Từng có quá khứ “đen tối” và bị coi là "nỗi xấu hổ của nước Ý", Matera, thành phố của những hang động đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng và được chọn làm bối cảnh chính trong No Time to Die.
Không lộng lẫy, xa hoa, khung cảnh hoang sơ và cằn cỗi của thành phố Matera lại được chọn làm bối cảnh chính trong series phim James Bond nổi tiếng và trước đó là bộ phim The Passion of Christ (Nỗi khổ hạnh của Chúa) của Mel Gibson.
Matera nằm ở vùng hẻo lánh của Basilicata nước Ý, nơi tiếp giáp với vùng biển Amalfi Coast và tỉnh Puglia phía bờ đông.
Thành phố ra đời từ thời kỳ đồ đá, là một trong những chốn định cư đầu tiên của người Ý. Thành phố cổ kính này thu hút khách du lịch bởi những ngôi nhà bằng đá có tuổi đời ước tính khoảng 9.000 tuổi. Chúng được chạm khắc, đục đẽo trong các hang động và vách núi.
Tuy nhiên, đằng sau mặt tiền giống như nhà là những hang động cổ xưa, nơi sinh sống của người nguyên thủy. Cuộc sống của nơi đây vốn dĩ chỉ bao quanh chữ “đói nghèo, lạc hậu và chiến tranh”. Sau thế chiến thứ II, chỉ những người giàu mới hướng đến kiến trúc hiện đại còn những người nghèo vẫn tiếp tục lưu trú tại ngôi nhà hang động. Mãi cho đến khi Matera được tổ chức Unesco công nhận thì đời sống người dân mới được nâng cấp.
Vào những năm 1950, thành phố bị coi là “nỗi xấu hổ của nước Ý” vì cư dân sống trong điều kiện lạc hậu, mất vệ sinh trầm trọng.
Vào quãng thời gian này, Matera có dân số khoảng 15.000 người. Họ sống trong những ngôi nhà được đục đẽo từ các hang động cắt ngang sườn đồi.
Thành phố sau bức tường cao dường như bị thế giới lãng quên.
Theo cuốn sách Chúa Kitô dừng lại ở Eboli xuất bản năm 1945, nhà văn, nhà chính trị lưu vong Carlo Levi đã tiết lộ sự ra đời huyền bí của thành phố. Một phép màu nào đó đã khiến thành phố đã thoát ra khỏi bàn tay của Thượng đế, khiến nó vẫn tồn tại và phát triển song song với thế giới hiện đại bên ngoài. Phía trong những hang động, các gia đình vẫn sinh hoạt bên gia súc, thậm chí vào cuối những năm 1950, thành phố không điện, không nước.
Điều kiện ẩm thấp, chất lượng sống suy giảm khiến bệnh dịch phát triển, đặc biệt là sốt rét. Trẻ em đói nghèo, rách rưới nhưng thứ chúng cầu xin giúp đỡ lại là quinine - một loại thuốc dùng để điều trị sốt rét.
Với những “đặc điểm” như vậy, Matera đã trở thành nơi đại diện cho sự nghèo đói, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao của nước Ý.
Và lần đầu tiên trong cuộc đời của người Ý, họ phát hiện ra đồng loại nhưng lại sống một cuộc đời khác biệt. Thành phố, nơi có thị trấn cổ Sassi cũng trở thành “nỗi xấu hổ” của nước Ý.
Ngoài ra, trong cuốn hồi ký của Carlo Levi, Matera là nơi ở của các tù nhân chính trị dưới chế độ phát xít Benito Mussolini. Thành phố có thời gian dài đầy rẫy sự chết chóc. Tác giả còn cho rằng thị trấn và vùng Basilicata là nơi vô pháp luật, đầy rẫy sự suy đồi.
Tuy nhiên, một thế hệ người di cư trẻ tuổi đã nổi dậy, chống lại sự thờ ơ của lịch sử quét qua thị trấn Sassi. Vào những năm 1990, công cuộc hồi sinh Sassi trỗi dậy mạnh mẽ. Họ bắt đầu cải tạo những hang động thành quán cà phê, khách sạn nhỏ cao cấp.
Thành phố bắt đầu gây sự tò mò và thu hút du khách, đặc biệt sau khi khu vực này được Unesco công nhận Di sản thế giới vào năm 1993.
Chính từ đây, cuộc sống người dân được nâng cấp.
Năm 2004, sau khi bộ phim The Passion of Christ được quay ở Matera ra mắt, địa phương bắt đầu thu hút lượng lớn khách du lịch. Giờ đây, việc khôi phục “nỗi xấu hổ của nước Ý” được đẩy nhanh sau khi thành phố trở thành địa điểm quay chính của bom tấn No Time to Die.
“Hãy thử tưởng tượng những người sinh ra ở nơi được mệnh danh là ‘sự xấu hổ của nước Ý’ sẽ ngạc nhiên thế nào khi thành phố của họ xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng”, Dora Cappiello, một nhân viên du lịch tại Ý chia sẻ khi giới thiệu về thành phố quê hương của cha anh khi xem một cảnh quay trong No Time to Die.
Đến thành phố cổ kính này, khách có thể đi bộ lang thang qua các ngõ hẻm, đường phố của các quận Sassi, Sasso Barisano hay Sasso Caveoso. Bởi nơi đây lưu giữ các di tích lịch sử, những ngôi nhà hang động truyền thống nhất của vùng. Nơi du khách có thể khám phá những phiến đá lớn ngay dưới chân mình mà ẩn dưới là bể nước khổng lồ mà người dân dùng để lưu trữ nước. Ngoài ra, thành phố còn có những nhà thờ đá ẩn mình trong khe núi.