Người đàn ông bị chiếc tăm tre nhọn đâm thủng thành ruột non đoạn tá tràng, xuyên qua tĩnh mạch chủ dưới đến cơ thắt lưng chậu phải dẫn đến biến chứng nhiễm trùng toàn thân và áp xe.

Người đàn ông bị thủng bụng vì thói quen ngậm tăm khi ngủ

Phong Phạm | 19/01/2023, 11:23

Người đàn ông bị chiếc tăm tre nhọn đâm thủng thành ruột non đoạn tá tràng, xuyên qua tĩnh mạch chủ dưới đến cơ thắt lưng chậu phải dẫn đến biến chứng nhiễm trùng toàn thân và áp xe.

Ngày 19.1, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu bệnh viện vừa phẫu thuật lấy thành công chiếc tăm tre nhọn đâm thủng thành ruột non, đoạn tá tràng xuyên qua tĩnh mạch chủ dưới đến cơ thắt lưng chậu phải, biến chứng nhiễm trùng toàn thân nặng và áp xe cơ thắt lưng chậu phải.

Đó là trường hợp của bệnh nhân nam L. Q. M., 59 tuổi, ngụ ở Cần Thơ. Ông M  nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng bên phải khoảng nửa tháng trước, kèm theo ho nhiều. Bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực - bụng ghi nhận dị vật cản quang dạng đường đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu dài khoảng 5 cm. Khối choáng chỗ dạng dịch vùng cơ thắt lưng chậu, áp xe cơ thắt lưng chậu và huyết khối trong tĩnh mạch chủ dưới; viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.

hinh-anh-cay-tam-duoc-lay-ra-sau-phau-thuat.jpg
Chiếc tăm tre được các bác sĩ lấy khỏi ổ bụng của bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân có thói quen ngậm tăm sau khi ăn và thỉnh thoảng trong khi đi ngủ. Tình trạng đau bụng đã kéo dài từ khoảng 20 ngày nay, ăn uống kém. Bệnh nhân có tình trạng suy kiệt, tình trạng nhiễm trùng toàn thân nặng được hồi sức nội khoa tích cực, nâng đỡ thể trạng. Hội chẩn các chuyên khoa thống nhất chỉ định phẫu thuật do các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực – mạch máu thực hiện.

Các bác sĩ tiến hành bộc lộ toàn bộ tĩnh mạch chủ dưới từ dưới tĩnh mạch thận và khối áp xe cơ thắt lưng chậu phải. Tiến hành xẻ ổ áp xe lấy ra khoảng 50 ml mủ xanh đục, bên trong ổ áp xe có 1 dị vật là chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 6.5 cm. Một phần còn trong lòng tĩnh mạch chủ dưới, kiểm soát đầu xa và đầu gần tĩnh mạch chủ dưới, xẻ tĩnh mạch chủ dưới lấy ra đoạn huyết khối dài khoảng 4 cm. Bơm rửa sạch lòng tĩnh mạch chủ dưới, khâu lại; bơm rửa cô lập đặt dẫn lưu ổ áp xe.

Tình trạng hiện tại của bệnh nhân: Đã tỉnh táo, không sốt, hết đau bụng, bụng mềm, thể trạng khá, tiếp tục được theo dõi, điều trị tiếp tại khoa ngoại lồng ngực mạch máu.

bn-on-dinh-khong-sot-het-dau-bung.jpg
Tình trạng của bệnh nhân hiện đã có tiến triển tốt - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Liêu Vĩnh Đạt – Phó khoa ngoại Lồng ngực mạch máu cho hay, dị vật tiêu hóa là vấn đề lâm sàng thường gặp trong thực hành hàng ngày, có thể xảy ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em và người lớn tuổi thường nuốt các dị vật tiêu hóa. Nghiện rượu, rối loạn tâm thần, người quá lớn tuổi, sử dụng răng giả là những đối tượng nguy cơ cao. Triệu chứng lâm sàng liên quan đến tình trạng dị vật ống tiêu hóa cũng khác biệt nhau tùy vị trí dị vật vướng lại. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, trong trường hợp có triệu chứng thì dấu hiệu đau bụng là một trong những dấu hiệu xuất hiện đầu tiên và thay đổi tính chất cơn đau tùy theo diễn tiến của dị vật như thế nào.

Dị vật tiêu hóa thường gặp là xương cá, que tăm. Vị trí dị vật có thể nằm mọi nơi trên ống tiêu hóa nhưng thường gặp nhất là ruột non.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dị vật có thể đâm thủng đường tiêu hóa, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng thực quản gây viêm trung thất, viêm phúc mạc do thủng ruột bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc; thủng các tạng lân cận như động mạch chủ là biến chứng rất khó điều trị và gây nguy hiểm đến tính mạng.

cac-bac-si-dang-phau-thuat.jpg
Quá trình phẫu thuật lấy chiếc tăm trẻ khỏi ổ bụng người đàn ông - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nghiên cứu cho thấy hầu hết những dị vật đường tiêu hóa, bao gồm những vật có kích thước nhỏ và tròn, có thể di chuyển trong ống tiêu hóa và được đào thải ra ngoài trong vòng 1 tuần. Thủng ống tiêu hóa do dị vật thường có tỷ lệ chưa đến 1% bệnh nhân vào viện vì dị vật đường tiêu hóa và thường do các nguyên nhân như răng giả, xương cá, xương gà hoặc tăm tre, trong đó thủng ống tiêu hóa do nuốt tăm tre xuyên tỉnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp, có rất ít nghiên cứu báo cáo về tình trạng này.

Do tính chất phổ biến của việc sử dụng tăm tre và rất nguy hiểm khi tăm rơi vào đường thở hay đường ăn uống nên các bác sĩ chuyên khoa có khuyến cáo về dùng tăm như sau: Sau khi ăn uống, nếu có dùng tăm xỉa răng nên tập trung chú ý khi thực hiện các động tác, tránh lơ đãng, không tập trung để xảy ra sơ suất để tăm bị hút rơi vào đường thở hay đường tiêu hóa, sau khi sử dụng xong thì vứt bỏ luôn, không nên ngậm trong miệng để nói chuyện hoặc làm việc khác.

Thói quen ngậm tăm sau khi ăn và cả trong khi ngủ là một thói quen thường gặp ở người lớn tuổi, đây là một thói quen không tốt vì có nguy cơ tăm đi vào ống tiêu hóa làm xuyên thủng ống tiêu hóa gây ra tình trạng viêm nhiễm ở vùng bụng (viêm phúc mạc).

Khi phát hiện nuốt hoặc hóc dị vật, bạn cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đàn ông bị thủng bụng vì thói quen ngậm tăm khi ngủ