trở lại Liên Xô để học tập tại Học viện Không quân Gagarin và đến năm 1979 thì có đợt thi tuyển phi công vũ trụ. Ông thú thực rằng ban đầu chỉ định thi tuyển cho vui, chứ lúc đó ở trong nước đã chọn những người khác điển hình hơn. “Các anh ấy có sức khỏe tốt, có bề dày thành tích hơn, bắn được máy bay nhiều hơn mình” - anh hùng Phạm Tuân nói.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết ông học đốt cháy giai đoạn và vượt lên trên cả những phi công người Cuba, Mông Cổ để bay trước họ nên phải nỗ lực gấp bội, nai lưng ra học ngày, học đêm.
Miệt mài luyện tập sức khỏe trong một năm rưỡi trước khi ngồi lên con tàu vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân nhớ bài tập đầu tiên là ly tâm. Phi công ngồi trên một cái ghế được đặt với một cánh tay đòn dài khoảng 5-7 m và quay tròn. Việc này sẽ tạo ra quá tải, lực đè lên người phi công khoảng 5-10-12 lần trọng lượng cơ thể. Mục đích của bài tập là kéo máu trong cơ thể dồn xuống dưới để xem khi não thiếu máu thì sức chịu đựng của người đó ra sao. “Quay đến 10 vòng còn thở được chứ 12 vòng thì hầu như không thở được vì có lực nặng hàng tấn đè lên người” - ông cười nói.

Bài tập thứ 2 là quay tiền đình. Phi công ngồi trên ghế được quay tròn, cứ 3 giây lại cúi đầu xuống tạo cánh tay đòn đưa máu lên não, 3 giây lại ngẩng đầu lên để máu tụt xuống. Khi thi tuyển, mỗi người phải ngồi 10 phút trên ghế nhưng nhiều người chỉ ngồi 5-7 phút là bị nôn.

Mang nắm đất quê hương lên vũ trụ

Đúng  21 giờ 33 phút ngày 23-7-1980, Phạm Tuân đã cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37, trở thành người châu Á đầu tiên chinh phục vũ trụ.

Hành trang ông mang theo lên vũ trụ, ngoài những dụng cụ thí nghiệm là rất nhiều kỷ vật, gồm: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, cờ Tổ quốc… “Tất cả những thứ này đều được đóng dấu trạm vũ trụ và mang về mặt đất để khẳng định với thế giới rằng con người Việt Nam đã có mặt trên vũ trụ” - ông tự hào.

Sau 7 ngày 20 giờ 42 phút, Phạm Tuân và Gorbatko đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành gần 40 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu…

Sau đó, Phạm Tuân tiếp tục ở lại Liên Xô trong một năm rưỡi và hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Không quân Gagarin. Đến tháng 6-1982, ông trở về nước tiếp tục công tác. Đi trọn con đường binh nghiệp, bắt đầu từ một người chiến sĩ cho đến khi được phong Trung tướng, Phạm Tuân từng giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội.

Ôn lại kỷ niệm 35 năm Phạm Tuân - Gorbatko bay vào vũ trụ

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Học viện Kỹ thuật quân sự phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm chuyến bay Vũ trụ Việt – Nga/Việt – Xô (23/7/1980-23/7/2015). Tham dự sự kiện đặc biệt này có nhà du hành vũ trụ Liên Xô, Thiếu tướng Vitor Gorbatko và phi công vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân của Việt Nam. Đây là hai vị anh hùng của hai dân tộc Việt- Nga.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc, tiêu biểu là chuyến bay vũ trụ lịch sử cách đây 35 năm về trước (23/7/1980-23/7/2015) - chuyến bay của hai nước Việt Nam – Liên bang Nga nói riêng, thế giới nói chung; Khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt – Nga/Việt – Xô.

Đây còn là dịp hai nhà du hành vũ trụ, Thiếu tướng Vitor Gorbatko và Trung tướng, Phi công vũ trụ Phạm Tuân cùng nhau ôn lại kỷ niệm đặc biệt khi thực hiện thành công nhiệm vụ hai dân tộc giao phó, từ đó trở thành những người đồng chí, người bạn thân thiết, thể hiện cho tình hữu nghị Việt – Nga cả trong thời chiến và thời bình.

Văn Duẩn/ Người Lao động


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
32 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử mãi ghi tên Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ