Đài CNN chỉ ra lịch sử có phần tương đồng là lý do khiến Ireland ủng hộ mạnh mẽ người Palestine. Cả chính giới lẫn người dân quốc gia châu Âu này đều không ngại thể hiện thái độ cứng rắn với Israel.
Hồ sơ

Lý do Ireland ủng hộ mạnh mẽ người Palestine

Cẩm Bình 17:28 31/03/2024

Đài CNN chỉ ra lịch sử có phần tương đồng là lý do khiến Ireland ủng hộ mạnh mẽ người Palestine. Cả chính giới lẫn người dân quốc gia châu Âu này đều không ngại thể hiện thái độ cứng rắn với Israel.

Tuần qua, Ireland tuyên bố tham gia cùng Nam Phi trong vụ kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về tội ác diệt chủng. Ngoại trưởng Micheal Martin chỉ trích cả đợt tập kích Hamas thực hiện ngày 7.10.2023 lẫn chiến dịch quân sự Israel triển khai ở Dải Gaza để đáp trả đều vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Trong phán quyết ban đầu vào tháng 1, ICJ không xác định Israel phạm tội diệt chủng nhưng yêu cầu nước này thực hiện mọi biện pháp khả dĩ để ngăn chặn diệt chủng xảy ra.

ly.jpg

Lịch sử tương đồng

Lập trường của Ireland về xung đột Israel - Hamas khiến nước này trở thành ngoại lệ ở châu Âu. Nhân vật lãnh đạo tổ chức Irish Palestine Solidarity Campaign (IPSC) Zoe Lawlor cho biết: “Tại Ireland có tâm lý đồng cảm và cảm thông sâu sắc với người dân Palestine”.

Sự đồng cảm xuất phát từ lịch sử. Ireland từng bị Anh cai trị trong hơn 800 năm. Giáo sư sử Jane Ohlmeyer (Đại học Trinity) phân tích: “Ireland là thuộc địa lâu đời nhất của Anh chứ chưa từng là đế quốc như nhiều quốc gia Tây Âu khác. Họ trải qua chủ nghĩa đế quốc giống như Palestine. Trải nghiệm tương đồng như vậy chắc chắn định hình cách người dân Ireland suy nghĩ về các xung đột thời hậu thuộc địa”.

Ireland lúc còn là thuộc địa thường phải chịu sự cai trị bạo lực và phân biệt đối xử từ Anh. Những năm 1840 từng xảy ra nạn đói lớn khiến khoảng 1 triệu người chết vì vụ khoai tây liên tục thất thu, do chính phủ Anh không giúp đỡ thỏa đáng nên hơn 1 triệu người khác phải di cư.

Cựu Thủ tướng Ireland Leo Varadkar vào tháng qua phát biểu: “Các nhà lãnh đạo hay hỏi tôi vì sao người Ireland lại đồng cảm với người Palestine đến vậy. Câu trả lời rất đơn giản: Chúng tôi nhìn thấy lịch sử của mình trong đôi mắt của họ. Cảnh bị tái định cư, bị tước đoạt, bản sắc dân tộc bị nghi ngờ hoặc chối bỏ, bị phân biệt đối xử và giờ đây hứng chịu nạn đói”.

Đại sứ Palestine tại Ireland Jilan Wahba Abdalmajid có cùng quan điểm: “Lịch sử mà người Ireland trải qua khiến họ hiểu rõ thế nào là bị chiếm đóng, áp bức, tước đoạt. Người Ireland biết người Palestine cảm thấy ra sao khi sống trong đói khổ như hiện tại”.

Sau nhiều nỗ lực giành độc lập, cả bằng bạo lực lẫn hòa bình, bị thất bại, năm 1921 Ireland bị Anh chia cắt. Một phần tỉnh Ulster vẫn thuộc về Anh với tên gọi Bắc Ireland. Lãnh thổ còn lại một năm sau trở thành Nhà nước Tự do Ireland, sau đó là Cộng hòa Ireland. Giáo sư Ohlmeyer nhận định đây là “khuôn mẫu” cho quyết định phân chia Palestine năm 1948.

Năm 1980, Cộng hòa Ireland trở thành nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên tuyên bố cần có một nhà nước Palestine độc lập, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Chính phủ nước này xem hòa bình ở Trung Đông như ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng, chỉ trích những gì Israel thực hiện khiến hòa bình ngày càng khó đạt được.

Cả chính giới lẫn người dân đều ủng hộ người Palestine

Ireland không ngừng chỉ trích chính sách mà Israel áp dụng ở cả Bờ Tây lẫn Dải Gaza trước lúc Hamas thực hiện đợt tập kích đẫm máu. Sau ngày 7.10, cả chính giới lẫn người dân nước này đều nhận xét Israel đáp trả quá mạnh tay.

Tân Thủ tướng trẻ tuổi Simon Harris từng tuyên bố: “Bạn không thể xây dựng hòa bình trên những ngôi mộ tập thể của trẻ em”. Bộ trưởng Di sản Israel Amihai Eliyahu không ngần ngại phản pháo bằng phát ngôn rằng người Palestine ở Dải Gaza có thể “đến sa mạc hoặc Ireland”. Đại sứ Israel tại Ireland Dana Erlich nói rằng bà chỉ nghe thấy quan điểm một chiều miêu tả Israel như “kẻ phản diện duy nhất”.

Phe đối lập tại Ireland còn cứng rắn hơn cả chính phủ. Chính trị gia lãnh đạo đảng Sinn Fein Mary Lou McDonald tuyên bố “Gaza không thể trở thành nấm mồ của luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi trục xuất Đại sứ Israel.

Về phía người dân, họ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình tỏ ý ủng hộ người Palestine trên khắp đất nước. Đại sứ Abdalmajid cho biết có lúc ông nhìn thấy đường phố trên địa bàn nhiều nơi treo đầy cờ Palestine.

Một cuộc thăm dò của Tổ chức Ân xá quốc tế vào tháng 1 cho kết quả 71% người Ireland tin rằng người Palestine đang sống dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Còn theo thăm dò thực hiện bởi tờ Irish Times vào tháng 2, có 62% người Ireland không nghĩ chiến dịch quân sự Israel triển khai ở Dải Gaza là chính đáng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Ireland ủng hộ mạnh mẽ người Palestine