Cứ sau một vụ Cơ quan điều tra phanh phui ra một loạt các vụ cầu thủ dính tới tiêu cực thì y như rằng sau đó trên các mặt báo cũng có những bài viết: “Hậu vệ X, tiền đạo Y hay tiền vệ Z ở nhà ngoan lắm, hiền lành và tốt bụng lắm nhưng không ngờ…”. Điệp khúc này quen thuộc đến mức khiến nhiều độc giả, người hâm mộ cho rằng chính báo chí góp phần trong sự sa ngã, trượt dài của cầu thủ Việt.

“Ngoan lắm, hiền lắm, sao lại đi bán độ?”

Một Thế Giới | 23/07/2014, 19:04

Cứ sau một vụ Cơ quan điều tra phanh phui ra một loạt các vụ cầu thủ dính tới tiêu cực thì y như rằng sau đó trên các mặt báo cũng có những bài viết: “Hậu vệ X, tiền đạo Y hay tiền vệ Z ở nhà ngoan lắm, hiền lành và tốt bụng lắm nhưng không ngờ…”. Điệp khúc này quen thuộc đến mức khiến nhiều độc giả, người hâm mộ cho rằng chính báo chí góp phần trong sự sa ngã, trượt dài của cầu thủ Việt.

Không thể cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan

Đọc qua một lượt các trang báo mạng viết về vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bị CQĐT thuộc Bộ công an bắt giữ thì đến các bài viết “Ngoan lắm, hiền lắm” thì ở phần bình luận của độc giả có rất nhiều phản ứng gay gắt khi cho rằng báo chí cố tình bênh vực, thậm chí có ý “gỡ tội” cho các cầu thủ dính nghi án làm độ.

Phản ứng này suy cho cùng cũng là điều tất yếu của độc giả bởi trước đó không lâu khi vụ Vissai Ninh Bình vẫn còn đang nóng hổi và chờ ngày xét xử thì vụ cầu thủ Đồng Nai làm độ chẳng phải một cú giáng cực mạnh vào niềm tin vốn còn rất ít ỏi của người yêu và quan tâm đến bóng đá nội.

Chẳng có gì có thể biện minh được hành vi của nhóm cầu thủ Đồng Nai. Họ có thu nhập đến 40-50 triệu đồng/tháng, gia đình không nghèo khổ, CLB trả lương thưởng đúng hẹn, lại có tiền tót tay hàng trăm triệu đồng/mùa khi ký hợp đồng và nhất là tấm gương ở CLB Vissai Ninh Bình còn tày liếp ra đó nhưng vẫn làm bậy.

Dẫu biết rằng môi trường bóng đá Việt Nam từ lâu bị ô nhiễm, nạn tiêu cực hoành hành song cũng không thể lấy đó để đổ thừa. Mọi hiện tượng xấu trong xã hội, dù lớn dù nhỏ như công chức nhà nước “hành” dân, CSGT đứng đường “làm luật” cho đến nạn trộm cắp, cướp giật hay lớn hơn nữa là đục khoét, tham ô, tham nhũng đều cần bị phê phán và tiêu cực trong bóng đá không phải là ngoại lệ.

Không thể cứ đem điệp khúc “vì bóng đá Việt Nam đổ đốn nên cầu thủ cũng đổ đốn theo” để thanh minh cho hành vi sai trái của các cầu thủ Việt. Ở bất kỳ môi trường nào cũng vậy, hành động sai trái trước hết phải được nhìn nhận từ nhận thức của cá nhân sai lệch, nhân cách và đạo đức bị suy thoái. Nếu cứ đổ lỗi hết cho hoàn cảnh, cho lý do khách quan thì sẽ rất bất công cho những cầu thủ tử tế, chịu khó rèn luyện để kiếm tiền từ việc đá bóng tử tế. Bóng đá Việt Nam đang ở tình trạng rất xấu nhưng không đồng nghĩa với việc cầu thủ nào cũng dính tiêu cực.

Ở khía cạnh khác, chuyện sa ngã của cầu thủ là một quá trình kéo dài chứ không đơn giản là sau một đêm thức dậy là cầu thủ biết cách cá độ, làm độ và điều tỷ số theo mong muốn. Khi còn trẻ, 17-18 tuổi mới bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp, cầu thủ nào cũng trong sáng và ngoan hiền nhưng chỉ cần trải qua 2-3 mùa va đập với thực tế sân cỏ cũng đủ khiến cầu thủ sa ngã, trượt dài nếu thiếu bản lĩnh, tham lam, không biết tôn trọng nghề nghiệp.

Phạm Hữu Phát (sinh năm 1988) được coi là cầu thủ trẻ tài năng nhất mà bóng đá Đồng Nai từng đào tạo vì là hạt nhân giúp Đồng Nai vô địch U.15 quốc gia năm 2004, vô địch U.19 quốc gia năm 2007, vô địch U.21 quốc gia năm 2010 và đôn lên đội 1 Đồng Nai lúc tròn 18 tuổi. Song song với tài năng thì Phạm Hữu Phát cũng bắt đầu có “sao số” ở đội Đồng Nai khi vừa mới bước qua tuổi 20 và chắc chắn không còn là cầu thủ “ngoan hiền” như lời gia đình cầu thủ này kể với báo chí khi Hữu Phát bị Công an bắt.

Ảnh hưởng của Phạm Hữu Phát ở Đồng Nai rất lớn, lớn đến mức mà dù đã mất 2 năm trời chơi bóng cho Khánh Hòa (2012) và Xi măng Hải Phòng (2013) nhưng khi quay trở lại Đồng Nai ở mùa bóng 2014 thì Hữu Phát vẫn được tín nhiệm trao cho băng đội trưởng và là người cầm đầu, chỉ huy 5 cầu thủ kia tham gia băng nhóm làm độ...
Từ tốt thành xấu không thể trong “một sớm một chiều”

Một cầu thủ “ngoan lắm, hiền lắm” rõ ràng không có đủ sự từng trải, khôn ngoan và lọc lõi để tạo dựng mối quan hệ với giới xã hội bên ngoài và ảnh hưởng, thao túng với các đồng nghiệp như thế. Vậy thử hỏi, một Phạm Hữu Phát “ngoan lắm, hiền lắm” là cách đây bao lâu rồi, 4 năm hay 6 năm trước?

Với cầu thủ Nguyễn Thành Long Giang thì đây cũng từng được coi là cầu thủ có phong cách chững chạc, lối sống mực thước song chuyện đó đã cách đây… 7 năm về trước khi Long Giang mới bắt đầu thi đấu cho tuyển U.23 Việt Nam.

Ông Ngô Lê Bằng, nguyên Tổng thư ký VFF chính là người thầy trực tiếp dạy dỗ Long Giang khi hậu vệ này được CLB Tiền Giang gửi lên Trung tâm Huấn luyện QG II – Thủ Đức cùng với Huỳnh Phúc Hiệp, Trần Quốc Anh, Võ Nhật Tân… trong chương trình tập trung tuyển U.15 QG phía Nam năm 2003. Khi mới tập trung tuyển U.15 QG và sau này là U.18 và U.20 Việt Nam (2005), Long Giang luôn được các thầy chọn làm đội trưởng vì ngoài yếu tố chuyên môn, Giang là cầu thủ chỉnh chu, nề nếp.

Ông Ngô Lê Bằng từng kể: “Trong số hơn 20 cầu thủ trẻ tập trung ở Thủ Đức suốt 3 năm, Long Giang luôn là cầu thủ được tin cậy vì thi đấu có đầu óc, tính cách trầm tĩnh. Dù là con gia đình khá giả nhưng Long Giang có ý thức tự giác, nề nếp trong sinh hoạt”.

Thế nhưng, từ lúc được đôn sớm lên đội 1 Tiền Giang năm 2006 rồi bắt đầu có tiếng tăm khi trở thành trụ cột của tuyển U.23 và Olympic Việt Nam thì Long Giang cũng như các cầu thủ trẻ của Tiền Giang và U.23 VN như Phúc Hiệp, Quốc Anh đã có nhiều biểu hiệu chuệch choạc về ý thức nghề nghiệp khi đá ở giải hạng Nhất.
Về sau này, Quốc Anh thì dính bê bối bỏ tập trung đội tuyển U.23 VN bị VFF treo giò rồi biệt tích, còn Huỳnh Phúc Hiệp sau thời gian đầu tỏa sáng trong màu áo Olympic Việt Nam thời HLV Riedl cho đến giờ không rõ ở đâu, làm gì.

Riêng Long Giang dù vẫn là trụ cột của tuyển U.23 VN ở SEA Games 25 (2009) và SEA Games 26 (2011) nhưng từ khi rời Tiền Giang lên đầu quân cho Navibank Sài Gòn (2010) và sau đó là Xuân Thành Sài Gòn (2012) đã không còn giữ được sự tiến bộ về chuyên môn như kỳ vọng mà dính nhiều vào những lùm xùm hay nghi án tiêu cực ở CLB lẫn tuyển U.23 Việt Nam.

Đó là một quá trình kéo dài và có trình tự logic về thời gian trong nhiều năm cho đến khi Long Giang bị tạm giam. Từ một cầu thủ có chuyên môn, đạo đức tốt và được các thầy, đồng đội tin cậy ngày nào, giờ Long Giang trở thành nhân vật dính đến vấn nạn làm độ ở Đồng Nai.
Nếu nói rằng, một cầu thủ từng ăn cơm tuyển Quốc gia suốt 10 năm như Long Giang phạm sai lầm là do nhẹ dạ, bị lôi kéo thì có tin được hay không?

Nguyên An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ngoan lắm, hiền lắm, sao lại đi bán độ?”