Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.
Kiến thức - Học thuật

Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc

Anh Tú 01/05/2024 17:00

Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

catvang.jpg
Cát vàng phủ đầy bầu không khí Tokyo

Các chuyên gia Nhật cảnh báo nếu gần đây người dân bị ngứa mắt hoặc cảm thấy ngứa ran ở cổ họng nhưng không phải vì bị dị ứng với phấn hoa, có thể họ đang gặp một phiền toái theo mùa khác: dị ứng cát vàng.

Mặc dù nhiều người biết về sự xuất hiện của cát vàng hằng năm ở Nhật Bản - còn được gọi là bụi châu Á, hay bụi và bão cát (DSS) - vào mùa xuân, nhưng ít người biết về các dị ứng mà nó có thể gây ra ở một số người, đặc biệt là đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đẩy nhanh vấn đề này trong những năm tới. Dưới đây là những điều bạn cần biết về dị ứng cát vàng và những gì bạn có thể làm để bảo vệ bản thân.

Cát vàng là gì và khi nào nó đến?

Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5, và thỉnh thoảng trong cả những tháng mùa đông. Đó là một hiện tượng tự nhiên tái diễn, thậm chí còn được ghi lại trong một y văn cổ của Trung Quốc cách đây gần 2.000 năm.

Đặc biệt, sa mạc Taklamakan, sa mạc Gobi và cao nguyên hoàng thổ là nguồn cung cấp cát vàng chính. Hằng năm, các hạt bụi mịn được gió thổi tung lên không trung vài nghìn mét và di chuyển về phía đông. Theo Bộ Môi trường Nhật, nghiên cứu gần đây cho thấy bụi châu Á di chuyển nhiều ngày qua Thái Bình Dương để đến Bắc Mỹ.

Phó giáo sư Kazunari Onishi, nhà dịch tễ học môi trường tại Đại học Quốc tế St. Luke cho biết: Mặc dù ban đầu đây là một hiện tượng tự nhiên, nhưng quá trình công nghiệp hóa ở các thành phố cùng với hoạt động nông nghiệp ở Trung Quốc (như đốt rơm rạ sau thu hoạch) đã làm trầm trọng thêm không khí bẩn, kết hợp với cát vàng tạo thành ô nhiễm không khí xuyên biên giới,.

Ngày nay, các hạt bụi chứa hỗn hợp các chất chứ không chỉ chứa mỗi vài khoáng chất vốn có trong cát vàng. Các chất như amoni, axit sulfuric và ion axit nitric đã được phát hiện, cho thấy khả năng các hạt mịn hấp thụ các chất ô nhiễm do con người tạo ra khi chúng di chuyển trong không khí.

Nạn bụi cát vàng có thường xuyên đến Nhật Bản không?

Bụi cát vàng thay đổi rất nhiều theo năm. Dữ liệu do Cơ quan Khí tượng thu thập từ năm 1967 đến tháng 3 năm nay cho thấy số ngày chứng kiến cát vàng ở 11 địa điểm trên khắp Nhật Bản dao động từ 0 đến 38 ngày mỗi năm.

Ví dụ, vào năm 2023, cát vàng được phát hiện vào sáu ngày trong tháng 4, ba ngày trong tháng 11, hai ngày trong tháng 5 và tháng 12, và một ngày trong tháng 3.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia hồi năm 2002, Nhật Bản mỗi năm phải hứng chịu khoảng 1 đến 5 tấn cát vàng trên mỗi km vuông. Khi nồng độ cát vàng tăng cao, bầu trời trở nên mờ mịt, ô tô ngoài trời bị phủ đầy bụi màu vàng. Và mặc dù cảnh tượng như vậy phổ biến hơn ở miền tây và miền nam Nhật Bản, nhưng phần phía đông và phía bắc của đất nước mặt trời mọc cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với hiện tượng đó.

Nó có thể gây ra những vấn đề sức khỏe gì?

Phó giáo sư Onishi giải thích rằng con người có thể bị dị ứng với các khoáng chất gốc có trong cát vàng hoặc các chất ô nhiễm do con người tạo ra do gió tây mang theo. Những thứ này có thể gây ngứa mắt, hắt hơi, sổ mũi và ho, có thể làm tăng thêm các triệu chứng sốt cỏ khô với người mẫn cảm với bụi và phấn hoa.

Một số người có thể bị kích ứng và viêm da do kim loại nặng - niken, cadmium, canxi, chì và sắt - có trong cát vàng. Nó cũng làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp và làm nặng thêm các triệu chứng ở những người mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là trẻ em và người già. Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có thể xuất hiện tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó thở.

Onishi cho biết cát vàng cũng có thể liên quan đến tỷ lệ đột quỵ và nhồi máu tim cao hơn. Ông cho biết: “Người già và những người có tiền sử bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch khi tiếp xúc với cát vàng”.

Sự khác biệt giữa cát vàng và bụi PM2.5 là gì?

PM2.5 đề cập đến bất kỳ hạt nào trong không khí có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống (1 micromet là một phần nghìn milimét). Theo Bộ Môi trường Nhật, nhiều hạt cát vàng bay tới Nhật Bản có kích thước khoảng 4 micromet, mặc dù cũng có hạt nhỏ hơn 2,5.

Do kích thước nhỏ, các hạt PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi và được cho là tàn phá sức khỏe con người bằng cách làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch cũng như ung thư phổi.

Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề?

Một số nhà nghiên cứu nghĩ như vậy. Phó giáo sư Onishi trích dẫn một giả thuyết nêu việc nhiệt độ ấm lên là nguyên nhân khiến nhiều bụi châu Á bay tới Nhật Bản hơn. Ở những vùng khô hạn như Mông Cổ, mưa và tuyết cũng tạo ra rãnh, vũng tạm thời nhưng nước ở đó có khả năng bốc hơi cao hơn so với nước ở những vùng ẩm ướt. Khi rãnh và vũng khô cạn, các hạt bụi mịn gần bề mặt bị lộ thiên và gió sau đó sẽ thổi bay những hạt bụi này đi xa. Sự nóng lên toàn cầu có thể tăng cường quá trình này, làm tăng quy mô của bão cát và nồng độ cát vàng bay tới Nhật Bản.

Có thể làm gì để điều trị và ngăn ngừa dị ứng cát vàng?

Onishi cho biết việc điều trị dị ứng cát vàng cũng tương tự như điều trị dị ứng phấn hoa, trong đó các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm bớt các triệu chứng riêng lẻ, chẳng hạn như thuốc ho để trị ho và thuốc dạng hít cho bệnh hen suyễn để ức chế viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, không giống như bệnh sốt cỏ khô, không thể dùng thuốc chỉ định riêng đối phó các chất gây dị ứng từ cát vàng. Lý do bụi cát chứa hỗn hợp các chất ô nhiễm.

Trong những trường hợp như vậy, Onishi kêu gọi mọi người tránh tiếp xúc với cát vàng bằng cách giảm thiểu hoạt động ngoài trời tại những nơi dự kiến có lượng cát vàng cao và chỉ mở cửa sổ hoặc phơi đồ bên ngoài vào những ngày dự báo không có cát vàng.

Ngoài ra, dùng loại khẩu trang vừa khít như N95 có thể làm giảm đáng kể khả năng tiếp xúc với cát vàng. Còn đối với máy lọc không khí thì cần kiểm tra xem chúng có khả năng lọc được các hạt cát vàng hay không.

Nói chung, nếu bạn có ý định đi du lịch Nhật trong thời gian này thì việc đem theo khẩu trang N95 cũng không thừa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc