Việc Công ty Thuận Phong chịu nộp phạt 500 triệu đồng có đáng là bao, khi so với thiệt hại mà nông dân mua phải phân bón của họ phải gánh chịu. Chỉ một ví dụ điển hình nêu trên đủ thấy cuộc chiến chống hàng giả trên lĩnh vực phân bón gian nan đến nhường nào. Và cuối cùng, tất cả trút lên bắt người nông dân gánh chịu, họ đã nghèo lại càng nghèo thêm...

Một nước có tới hơn 7.000 loại phân bón, nông dân không 'hoa mắt' mới lạ

15/10/2016, 06:12

Việc Công ty Thuận Phong chịu nộp phạt 500 triệu đồng có đáng là bao, khi so với thiệt hại mà nông dân mua phải phân bón của họ phải gánh chịu. Chỉ một ví dụ điển hình nêu trên đủ thấy cuộc chiến chống hàng giả trên lĩnh vực phân bón gian nan đến nhường nào. Và cuối cùng, tất cả trút lên bắt người nông dân gánh chịu, họ đã nghèo lại càng nghèo thêm...

Ảnh minh họa

Một con số mới đây do Viện Khoa học nông nghiệp đưa ra khiến người Việt Nam chúng ta hết sức bàng hoàng khi biết rằng, do tình trạng không kiểm soát nổi sự tác oai tác quái của nhiều nhà sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, chúng ta đã bị thiệt hại 2,4 tỉ USD/năm. Điều đáng nói là suốt nhiều năm qua, hiện tượng này đã được cảnh báo liên tục mà vẫn không hề được giải quyết rốt ráo.

Phải chăng do luật pháp của Nhà nước, các nghị định của Chính phủ dù đã ban hành không ít nhưng không sao ngăn chặn được vì còn nhiều điều bất cập? Hay do phía sau các nhà sản xuất thiếu đạo đức có người chống lưng và bao che họ khi họ bị đưa ra ánh sáng? Do bộ máy kiểm tra, kiểm định sản phẩm còn nhiều lỗ hổng chưa làm sao bịt được và đang bị lợi dụng? Theo tôi, có cả 3 nguyên do như vừa nêu.

Đầu tháng 10 vừa rồi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 389) đã có cuộc kiểm tra liên ngành tại TP.Hồ Chí Minh để nắm bắt tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, không có giấy phép, không đủ điều kiện sản xuất. Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang lộng hành trong lĩnh vực này, và thực trạng là nguy cấp, mà người lãnh đủ là nông dân - lực lượng hiện vẫn chiếm trên 70% dân số cả nước. Là tầng lớp có thu nhập thấp nhất trong các giai tầng xã hội ngày nay, họ sẽ càng nghèo hơn nếu mãi mua phải phân bón giả, kém chất lượng để phục vụ sản xuất...

Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện có đến 267 cơ sở sản xuất phân bón. Theo Đội trưởng Quản lý thị trường huyện Bình Chánh báo cáo, hiện tại trên địa bàn huyện này có 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đợt kiểm tra cao điểm từ ngày 15.9 đến nay, lực lượng quản lý thị trường huyện đã kiểm tra 14 công ty, trong đó có 8 công ty được cấp giấy phép sản xuất phân bón, 1 giấy phép gia công, còn lại 5 đơn vị chưa có giấy phép.

Ấy là nói về cơ sở pháp lý, mới kiểm tra 14/37 đơn vị trong một huyện mà đã phát hiện chỉ có 8/14 đơn vị được cấp phép. Liệu có bao nhiêu phần trăm trong số đó thực đảm bảo chất lượng khi mà Thanh tra Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng vừa phát hiện ra chuyện động trời: cả nước có 11 trung tâm khảo-kiểm định phân bón thì đã cấp phép sai chất lượng tới hàng trăm mẫu. Họ còn cấp chứng nhận kiểm định khống, trái pháp luật vô cùng liều lĩnh chỉ vì hám lợi và vô trách nhiệm. Chính vì điều này mà nhiều khi đã xảy ra tình trạng đoàn kiểm tra phải xin lỗi doanh nghiệp vì doanh nghiệp đã được "kiểm định", "đảm bảo chất lượng sản phẩm", thực chất là xác nhận cho sự dối trá. Nhiều trường hợp, khi kiểm định lần đầu thì cho kết quả là phân giả, nhưng lần sau, chính họ lại kết luận là đủ tiêu chuẩn, hợp quy.

Thực trạng phân bón giả thật đáng lo khi hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm nhiều khi chỉ có 7-10% trong khi sản phẩm hợp quy chuẩn phải đạt trên 70% là chất chính. Vậy thì khác nào người ta đang bán đất, đá cho nông dân để nông dân về đổ xuống vườn, ruộng và chờ đợi vô bổ đến ngày thu hoạch. Họ đã tốn tiền mua, lại mất công sức để rồi cuối cùng phải chuốc lấy hậu quả xấu.

Mỗi năm, các cơ quan có trách nhiệm đã lập biên bản, thẩm định đến 4.000 vụ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Cái khó cho các cơ quan kiểm định cũng như kiểm tra, tranh tra, là cả nước hiện có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp phân bón, làm ra tới 7.000 sản phẩm phân bón các loại, thì đúng là họ bị lạc vào mê hồn trận. Việc các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi có lẽ cũng là do vậy, chưa nói đến chuyện có bảo kê hay không.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm đất, phân bón và môi trường phía Nam thì nhà nước chỉ nên cho phép sản xuất trong khoảng 100 sản phẩm phân bón các loại là đã đủ cho ngành nông nghiệp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có khả năng kiểm soát chặt và dễ dàng. Như ở nhiều nước, họ chỉ xây dựng quy chuẩn cho 2 loại phân, vô cơ và hữu cơ, theo sau đó cũng không có quá nhiều loại phân chuyên dùng cho một loại cây trồng ...

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia 389 thì sau khi có Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, việc sản xuất phân bón được tách ra làm hai, gồm: phân vô cơ thuộc Bộ Công Thương và phân hữu cơ thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, có quy định sản xuất phân bón phải được cấp giấy phép, doanh nghiệp không thể hoạt động nếu chưa được cấp phép. Như vậy cũng đã tích cực hơn so với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn trước đó.

Tuy vậy, vẫn chưa hết những bất cập. Những chế tài ban hành hiện không đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt khi bị phát giác sản xuất phân giả, kém chất lượng, cho thấy sự bất cập của pháp luật hiện hành. Nếu so với số lãi khủng nhờ sản phẩm họ làm có đầu vào rất rẻ (thực tế, sản phẩm mà họ pha trộn đã là giả hoặc kém chất lượng) thì tiền nộp phạt nếu bị phát hiện "chỉ như gãi ghẻ doanh nghiệp mà thôi" - ông Thế nói. Ngoài ra, chính những nhà sản xuất lừa đảo, thiếu đạo đức này còn làm cho thị trường phân bón đảo điên khi giả-thật lẫn lộn, khiến cho người nông dân chân lấm tay bùn, nghèo khó, thích rẻ, bị cái mác "ngoại" đánh lừa nên bỏ tiền mua mà đâu biết nó ảnh hưởng đến sản xuất vô cùng lớn, làm hại cây trồng và có khi trắng tay.

Hôm rồi, trên kênh truyền hình VTC, thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tỏ ra bức xúc khi cho rằng chỉ trong 17 tháng, từ năm 2015 đổ về trước, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 văn bản chỉ đạo, rồi chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn ở cương vị Phó thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã 2 lần trực tiếp chủ trì cuộc họp để chỉ đạo xử lý vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả mà cuối cùng vẫn không đi đến đâu, chứng tỏ thế lực phía sau họ phải "tầm cỡ" như thế nào.

Mừng bao nhiêu khi sự việc được khơi lên, tôi lại thấy buồn bấy nhiêu trước câu chuyện này bởi trong quá trình thẩm tra, đánh giá sai phạm của Công ty Thuận Phong đã có tới 8 bộ ngành (Khoa học-Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, NN-PTNT, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Ban 389 quốc gia) vào cuộc, hầu hết các bộ ngành đều khẳng định sai phạm nghiêm trọng của Công ty Thuận Phong, duy chỉ có một bộ do được ngành dọc báo cáo và địa phương (UBND tỉnh Đồng Nai, Công an Đồng Nai) là vẫn giữ bằng được quan điểm cho rằng việc ở Công ty Thuận Phong không có căn cứ để khởi tố hình sự "vì không có dấu hiệu tội phạm". Thật là "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu", dù cho điều 158 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định quá rõ thế nào là tội làm hàng giả.

Việc Công ty Thuận Phong vi phạm rất nghiêm trọng đã được các báo đài nêu nhưng không hiểu vì lý do gì mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vẫn cứ cố tình bao che, nhất là trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Trưởng ban 389 quốc gia chỉ đạo cơ quan Bộ Công an làm rõ và báo cáo Thủ tướng vẫn còn nguyên giá trị. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định không khởi tố vụ án và kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định chỉ xử phạt hành chính 500 triệu đồng. Tại sao?

Có thể coi đây là việc làm tùy tiện, vi phạm kỷ cương, mệnh lệnh hành chính của cấp trên đến mức nghiêm trọng, gây mất niềm tin trong nhân dân về kỷ cương phép nước, về vai trò của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khi nhiều lãnh đạo bộ ngành cùng tham gia. Cấp dưới bất tuân lệnh cấp trên, mà đó lại là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì quả là khó hiểu. Hơn nữa, nếu chỉ xử phạt hành chính Công ty Thuận Phong, thì trật tự quản lý nhà nước về phân bón từ nay sẽ bị phá vỡ. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trên cả nước sẽ coi đây là tiền lệ và sẽ “noi gương” sản xuất các loại phân bón giả và kém chất lượng giống như Thuận Phong đã làm để thu lợi nhuận khủng mà không sợ bị truy tố!

Cách làm trên cũng đồng nghĩa từ nay các địa phương khác sẽ coi như không có tội danh sản xuất kinh doanh phân bón giả, mặc các nghị định, thông tư hướng dẫn của Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh phân bón. Đó chính là lỗ hổng nghiêm trọng, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp tử tế và không tử tế.

Việc Công ty Thuận Phong bị nộp phạt 500 triệu đồng có đáng là bao, khi so với thiệt hại mà nông dân mua phải phân bón của họ phải gánh chịu. Chỉ một ví dụ điển hình nêu trên đủ thấy cuộc chiến chống hàng giả trên lĩnh vực phân bón gian nan đến nhường nào. Và cuối cùng, tất cả trút lên bắt người nông dân gánh chịu, họ đã nghèo lại càng nghèo thêm...

Nước ta hiện có khoảng 30,6 triệu lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (số liệu năm 2015). Tôi chưa biết con số chính xác số người làm nông nghiệp là bao nhiêu nhưng có lẽ cũng phải 20 triệu trở lên. Nếu chia số tiền thiệt hại (2,4 tỉ đô la Mỹ/năm) do dùng phải phân bón giả, kém chất lượng cho từng đó nông dân, rõ ràng sẽ là con số thiệt hại trên đầu người sẽ rất lớn nếu như biết thêm rằng mỗi người lao động nông nghiệp ở nước ta, mức thu nhập (năm 2014) chỉ là 497.200 đồng/tháng (số liệu của Tổng cục Thống kê). Giá như họ không bị thiệt hại vì dùng phân bón giả, con số thu nhập kia sẽ khác, cuộc sống được cải thiện hơn nhiều.

Đã đến lúc luật pháp phải thể hiện sự nghiêm minh hơn, quyết liệt hơn ở lĩnh vực này thì mới đủ sức răn đe các doanh nghiệp hám lợi mà quên cả lương tâm trước số phận của người nông dân. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng cần lên tiếng, chỉ mặt vạch tên, lôi ra ánh sáng những hành vi gian dối để người tiêu dùng nhận ra tính chất tai hại của phân bón giả và tẩy chay nó. Rồi việc ban hành các văn bản hướng dẫn quy định, tiêu chuẩn chất lượng phân bón, việc cho phép sản xuất cũng cần thu bớt chủng loại, sao cho đơn giản, gọn nhẹ, chặt chẽ, nghiêm cẩn hơn nhưng không rối và tự làm khó các cơ quan thanh tra, thẩm tra... Chỉ có vậy, mới đẩy lùi được tình trạng hàng giả tràn lan như vừa nêu.

Nhiệm kỳ mới của một “Chính phủ liêm chính” với những nhân tố mới, cách làm mới, sâu sát và gần dân hơn, chia sẻ với đời sống người dân hơn đang được người dân kỳ vọng. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 10 vừa qua dậy sớm đi thăm chợ đầu mối Long Biên và ra cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội kiểm tra việc trồng sau sạch; đích thân đến kiểm tra cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp, ăn sáng uống cà phê bình dân... tại TP.Hồ Chí Minh sẽ là những dịp quý báu để ông nắm bắt tình hình chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm mà chia sẻ với dân, từ đó đưa ra những quyết sách đúng, hợp lòng dân trong lĩnh vực đang gây nhiều lo lắng này.

Tôi mong, với trên 60 triệu dân ở nông thôn đang ngày ngày "hoa mắt" không biết phân bón nào là thật là giả để phục vụ sản xuất, gây thiệt hại đến 2,4 tỉ USD/năm, tình trạng này cũng sẽ được Thủ tướng quan tâm đặc biệt và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi. Hy vọng là như thế!

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một nước có tới hơn 7.000 loại phân bón, nông dân không 'hoa mắt' mới lạ