Kể cả những thành phố nổi tiếng về sự quy củ như Tokyo, hay tinh tế và hào hoa như Paris, thì chính sự đa dạng của các biển hiệu luôn là một yếu tố khiến cho những tuyến phố của các thành phố này trở nên sống động và hấp dẫn riêng.

Muốn làm biển hiệu đồng loạt, xin nhìn Paris hay Tokyo

13/05/2016, 13:55

Kể cả những thành phố nổi tiếng về sự quy củ như Tokyo, hay tinh tế và hào hoa như Paris, thì chính sự đa dạng của các biển hiệu luôn là một yếu tố khiến cho những tuyến phố của các thành phố này trở nên sống động và hấp dẫn riêng.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trong những ngày đầy hào hứng, khi đích thân thủ tướng cùng các bộ ngành cam kết hướng tới một chính phủ kiến tạo, trong đó phục vụ các DN một cách “vô điều kiện”. Sự cam kết chắc chắn ấy còn được khẳng định một cách đáng tin hơn nữa bằng việc hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đã cùng ký cam kết sẽ ủng hộ hết mình với các DN trong hội nghị gặp mặt giữa thủ tướng và DN hôm 29.4 vừa qua.

Tuy nhiên, sự “ủng hộ DN hết mình” đó cụ thể ra sao thì còn phải tùy thuộc vào các động thái của hai thành phố, vì điều kiện để chính quyền thành phố ủng hộ DN ra sao trên thực tế không giống nhau. Câu chuyện biển hiệu quảng cáo đồng loạt vừa được triển khai tại con đường kiểu mẫu ở Hà Nội đang gây sự chú ý của xã hội những ngày qua là một ví dụ điển hình cho điều đó.

Theo đó, dự án chỉnh trang đô thị mới đây của thành phố Hà Nội đang là một trong những câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý nhất không chỉ của người dân thủ đô, mà còn là cả các doanh nghiệp và thậm chí là các nhà kinh tế. Cụ thể, dự án chỉnh trang đô thị này đang thử nghiệm một mô hình đường phố kiểu mẫu tại tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài khoảng 1,5km.

Có rất nhiều điểm tích cực về khía cạnh quy hoạch đô thị một cách khoa học trong dự án lần này, chẳng hạn như lòng đường đã được mở rộng đáng kể, vỉa hè rộng tới 7,5m được lát đá, hệ thống cây trồng và cây xanh hai bên đường cũng được chỉnh trang vừa mắt vốn là những thứ được xem là hiếm hoi với hầu hết các con đường khác ở Hà Nội.

Không có gì phải bàn cãi nếu như mô hình chỉnh trang đô thị tại tuyến đường Lê Trọng Tấn này được áp dụng rộng rãi tại nhiều tuyến phố khác ở thủ đô. Tuy nhiên, một yếu tố hiếm hoi trong dự án này đang nhận được những quan điểm trái chiều từ phía người dân thủ đô, thậm chí là các DN và chuyên gia kinh tế, đó là các biển hiệu quảng cáo của những cửa hiệu hai bên đường không những có cùng kích cỡ, cùng vị trí treo tại từng cửa hàng mà còn khá đồng nhất về màu sắc khi chỉ có hai màu chủ đạo là xanh dương và đỏ.

Theo phát biểu của chính quyền thành phố, thì đây là một động thái mang tính quy hoạch trong vấn đề các biển quảng cáo để tạo được tính trật tự và sự hài hòa đáng kể cho tuyến phố.

Quan điểm và thử nghiệm mới này của chính quyền thành phố đang nhận được khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Khá nhiều người dân sinh sống tại tuyến đường Lê Trọng Tấn cũng như ở các phố lân cận thường xuyên đi qua con đường này cảm thấy thích thú và hài lòng với việc đồng bộ hóa các biển quảng cáo, một số người dân thủ đô cho rằng sự đồng bộ này đem lại tính trật tự vốn rất hiếm hoi ở các tuyến phố Hà Nội.

Tuy nhiên, thử nghiệm mới này lại đang vấp phải sự không đồng tình của rất nhiều các chủ cửa hàng không chỉ ở phố Lê Trọng Tấn mà còn của khá nhiều các chủ cửa hàng ở các tuyến phố khác. Lý do chủ yếu là vì điều này đang làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.

Có khá nhiều các trở ngại đã được các chủ cửa hiệu liệt kê ra từ sự đồng bộ hóa này, chẳng hạn như kích cỡ biển hiệu đồng bộ này hoặc quá to hoặc quá bé đối với nhu cầu kinh doanh của từng cửa hàng; việc thống nhất màu sắc chỉ có hai màu xanh dương và đỏ cũng tương tự. Theo một số người dân và khách hàng thì việc đồng bộ hóa này tỏ ra nhàm chán và khó khăn hơn trong việc nhận diện các biển hiệu. Còn các chuyên gia kinh tế thì đang lo ngại rằng việc quy hoạch theo kiểu đồng bộ hóa các biển hiệu kiểu này đang là một động thái xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp và chủ cửa hiệu.

Có thể thấy rằng, yếu tố mấu chốt trong vấn đề này nằm ở chỗ, mỗi người lại đứng ở một vị trí khác nhau để nhận định vấn đề. Xét về khía cạnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị, có thể thấy chính quyền thành phố chỉ muốn hướng đến một bộ mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn nói riêng và cả thành phố nói chung trở nên ngăn nắp, quy củ và có trật tự hơn. Điều này được khẳng định khi có khá nhiều người dân tỏ ý đồng tình và thích thú với sự thay đổi mới mẻ này.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tự do kinh doanh, thì sự quy hoạch mới này lại có vẻ như đang có xu hướng xâm phạm vào quyền tự do kinh doanh của các DN và chủ cửa hàng, khi khiến cho họ không được phép tự thiết kế và lắp đặt biển hiệu quảng cáo theo ý riêng của mình nữa.

Vậy, vấn đề là phải tìm ra cách để trung hòa tất cả các góc nhìn trên, cụ thể ở trong trường hợp này thì chính quyền thành phố có thể làm mọi cách trong giới hạn cho phép để chỉnh trang bộ mặt tuyến phố theo cách tốt nhất có thể, đồng thời cũng phải tôn trọng quyền hạn được phép của các doanh nghiệp và chủ cửa hàng, cụ thể ở đây là vấn đề thiết kế và lắp đặt biển hiệu quảng cáo.

Không những theo quy định các DN và chủ cửa hiệu được quyền tự do thiết kế và lắp đặt biển quảng cáo, chưa kể việc chính quyền thủ đô cách đây không lâu vừa mới ký cam kết sẽ ủng hộ DN hết mình trong cuộc gặp mặt giữa thủ tướng và các DN. Mà còn ở chỗ, sự đa dạng và sáng tạo của các biển quảng cáo còn là một trong những yếu tố đem lại sức hấp dẫn cho tuyến phố nói riêng và thành phố nói chung.

Đây là một thực tế chúng ta dễ dàng nhận ra tại khắp các thành phố lớn nhất thế giới. Kể cả những thành phố nổi tiếng về sự quy củ như Tokyo, hay tinh tế và hào hoa như Paris, thì chính sự đa dạng của các biển hiệu luôn là một yếu tố khiến cho những tuyến phố của các thành phố này trở nên sống động và hấp dẫn riêng.

Chắc chắn là rất nhiều người sẽ ngỡ ngàng và thất vọng nếu như không còn nhìn thấy những dãy biển quảng cáo lấp lánh ánh điện ở Shibuya hay Ginza ở Tokyo, hay những biển hiệu cao ngất ở quảng trường Thời Đại ở New York.

Điều cần làm, vì thế là tìm ra cách để hệ thống biển quảng cáo ăn nhập và hài hòa với kiến trúc đô thị một cách tốt nhất có thể, chứ không phải là quy hoạch một cách đồng bộ hóa. Vì đồng bộ hóa một cách chặt chẽ quá và cứng nhắc quá thì không còn là trật tự và hài hòa nữa, mà chỉ còn là một sự khô khan và giết chết sự sáng tạo.

Trong khi nếu điểm qua những thành phố lớn trên thế giới, thì rõ ràng sự sáng tạo và sự trật tự và hài hòa luôn có thể song hành cùng nhau nếu như biết kết hợp chặt chẽ với nhau. Sáng tạo và tự do quá đà có thể tạo ra sự lộn xộn và phản cảm, còn trật tự quá đà có thể gây ra sự nhàm chán. Vậy, cách tốt nhất là kết hợp và dung hòa hai yếu tố này với nhau.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn làm biển hiệu đồng loạt, xin nhìn Paris hay Tokyo