41 năm về trước, ông Phạm Văn Bình lên đường nhập ngũ rồi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Ông bị thương rồi lạc đơn vị, được người dân địa phương cứu chữa và cưu mang nhưng do trí nhớ bị tổn thương và sống với người không biết tiếng Việt nên không thể tìm được đường về quê nhà…

‘Liệt sĩ’ 39 năm lưu lạc xứ người và cuộc gặp gỡ định mệnh

Quang Cường | 10/11/2018, 05:55

41 năm về trước, ông Phạm Văn Bình lên đường nhập ngũ rồi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Ông bị thương rồi lạc đơn vị, được người dân địa phương cứu chữa và cưu mang nhưng do trí nhớ bị tổn thương và sống với người không biết tiếng Việt nên không thể tìm được đường về quê nhà…

>> Liệt sĩ được báo tử 25 năm trở về từ Campuchia

Tưởng chừng như cuộc đời sẽ khép lạiở nơi đất khách quê người, vậy mà ông Phạm Văn Bình (SN 1954, quê ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), người đã được báo tử và xác nhận liệt sĩ 25 năm trướclại gặp cơ may để trở về quê nhà đoàn tụ với người thân. Cuộc trùng phùng này đã diễn ra vào tối 7.11 vừa qua.

Cuộc gặp định mệnh và Facebook “dẫn lối” hồi hương

Sự trở về của người lính bị lạc đơn vị, sống tha phương 39 năm nơi xứ người như một định mệnh. Cơ duyên tưởng như muộn màng mà vẫn kịp thời đưa người lính bị thương có trí nhớ không còn trọn vẹn trở về quê nhà đoàn tụ với người thân xuất phát từ sự gặp gỡ với một người đồng hương không quen biết.

Người đã có công tìm lại nguồn gốc và đưa “liệt sĩ” đã được báo tử 25 năm trước về nhà là ông Nguyễn Nhật Dũng, là giám đốc một nông trường cao su ở huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia).

Trò chuyện qua điện thoại với PV, ông Dũng cho biết ông là Giám đốc nông trường cao su Sovann Vuthy trực thuộc Công ty Hagt Rubber TNHH cao su Sovann Vuthy.

Vào tháng 6.2017, công ty cao su thuê công nhân bón phân và phun thuốc cỏ. Một lần đi kiểm tra thực tế, ông Dũng tình cờ gặp một người công nhân biết nói tiếng Việt, hỏi kỹ mới biết người đó tên Phạm Văn Bình, bộ đội Việt Nam bị lạc đơn vị.

Ông Phạm Văn Bình cùng vợ và con gái ở Campuchia - Ảnh: Gia đình cũng cấp

“Khi hỏi chuyện ông Bình tôi mới biết hiện tại gia đình ông ấy sống ở huyện Baray, thuộc tỉnh Kampong Thom, gồm có vợ và một đứa con gái 10 tuổi. Gia đình quá nghèo nên ông Bình phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống trên đất nước Campuchia. Lúc này ông ấy đi làm thuê cùng với một số công nhân, do một Mê ka (người quản lý một nhóm công nhân) người Campuchia đứng ra nhận thầu công việc với nông trường cao su", ông Dũng kể lại.

Ông Dũng biết được ông Bình là người cùng quê với mình ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ông Dũng đã đưa ông Bình về công ty mời cơm và trò chuyện. Ông Bình đã kể về cuộc sống hiện tại của mình và gia đình ở Việt Nam trước khi nhập ngũ, tuy nhiên đó là những ký ức không được chính xác vì trí nhớ của ông Bình bị tổn thương do địch bắn từ hồi ở chiến trường.

Người đồng hương giám đốc đã âm thầm giúp đỡ ông Bình trong thời gian làm việc tại nông trường cao su cho đến khi biết người lính bị thất lạc này muốn về quê hương.

“Khi biết được nguyện vọng của ông Bình là muốn trở về Việt Nam đoàn tụ với người thân, nhưng ông ấy không nhớ rõ địa chỉ gia đình do di chứng của những vết thương ảnh hưởng đến trí nhớ, tôi đã nghĩ đến việc đăng thông tin về ông ấy lên Facebook. Thật may mắn là người thân của ông Bình đã tiếp cận được thông tin đó và cũng nhận ra ông, rồi họ liên lạc với tôi”, ông Dũng nói.

Ông NguyễnNhật Dũng (đứng bên phải) tiễn ông Bình đến biên giới Campuchia - Việt Nam để về lại quê nhà -Ảnh: FB

Ông Dũng còn cho biết thêm, quá trình trở về quê hương của ông Bình đã có sự giúp đỡ không nhỏ của cán bộ, công nhân nông trường cao su Sovann Vuthy.

Vỡ òa nước mắt ngày đoàn tụ

Được hai người cháu ruột (con của anh trai) đón về nhà vào hôm 7.11, những ký ức nhạt nhòa của ông Bình dần rõ nét và tràn đầy cảm xúc. Ông nhớ lại ngày lên đường nhập ngũ vào năm 1977, lúc ông 23 tuổi, là một thanh niên trong gia đình nghèo có hai anh em trai.

Ông Bình nhớ lại: “Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, bố lại mất sớm nên cuộc sống rất khó khăn, mẹ và anh trai cùng chị dâu nuôi dưỡng tôi. Ngày nhập ngũ tôi không có dép đi nên chị dâu đã nhường cho tôi đôi dép của chị ấy. Khi chia tay, tôi hứa với mọi người rằng sẽ trở về dù biết chiến trường đầy hy sinh mất mát”.

Sau hai năm ở quân ngũ, đầu năm 1979, ông Bình được đơn vị giao nhiệm vụ đi lấy tin tức từ quân đoàn. Trên đường làm nhiệm vụ, ông bị địch tấn công, bắn trúng đầu trọng thương nằm bất tỉnh trong rừng sâu. May mắn thay, người dân địa phương đi đánh cá phát hiện đã đưa ông về cứu chữa, cưu mang.

Ông Phạm Trung Hiếu (cháu ông Bình) mở ba lô đựng hành trang của "liệt sĩ" trởvề từ Campuchia. Đây là chiếc ba lô và những bộ quần áo mà ông Dũng mua cho ông Bình để về quê - Ảnh: Quang Cường

Sau khi được cứu chữa, ông Bình mất đi một phần trí nhớ nên không thể tìm về đơn vị hay về quê nhà. Từ đó, sống nơi xứ lạ với những người Campuchia, ông Bình phải làm thuê đủ nghề từ phụ hồ, bốc vác đến cạo mủ cao su để sống qua ngày.

Cuộc sống chật vật cứ thế trôi qua, trong một lần làm thuê ở công ty cao su, ông Bình đã gặp và đem lòng yêu một cô gái người dân tộc Chăm ở huyện Baray, thuộc tỉnh Kampong Thom. Năm 2005 ông đã kết hôn với cô gái này và họ có với nhau một đứa con gái nay đã 10 tuổi.

Trong cảm xúc mừng mừng tủi tủi, ông Bình được 3 người cháu (con anh trai) đón về nhà. Những cái ôm chan chứa tình ruột thịt, những giọt nước mắt trùng phùng bên mộ song thân đã khép lại chuỗi ngày lưu lạc của người đàn ông quá lục tuần “ngồi trên bàn thờ” liệt sĩ 25 năm nay.

Khi ông Bình về lại nơi mình được sinh ra, mẹ và anh trai cùng chị dâu đều đã qua đời. Mong muốn được báo hiếu mẹ và đền đáp ơn anh chị mà không thể thực hiện được khiến ông Bình xót xa không dứt.

Về lại quê nhà, ông Bình xót xakhi mẹ và anh trai cùng chị dâu đã qua đời - Ảnh: H.A

Ông Phạm Trung Hiếu (54 tuổi, là con của anh trai ông Bình) là người đã cùng em trai sang Campuchia đón chú ruột là ông Phạm Văn Bình về nhà mình tại thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

“Ngày 10.10 vừa qua, con trai tôi làm việc tại TP.HCMgọi điện về báo rằng có thông tin trên Facebook nói về người chú của tôi đã được báo tử 25 năm trước hiện sinh sống ở Campuchia, đang tìm cách liên hệ với người thân ở Việt Nam để tìm về quê. Khi liên lạc được với người đăng Facebook là ông Dũng, tôi và em trai đã thu xếp sang Campuchia đón chú về. Trước tiên là đưa chú về với gia đình, với quê hương, sau này mọi người sẽ cùng chú bàn chuyện thu xếp vợ con của chú sao cho ổn thỏa”, ông Hiếu nói.

Quang Cường – Hoài Anh

>> Liệt sĩ được báo tử 25 năm trở về từ Campuchia
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Liệt sĩ’ 39 năm lưu lạc xứ người và cuộc gặp gỡ định mệnh