Theo cục phó Cục Cảnh sát giao thông, người trúng đấu giá cả ba biển số đẹp với các mức 13 tỉ, 14,12 tỉ và 32,34 tỉ đến nay đều chưa nộp tiền, mà vẫn đang liên hệ với cục để “tìm hiểu các bước tiếp theo”.
Ngày 2.10, tại cuộc họp báo quý 3/2023 do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - cục phó Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã chia sẻ vấn đề liên quan kết quả đấu giá biển số đẹp và một số người trúng đấu giá vài chục tỉ có "bỏ cọc" hay không.
Theo Thiếu tướng Đức, từ ngày 15 đến 30.9, có 493 biển số đẹp được đưa ra đấu giá, dự thu về 214 tỉ đồng. Hiện đã có 76 người hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 16 tỉ đồng và 3 khách hàng đã đến đăng ký xe.
Trong các phiên đấu giá, buổi đầu tiên (15.9) gây chú ý nhiều nhất về mức tiền được trả qua 11 biển số, tổng cộng hơn 82 tỉ đồng. 5 người đã nộp tiền. Ông Đức cho biết trong 6 người chưa nộp, ba người trúng đấu giá biển số 51K-888.88 (32,34 tỉ đồng), 30K-567.89 (13 tỉ đồng) và 30K-555.55 (14,12 tỉ đồng) đã liên hệ với Cục Cảnh sát giao thông để "tìm hiểu các bước tiếp theo về quy trình, thủ tục pháp lý".
Ông Đức không nói rõ về thời hạn cuối cùng những người trúng đấu giá phải nộp tiền nhưng cho rằng điều này phụ thuộc "sự tự tôn pháp luật và danh dự của khách hàng", bên cạnh quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đã được giao kết trước khi tham gia đấu giá.
Từ 15 đến 29.9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết đã tổ chức đấu giá hơn 490 biển số và trong 17 ngày tới sẽ đưa ra tiếp 1.500 biển. Danh sách biển số được niêm yết công khai.
Những ngày đấu giá vừa qua, nhiều lần hệ thống hiện ra kết quả "trúng đấu giá là 0 đồng". Cục Cảnh sát Giao thông giải thích đây được xác định là cuộc đấu giá không thành, không xác định được người trúng, nghĩa là có nhiều hơn một người đăng ký tham gia đấu giá nhưng không ai trả giá. Biển số vì thế sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để cấp ngẫu nhiên theo quy định.
Cách nay hơn nửa tháng, từ 9 đến 17 giờ ngày 15.9, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô tô phiên đấu giá thứ nhất, bao gồm 11 biển số xe ô tô của 10 tỉnh, thành phố: 19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A-799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89.
Theo đó, giá trúng đấu giá biển số xe ô tô cao nhất tính đến cuối giờ chiều ngày 15.9 là 32,34 tỉ đồng (biển 51K-888.88 của TP.HCM). Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là biển số xe có giá trúng đấu giá cao nhất.
Tuy nhiên, đến hết ngày 1.10 là đã hết thời hạn 15 ngày để nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá nhưng vẫn chưa có thông tin về người trúng đấu giá nộp tiền.
Theo quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá.
Bộ Công an sẽ gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, bộ sẽ cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Vậy chế tài nào cho người không nộp tiền trúng đấu giá là vấn đề được dư luận quan tâm.
Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định rõ, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.
Cũng theo Nghị định 39, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.
Người trúng đấu giá biển số xe và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.
Trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá mà phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử qua hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an. Thời hạn gửi là trong 15 ngày kể từ ngày phát xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.