Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc ‘làm bình phong rửa tiền’ cho ngân hàng Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận, theo báo New York Times.

Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc ‘làm bình phong rửa tiền’ cho ngân hàng Triều Tiên

Trần Trí | 17/06/2017, 16:45

Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc ‘làm bình phong rửa tiền’ cho ngân hàng Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận, theo báo New York Times.

Công ty thương mại quốc tế TNHH Mingzheng (ở Thẩm Dương, Trung Quốc) là đối tượng bị ngành công tố Mỹ cáo buộc ‘rửa tiền’ giúp Ngân hàng Ngoại thương CHDCND Triều Tiên, trong một đơn kiện trình Tòa án quận Columbia ngày 15.6, để đòi Mingzheng phải nộp số tiền phạt 1,9 triệu USD.

Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên là đối tượng bị Bộ Tư pháp Mỹ trừng phạt hồi tháng 3.2013, cáo buộc ngân hàng ngoại hối thuộc nhà nước Triều Tiên này dính líu tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN) của Bình Nhưỡng.

Bộ Tư pháp Mỹ nói 1,9 triệu USD tương đương số tiền mà Mingzheng đã chuyển cho Triều Tiên hồi tháng 10 và tháng 11.2015.

Những khoản chi trả bằng đồng USD này dược “rửa” ở Mỹ, theo các công tố viên đang muốn được tòa này cho phép tịch thu số tiền.

Theo tuyên bố của các công tố viên, nếu Tòa án quận Columbia phê duyệt khoản phạt nàythì sẽ là “một trong những vụ kê biên nguồn tiền Triều Tiên lớn nhất của Bộ Tư pháp Mỹ”. Các công tố viên còn viết Mingzheng được lập để “lén lút chuyển tiền từ Mỹ cho Triều Tiên”, và nguồn tiền này nằm trong một tài khoản ngân hàng ở Mỹ.

Đơn kiện nêu Mingzheng tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp ở Mỹ, với tư cách là đại diện cho Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, sau đó “rửa tiền” từ các giao dịch này.

Các công tố viên dẫn nguồn tin, nói Mingzheng do một công dân Trung Quốc điều hành. Người này không bị nêu tên, có quan hệ với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.

Theo hồ sơ Công ty Mingzheng khi đăng ký tham gia thị trường chứng khoán Hồng Kông, cổ đông lớn của Mingzheng là Sun Wei, sống ở một vùng gần thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh.

Các công tố viên còn trình với tòa: những giao dịch tài chính của Mingzheng có liên quan chặt chẽ với một công ty Trung Quốc khác có tên công ty phát triển công nghiệp Dandong Hongxiang.

Hồi tháng 9.2016, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đang điều tra Dandong Hongxiang, sau khi các nhà nghiên cứu nước ngoài nói công ty này bán cho Triều Tiên những phương tiện có thể dùng cho chương trình VKHN của Bình Nhưỡng. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa thông báo kết quả điều tra.

Năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp cáo buộc hình sự đối với bà Ma Xiaohong, lãnh đạo Dandong Hongziang cùng nhiều nhân viên công ty, buộc tội họ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ thông qua một đường dây ‘rửa tiền’ tương tự. Bắc Kinh đã phản đối nỗ lực trên, nói Mỹ đang áp đặt luật Mỹ đối với các nước khác.

Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Mỹ đơn phương trừng phạt ngân hàng Triều Tiên, chứ Ngân hàng Ngoại thương nước này không có tên trong danh sách trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an LHQ.

Các công tố viên còn dẫn nguồn tin rằng Mingzheng giữ một vai trò thanh toán giữa một công ty viễn thông Triều Tiên với ZTE, một nhà sản xuất phương tiện viễn thông Trung Quốc.

Hồi tháng 3.2017, ZTE chịu nộp phạt 1,19 tỉ USD,nhận tội vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ vì bán đồ điện tử cho Triều Tiên và Iran. Hiện Mỹ tăng cường truy vết nguồn tiền của Triều Tiên ở nước ngoài, nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển VKHNcủa Bình Nhưỡng.

Nỗ lực này khiến các quan chức Mỹ chú ý những công ty ở Trung Quốc có “tiền sự” trốn tránh các lệnh cấm vận, gây hại cho nỗ lực ngăn chặn tham vọng này cùng những cuộc thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Năm 2016, Bộ Tài chính Mỹ nói sẽ cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ đối với bất kỳ ngân hàng hoặc công ty nào có giao dịch tài chính với Triều Tiên.

Các chuyên gia nói động thái này có thể gây tổn thất cho những ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc, nhất là ngân hàng ở những vùng giáp biên giới Triều Tiên.

Quyết định đòi Mingzheng nộp tiền phạt vào lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép với Trung Quốc ngưng hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng, trong chiến lược “chặt đứt” các nguồn tiền và phương tiện để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình VKHN.

Trung Quốc được xem là “bảo vệ” duy nhất của chế độ Triều Tiên. Họ cũng hưởng lợi nhiều nhất từ Triều Tiên, với quan hệ thương mại Trung-Triều chiếm 90% thương mại của Triều Tiên.

Bắc Kinh là đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc hiện thất vọng lớn đối với lãnh đạo Kim Jong-un.

Hồi tháng 5, các quan chức Trung Quốc nói với các nhà ngoại giao Mỹ: họ đã siết chặt khâu tuần tra vùng biên giới giáp Triều Tiên, theo quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết.

Bắc Kinh cũng ngưng hoàn toàn việc nhập than Triều Tiên cùng hạn chế thương mại làm ăn, nhưng vẫn còn sự nghi ngại Trung Quốc có thật sự muốn chặn láng giềng “hay quậy” phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không.

Trung Trực (theo New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc ‘làm bình phong rửa tiền’ cho ngân hàng Triều Tiên