Ngày biển không động, đàn chó lại xoắn xuýt dúi mũi vào đôi chân teo của Huệ. Biết ý, Huệ móc dây kéo của mấy chú chó vào chiếc xe lăn, chúng cứ vậy mà lầm lũi kéo Huệ ra bến tàu nhìn xa xăm về đảo lớn Lý Sơn…

Người đàn ông và đàn chó trên đảo Lý Sơn

Một Thế Giới | 09/02/2016, 08:23

Ngày biển không động, đàn chó lại xoắn xuýt dúi mũi vào đôi chân teo của Huệ. Biết ý, Huệ móc dây kéo của mấy chú chó vào chiếc xe lăn, chúng cứ vậy mà lầm lũi kéo Huệ ra bến tàu nhìn xa xăm về đảo lớn Lý Sơn…

Bùi Văn Huệ năm nay 39 tuổi. Trên đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) thì Huệ có lẽ là người đặc biệt nhất. Thời trẻ, Huệ đi lặn biển như bao trai tráng ở Lý Sơn này. Khoảng 10 năm trước, trong một chuyến lặn biển ở Trường Sa, Huệ bị nước ép, liệt nửa người.
>> Cuộc trở mình của đảo Lý Sơn
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-1
 Anh Bùi Văn Huệ- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Nghề lặn biển của dân đảo Lý Sơn đầy rủi ro. Chỉ cần một chiếc ống thở nối với máy nổ ở trên thuyền là người ta lặn đánh bắt hải sản mà không có đồ bảo hộ. Vì thế, phần lớn những người đi lặn dù khỏe đến mấy cũng dễ bị chết, liệt do không chịu nổi sức ép của nước.
Người nhà chạy chữa khắp, nợ chất đầm đìa nhưng rồi không được. Huệ bị liệt hẳn hai chân, ở nhà sống với mẹ già bên chân sóng phía nam đảo Bé.
Đàn chó ngoan ngoãn kéo chiếc xe lăn của Huệ đi khắp hòn đảo nhỏ. Mọi ngóc ngách ở trên đảo này chúng đều thuộc cả.
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-2
Con chó Nô đầu đàn, luôn quanh quẩn săn sóc bên anh Huệ- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Con chó đầu đàn tên Nô nay đã 10 tuổi. Sau khi bị liệt phải ngồi xe lăn, anh Huệ rất vất vả để đi lại. Con Nô lúc đó còn nhỏ, tầm gần 1 năm tuổi. Sực nghĩ tới chuyện những con chó kéo xe ở Bắc cực, Huệ thử ngay việc này cho con Nô.
Anh kể: “Những ngày đầu nó không biết kéo, lùi đi, giật ngang giật dọc vất vả lắm. Rồi từ từ nó cũng thạo dần, chỉ tội kéo một mình, đường sá trên đảo lúc đó chỉ toàn đường đất chứ không đổ bê tông như bây giờ”.
Một năm sau, Huệ đưa thêm con chó Pho về cùng huấn luyện kéo xe với con Nô.
Giống chó ở đảo Lý Sơn người nhỏ thó nhưng chắc khỏe. Trong đàn 4 con thì có 2 con là còn nhỏ. Con Út mới 2 tuổi. Con Samba lông màu trắng mới chưa tròn 1 tuổi.
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-3
 Từ phải qua là chó Nô đầu đàn, con Út, Samba và chó Pho- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Đàn chó gắn bó với Huệ lắm, nhất là con Nô. Nó cứ quấn quýt lấy anh, thỉnh thoảng thè cái lưỡi nóng rẫy liếm khắp đôi chân teo của chủ, mắt lim dim chờ bàn tay vuốt ve. Tính nó ít nghịch ngợm. Đôi mắt lúc nào cũng trầm tư. Mắt nó ít khi mở to. May là cái vệt lông trắng ở mõm làm khuôn mặt nó sáng lên tí xíu so với cái thân hình tròn chắc, vàng khè của nó.
Ở trên đảo này, dường như mỗi lần ‘đi công vụ’ của con Nô là một lần quan trọng, nhìn nó như một người cai đội với trọng trách bảo vệ và chăm sóc cho chủ nhân. Nó chăm chỉ cho từng bước chạy và hướng dẫn bầy chó kéo xe cho đúng cách. Nó tận tụy cho công việc của mình chứ không màng đến việc khác.
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-4
Hình ảnh người đàn ông tật nguyền và đàn chó kéo xe đã thành gần gũi với người dân trên đảo chục năm nay- Ảnh: Lê Đình Dũng. 
Trong quan hệ với lũ chó thuộc sự quản lý của mình, nó tự cho phép mình có quyền như thế, con Nô rất kỹ và nghiêm khắc.
Pho là đứa ham đi chơi và tán tỉnh nhiều chó cái trên đảo nhất, Nô để ý con này nhất vì tuổi nó cũng gần lớn như mình, hễ thấy con Pho mải chơi về muộn là nó gầm gừ chực cắn. Những lúc như vậy, con Pho nhanh ý nhảy gọn vào người anh Huệ để cầu cứu.
Có lẽ con Pho đã lớn tuổi nên Nô mới để ý và đưa vào phép tắc. Còn tụi con Út với con Samba còn nhỏ tuổi, Nô không chấp nhặt. Tụi nó đi chơi cũng tự biết đường về sớm, Nô nằm lim dim hóng nắng, không thèm để ý.
Con Samba nhỏ tuổi nhất đàn nhưng cũng học việc nhanh nhất. Toàn thân nó lông trắng, lai vài đám vàng trên đầu và cổ. Chân nó to và chắc khỏe hơn những đứa anh. Vì chưa thạo việc nên nó được bố trí đi giữa. Hai con Pho và Út kẹp hai bên hướng dẫn.
Nô đã già, anh Huệ cho nghỉ kéo, chỉ chạy dẫn đường và hướng dẫn cả bầy. Có nhiều lúc con Út mãi nghĩ, chạy áp vào hàng rào nhà người ta, Nô phải chạy lại cắn đẩy nó ra đi cho đúng đường.
Đảo Bé cũng là địa phận hành chính xã An Bình (1/3 xã của huyện đảo Lý Sơn) với 129 hộ/497 khẩu. Từ đảo lớn Lý Sơn qua đảo Bé chừng 30 phút đi ca nô. Nhưng với anh Huệ, đó là một khoảng cách xa vời vợi kể từ khi đôi chân bị phế.
Anh kể: “Nhà có 4 anh em trai, 6 chị em gái, tất cả đều đã lấy vợ gả chồng, phần lớn sống bên đảo lớn. Chỉ còn hai mẹ con côi cút sống bên đảo Bé này. Nhiều lúc cũng muốn qua lại thăm anh chị em nhưng chân không đi được, tàu bè rất khổ sở nên chỉ bảo con Nô kéo ra cầu tàu đứng, nhìn sang Lý Sơn, nhìn khách ra vào đảo cho đỡ buồn”.
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-5
 Những lúc buồn, anh Huệ và đàn chó lại ra cầu tàu ngóng về Lý Sơn- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Nguoi dan ong va dan cho tren dao Ly Son-hinh-anh-6
 Tác giả và anh Huệ bên đàn chó đáng yêu.
“Anh cô đơn?”. “Lúc trẻ, tôi cũng có yêu một cô gái. Nhưng sau đi biển bị tai nạn thành phế nhân rồi, tôi không muốn làm khổ người yêu, khuyên cô ấy đi lấy chồng. Ai lớn lên chẳng muốn dựng vợ gả chồng. Mẹ già cũng muốn có mụn cháu mà bồng bế nữa. Nhưng số phận nó vậy. Tôi ở cũng thành quen. Giờ hai mẹ con côi cút trong nhà may lưới, nuôi cua đá kiếm thêm thu nhập đỡ đần nhau”.
Hiện, anh Huệ là người duy nhất trên đảo Bé nuôi được cua đá trong nhà. Anh nuôi cua đã được 10 năm nay. Mỗi vụ nuôi được 2-3 tạ cua đá, 1 kg bán 300 ngàn đồng. Chưa trừ các chi phí, tiền cua giống, mỗi năm xuất cua, tổng tiền về khoảng 100 triệu đồng. Những lúc rảnh rỗi, anh lại nhận may lưới cho bà con trong vùng. Vá nhanh thì 5 ngày được 1 tấm lưới, được trả công 500 ngàn.
Bầy chó kéo người đàn ông chạy tung tăng khắp một góc đông nam hòn đảo, nơi những người dân đảo Bé quần tụ sinh sống. Theo thói quen, con Nô đầu đàn cứ thỉnh thoảng ghé vào gốc cây hoặc cột điện tè một bãi đánh dấu đường đi. 
Con Pho chạy điềm nhiên theo thói quen 9 năm nay. Ở giữa, con Samba lông trắng thỉnh thoảng loạng quạng, chạy lộn ra bên ngoài. Con Út thỉnh thoảng lơ đễnh kéo cả đàn áp vào bụi cây. Những người đảo Bé đang nhặt cây tỏi đầu vụ dưới bóng cây cười ngất. Những chú chó và người đàn ông tật nguyền đã quá thân thương với họ.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đàn ông và đàn chó trên đảo Lý Sơn