Tôi cho rằng các chuyện trên, các ông bà có trách nhiệm biết cả. Vì sao ư? Vì các ông bà đều là những người sáng láng, lại nhiều thông tin. Còn vì cái gì mà các ông bà biết lại không làm hoặc làm khác đi, thì chỉ các ông bà là người biết rõ nhất.
Tuần trước, trong một hội nghị về giáo dục, một ông hiệu trưởng trường tư thục bảo rằng chuyện 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp không phải lỗi do ngành giáo dục.
Tuần này bàn về giải quyết ách tắc giao thông, một ông to khác phán tắc đường do ý thức người tham gia giao thông kém (tivi đưa thế, chả biết có cắt xén gì không?).
Lại một vị cũng làm to nữa ở Bộ Giáo dục - Đào tạo thông tin: từ năm tới, sẽ tổ chức thi đại học chung và bỏ điểm sàn khi tuyển. Ông không nói ra các phương án trước đây mắc lỗi ở đâu mà chỉ bảo lúc này các phương án ấy không thích hợp nữa. Chả biết tôi có cưỡng từ đoạt lý (của ông ấy) không nhưng về bản chất là ổng đã thừa nhận mấy phương án kia sai rồi.
Tôi nghe các vị ấy tổng kết cứ thấy gờn gợn thế nào. Xin lạm bàn như sau:
Cái cách chối bỏ trách nhiệm như thế rất không sòng phẳng. Đành rằng người thất nghiệp không chỉ do ngành giáo dục nhưng mở trường ồ ạt thế, đào tạo nhiều thế, chất lượng kém thế... không do ngành thì do ai? Có cả ngành và những chính sách do ngành đề nghị và được phê duyệt. Chả thế mà bây giờ phải rà soát lại cơ cấu trường, ngành, nội dung đào tạo... (tôi cũng tham gia vào việc tạo ra nạn thất nghiệp này nên không dám chối bỏ trách nhiệm). Giải pháp bỏ điểm sàn được nhiều vị hỉ hả vì như thế các trường vốn khó tuyển sinh có cơ hội lấy điểm thấp vì đã phân cấp rồi. Ở trong ngành, tôi biết, sinh viên không có năng lực nhận thức thì không có phép thánh nào biến họ thành giỏi được. Tôi tin rằng ai cũng có quyền học nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực tư duy để trở thành trí thức. Không có bột, không ai có thể gột nên hồ. Tôi sợ sẽ lại có những tiền đề để chất lượng đào tạo xuống nữa sau khi bỏ điểm sàn. Tôi chỉ bàn chuyện chất lượng chứ không bàn những chuyện khác.
Tôi đồng ý là trong các nguyên nhân làm tắc đường có lý do từ ý thức tham gia giao thông của người dân kém. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở chỗ khác. Đường sá đô thị có thế thôi, mở thêm nữa không thấm vào đâu vì gần đây ở trung tâm thành phố, cạnh các con đường huyết mạch cứ xây hết khu đô thị này đến các khu chung cư khác. Mỗi khu hàng vạn căn hộ lại thiếu hạ tầng đô thị như nhà trường, bệnh viện, cửa hàng. Các khu đó chủ yếu xây nhà ở, nghĩa là chỉ xây chỗ để ngủ để bán vì làm thế lãi lớn nhất, thủ tục dễ nhất (mới chỉ có vài khu mới xây trường học thôi). Thế là cư dân ở đó ngày mấy buổi phải đi về nơi làm việc, đưa đón con cái đến trường, đi ngược nhau, đi từ bên này sang bên kia thành phố. Nghe nói khu triển lãm Giảng Võ đã bán cho một đại gia nào đó để xây hàng chục cao ốc. Tôi mạo muội khuyên đừng xây nữa, xây xong không bán được hàng đâu vì xung quanh chỉ có mấy con đường nhỏ thế, giờ đã tắc rồi, nay mai nhà cao tầng chồng lên thì cứ đứng mà nhìn nhau, đi lại sao được. Nghe ông Bí thư thành phố than phiền không có kinh phí, nhìn thấy trước thảm họa mà chịu bó tay, buồn quá.
Xin có ngu ý thế này: thành phố Hà Nội cũng như những thành phố khác nên cho dừng ngay việc xây các khu chung cư trong trung tâm. Điều này không tốn quá nhiều tiền mà lại tránh được thảm họa. Không tin cứ cho Viện Nghiên cứu xã hội của thành phố đi lấy ý kiến người dân xem, họ sẽ đồng tình ngay. Thà bây giờ bỏ tiền ra đền cho doanh nghiệp vì đã trót cho họ xây dựng rồi, yêu cầu họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn đỡ tốn hơn sau này phải phá nhà để làm đường.
Tôi cho rằng các chuyện trên, các ông bà có trách nhiệm biết cả. Vì sao ư? Vì các ông bà đều là những người sáng láng, lại nhiều thông tin. Còn vì cái gì mà các ông bà biết lại không làm hoặc làm khác đi, thì chỉ các ông bà là người biết rõ nhất.
Chả lẽ lại học cụ Tú Xương "bồng bế nhau lên, tớ ở non" để tránh thảm hoạ? Nhưng người khôn của khó, lúc ấy non cũng hết thì chỉ còn nước thăng thiên thôi.
PGS-TS Phạm Quang Long