Sau đợt lũ chồng lũ nhiều ngày qua, một đợt lũ mới đang lên khắp miền Trung, đã có 2 người chết. Khắp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam… đang gấp rút di dời dân.
Sáng 14.12, Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên thông báo lũ khắp các sông miền Trung - Tây Nguyên đang lên.
Chỉ từ ngày 11-13.12, đã có 2 người chết do đợt lũ mới. Cụ thể, tại Bình Định, ông Phan Văn Minh (SN 1945, trúthôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) đã bị nước cuốnvào lúc 8 giờ 30 ngày 10.12 khi đi qua tràn đập Thập Tư vì trượt chân. Cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân vào sáng 11.12.
Em Bùi Phan Hoàng Trúc (SN 2000, thường trú xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) bị mất tích ngày 13.12 khi đi qua khu vực ngập nước thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh; đến chiều cùng ngày đã tìm thấy thi thể.
Đợt mưa lũ mới đã khiến gần 240 nhà ở Khánh Hòa và Gia Lai bị hư hỏng và ngập sâu. Hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hư hỏng.
Giao thông và cơ sở hạ tầng ở nhiều tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ này. Cụ thể, tại Khánh Hòa đã bị sạt lở 30m mái taluy kè mái bảo vệ khu vực trường Đại học Thủy sản; mái taluy đoạn đầu tuyến Quốc lộ 1C dài gần 1km với hơn 1000m3 đất đá bị sạt lở làm ách tắc giao thông. Tuyến đường sắt đoạn qua hầm đèo Rù Rì (từ Lương Sơn đến thành phố Nha Trang) bị sụt lún, trôi nền đường, treo ray và tà vẹt làm ách tắc tuyến giao thông đường sắt Bắc - Nam, hiện đã được sửa chữa thông tuyến.Mưa lũ cũng đã làm 6 tàu cá ở Khánh Hòa bị chìm, 2000m2 ao cá ở Gia Lai bị tràn.
Đối phó với tình hình mưa lũ, các tỉnh miền Trung đang gấp rút sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Tại tỉnh Bình Định, một số đường giao thông các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa và tuyến đường ĐT 640 của huyện Tuy Phước bị ngập, chia cắt nhiều đoạn; phường Bùi Thị Xuân của TP.Quy Nhơn và các phường Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Hạnh của thị xã An Nhơn bị ngập. Tuyến Đê Đông: tuyến đê Phước Hòa, tràn Kim Đông, Trạm thủy lợi Hà Thanh nước ngập 0,3m; đê Phước Thắng, tràn Tân Giản, đê Cát Chánh ngập 0,5m.
Lãnh đạo UBND tỉnh này trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các đơn vị liên quantriển khai ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng. Sở NN&PTNT chỉ đạo điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ, điều chỉnh lịch gieo sạ vụ Đông Xuân.
Tại tỉnh Phú Yên, có 13 xã, thị trấn/3 huyện bị ngập (huyện Tuy An: 7 xã, thị trấn; huyện Phú Hòa: 1 xã; Huyện Tây Hòa: 3 xã, 1 thị trấn). Hiện, đã sơ tán 40 hộ dân của Xóm Bến (xã Hoà Hội, huyện Phú Hòa) khỏi vùng nguy hiểm.
Tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang bị ngập nặng ở nhiều tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, cầu Ké xã Vĩnh Hiệp, đường 2/4 tại vị trí làng SOS, khu vực chợ Bàu - Vĩnh Thọ và nhiều khu dân cư dọc sông cái bị ngập sâu từ 0,8 - 1,2m.
Tuyến đường tỉnh lộ 9 qua xã Cam Phước Đông, đoạn đường Nguyễn Công Trứ phường Cam Nghĩa, đoạn đường dọc Quốc lộ 1A từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phú (thành phố Cam Ranh) bị ngập gây chia cắt.
Cơ quan chức năng đã sơ tán 100 hộ/389 người (Nha Trang: 8 hộ/24 người; thị xã Ninh Hòa: 21 hộ/65 người: Khánh Vĩnh: 71 hộ/300 người).
Tại tỉnh Gia Lai, thôn Mơ Năng 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa bị chia cắt. Sáng 13.12, xã Spai đã thông báo cho học sinh nghỉ học do nước lớn làm ngập ngầm tràn Đăk Lét, giao thông bị chia cắt.
Hiện, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang tích cực chống chọi với đợt lũ mới này. Một Thế Giới sẽ tiếp tục cập nhật tình hình.
Lê Đình Dũng