Báo điện tử Một Thế Giới xin trân trọng giới thiệu bài sau đây của nhà báo Quốc Phong cùng một người bạn là kỹ sư tên lửa xung quanh vấn đề vũ khí quân sự nhà Tây Sơn hồi thế kỷ 18.

Nhà Tây Sơn thắng quân Thanh nhờ công nghệ quân sự Việt

16/04/2019, 17:41

Báo điện tử Một Thế Giới xin trân trọng giới thiệu bài sau đây của nhà báo Quốc Phong cùng một người bạn là kỹ sư tên lửa xung quanh vấn đề vũ khí quân sự nhà Tây Sơn hồi thế kỷ 18.

Theo sử sách nước nhà, thiên tài quân sự Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792) đã được thế giới ghi nhận như một nhà cầm quân mưu lược đại tài. Ngoài ra, ông còn là một nhà chính trị, một nhà kinh tế với nhiều cải cách kỳ tài. Điều thú vị ở nhân vật này còn ở chỗ, ba anh em ông là những vị anh hùng áo vải dấy binh khởi nghĩa, thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài sau 200 năm đất nước bị chia cắt. Ba anh em nhà Tây Sơn có công rất lớn đánh tan giặc Xiêm ở phía nam và giặc Mãn Thanh ở phía bắc, bảo vệ giang sơn Đại Việt vững chắc.

Tuy nhiên, dù sử sách cũng từng đề cập chuyện ông đánh quân Thanh có những vũ khí rất đặc biệt, tiêu diệt một lực lượng địch vô cùng lớn, nhưng có lẽ lâu nay người ta chỉ nghĩ ông là người sinh ra và lớn lên trên đất võ Tây Sơn, Bình Định nên liên tưởng việc ông đánh giặc bằng võ nghệ cao cường mà ít ai nghĩ rằng, ông còn là một thiên tài về công nghệ quân sự của nước nhà, nó vượt trội hoàn toàn so với vũ khí của quânThanh. Đó là những quả hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh, những tên lửa, súng phun lửa, lao phóng lửa đầy hãi hùng đối với kẻ xâm lược khiến chúng hoảng sợ.

Mới đây, tôi có dịp được gặp lại một người bạn, sau lần gặp nhau tại Singapore dự khán trận bóng đá của đội tuyển U.23 Việt Nam tranh giải SEA Games. Anh vốn là kỹ sư quân sự tốt nghiệp tại Học viện Kỹ thuật quân sự của Tiệp Khắc (cũ) và ở lại làm việc bên đó nhiều năm. Anh có bằng sáng chế về cánh tên lửa, được bảo hộ quyền sáng chế tại Cộng hòa Czech trước khi làm việc cho một tập đoàn sản xuất tên lửa tại châu Âu những năm gần đây. Anh tâm sự say sưa cùng tôi trong nhiều giờ và cũng rất muốn được trao đổi cùng mọi người, những ai quan tâm vấn đề mang tính khoa học nói trên.

Nhà báo Quốc Phong và bạn

- Lý do gì khiến anh, một kỹ sư chế tạo vũ khí đã xa Tổ quốc trên ba chục năm mà vẫn say mê tìm hiểu và yêu thích lịch sử Việt Nam, trong đó có triều đại Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và hơn thế còn đau đáu ngẫm nghĩ, tìm hiểu tỉ mỉ đến như vậy?

- Như anh biết, tôi là dân nghiên cứu sản xuất vũ khí tên lửa, từng được nhà nước cử đi du học về quân sự tại Tiệp Khắc. Do có biến cố lớn về chính trị của nước bạn, tôi không về nước mà vẫn ở lại học tiếp rồi xin làm việc bên đó cho đúng ngành, mà bạn thì cũng đang có nhu cầu tuyển dụng.

Thú thực với anh, nhà tôi ở khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Nó ở ngay sát bên gò Đống Đa. Ngay từ lúc tôi 5 tuổi, hằng năm, cứ vào ngày Lễ hội gò Đống Đa nhằm ngày mùng 5 Tết, tôi đều rất háo hức và đòi bằng được bố tôi, một cán bộ cao cấp trong quân đội đưa qua bên kia đường để dự Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ông cũng chiều tôi vì có lẽ ông cũng thấy con mình say mê tìm hiểu lịch sử, âu cũng là điều tốt.

Và mùng 5 Tết vừa rồi (Kỷ Hợi), cũng như bao nhiêu năm trước đây, tôi có tham dự lễ hội. Nhưng lần này có khác chút, cùng đi với tôi là một tiến sĩ về tên lửa Predrag Milos, ông là trưởng phòng của tôi và là người Cộng hòa Serbia (một nước thuộc Nam Tư cũ). Tất nhiên, tôi rất tự hào giới thiệu với ông về lịch sử hào hùng của dân tộc mình với chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Tôi miêu tả cho ông biết xác quân Thanh ngày đó được chôn thành 13 gò đống, tinh thần chiến đấu quật cường và tài quân sự của vua Quang Trung cùng với lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân nước Đại Việt. Bao nhiêu năm trôi qua, trên khán đài vẫn là màn múa võ với gươm giáo của đội quân Tây Sơn.

Ông Tây tiến sĩ về tên lửa là trưởng phòng của tôi đã ngắt lời tôi: "Thế quân Việt Nam (Đại Việt) các bạn đánh quân Thanh bằng thứ vũ khí gì mà quân giặc chết nhiều thế? Nghe bạn nói thì đến tận 14 vạn người, lại chỉ trong 5 ngày? Rồi đội quân nhà Thanh và cả nước Trung Hoa cực mạnh thời đó phải sợ đến mất mật, sẵn sàng dâng hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cho Đại Việt là sao? Chắc là không phải bằng gươm giáo và đấu võ như trên vũ đài kia chứ? Vì tôi thấy nói chết nhiều như thế chắc chắn không thể dùng gươm giáo được mà phải là vũ khí giết người hàng loạt. Thế Việt Nam các bạn đã có vũ khí giết người hàng loạt ngay từ thời đó rồi à? Hay đó chỉ là truyền thuyết mà thôi?”.

Ừ nhỉ! Rõ là từ bé tới lớn, trong các trang sách lịch sử chúng ta đều được học về tài năng quân sự của Hoàng đế Quang Trung, về tinh thần yêu nước của nhân dân với gươm giáo, võ nghệ của nhà Tây Sơn mà làm nên chiến công hiển hách. Quân xâm lược Thanh bị bất ngờ nên chết rất nhiều, nhiều đến độ xác chôn thành 13 gò đống, v.v... như mọi người đều biết.

Giờ đây, lần đầu tiên tôi bất chợt nhận ra điều sau lời ông bạn kia nói và phải suy nghĩ như lời thắc mắc của đồng nghiệp tôi hôm đó. Vì sao mà quân Thanh chết nhiều đến thế chỉ trong một vài đêm? Và với kiến thức của một kỹ sư vũ khí có nhiều năm tham gia phát triển vũ khí tên lửa, tôi chợt nhận ra một điều hiển nhiên về mặt kỹ thuật: quân Thanh chắc chắn không phải chỉ bị giết bằng gươm giáo, bằng võ thuật của quân Tây Sơn. Chả nhẽ chúng cứ giơ cổ ra mà chờ quân Tây Sơn chém chết mà không chống cự gì hết à?

Tôi cố đọc kỹ lại lịch sử thì thời vua Càn Long (Trung Hoa) là thời kỳ cực thịnh về quân sự và kinh tế. Vì thế nên biết quân Thanh cũng “máu" lắm chứ!

Trung Hoa thời đó họ mở rộng lãnh thổ rất nhiều và quân Thanh chắc chắn về khoản gươm giáo phải rất thiện chiến. Thêm một điều nữa, quân Thanh hoàn toàn không bị bất ngờ vì chính vua Quang Trung đã buộc phải dừng lại ở Nghệ An tuyển thêm quân. Vì thế, quân Thanh đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp chiến quân Tây Sơn khi chúng ta vào đến cửa ngõ thành Thăng Long là Ngọc Hồi. Thế nhưng, như mọi người đều biết, 29 vạn quân Thanh bị thua trận, trong đó có hàng chục vạn quan quân bị giết và bị thương. Nghĩa là chết đến một nửa quân số (tức là 14 vạn mạng người) chỉ trong có 5 ngày. Nó chẳng khác gì là một vụ thảm sát cả.

- Ý anh là thứ vũ khí này rất “khủng”, gây tổn thất hoàng loạt là có gì đó khiến cho việc ta thắng quân Thanh cũng không phải là điều gì đáng ngợi ca?

- Tôi hoàn toàn không có ý đó! Tôi chỉ muốn tìm hiểu về một sự thật mà chưa được nhiều nhà quân sự để tâm nghiên cứu, đi sâu, mổ xẻ cho ra vấn đề. Từ đó chúng ta cùng học tập, tham khảo cách đánh của cha ông mình bằng công nghệ vũ khí rất bất ngờ và rất tài tình này để thêm tự hào về Hoàng đế Quang Trung. Vấn đề ở chỗ là qua đó đã cho thấy dân tộc chúng ta tiếp cận công nghệ quân sự quá giỏi từ vài trăm năm nay. Đúng là quá sớm, rất đáng nể!

Giải mã bí kíp thắng đậm quân tướng nhà Thanh theo hướng này tuyệt nhiên không hề hạ thấp tinh thần quật cường, thượng võ của quân Tây Sơn mà tôi chỉ muốn tôn vinh họ hơn lên bởi sự thông minh tuyệt vời của quân sĩ nhà Tây Sơn. Họ có trình độ công nghệ quân sự vô cùng tuyệt hảo và đặc biệt, khiến loài người càng thêm thán phục sự thông minh tuyệt vời của dân tộc ta. Thán phục vũ khí "made in Vietnam" của chúng ta.

Tôi đọc lại lịch sử rồi đọc lại các thông tin ít ỏi của nhà Thanh thời đó bằng sách của nước ngoài họ viết về nước Trung Hoa thua trận quân Tây Sơn của Đại Việt ta ra sao. Thông tin của các giáo sĩ truyền giáo (vì các văn bản thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn xóa hết rồi). Tôi đã phân tích tất cả các trận đánh của quân Tây Sơn thì phát hiện ra điều vô cùng thú vị: đúng là quân Thanh tại trận Đống Đa và trước đó là trận Ngọc Hồi, đã bị thảm sát hàng loạt theo đúng nghĩa đen bởi thứ vũ khí hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh.

Nguyên lý hoạt động của nó không khác gì mấy so với bom nhiệt áp, là loại vũ khí sát thương hàng loạt thời nay. Cụ thể sau đây là các sách cổ nói về hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa:

Sách An Nam quân doanh kỷ yếu của viên quan nhà Thanh là Trần Nguyên Nhiếp viết về trận này như sau: “Trên lưng mỗi con voi có ba bốn tên quân giặc chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa”. Tướng nhà Thanh Trần Gia Ôn trong một trận chiến giáp lá cà với quân Tây Sơn sau khi về nước đã hốt hoảng tâu lên hoàng đế nhà Thanh rằng: "Nó (chỉ hỏa hổ-hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu"...

Về hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh đã được xuất hiện từ trước, lúc đó có tên gọi là hỏa cầu bí pháp. Sách Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ có 1 mục riêng về loại hỏa khí này. Theo đó, hỏa cầu bí pháp có dạng hình cầu, được làm bằng kim loại rỗng ruột để chứa thuốc nổ, chất cháy (lưu huỳnh), mảnh gang, sắt vụn cũng như các quả cầu con để gây cháy nổ dây chuyền. Ở phía bên trên của quả cầu có ngòi nổ, trông như ngòi pháo, khi sử dụng chỉ cần châm ngòi nổ và ném về phía quân giặc.

Tóm lại, theo tôi, vua Quang Trung bách chiến, bách thắng là nhờ có vũ khí với công nghệ vượt trội so với kẻ thù. Vua Quang Trung xây dựng một đội quân chủ yếu dùng vũ khí nóng (lựu đạn nhiệt áp, tên lửa, pháo, súng phun lửa super napalm, lao phóng lửa, v.v..).

Giải mã bí mật cái chết như rạ của quân Thanh ở gò Đống Đa năm xưa là do quân Thanh bị chết hàng loạt vì ngộp thở tức thời chính là bởi hỏa cầu của quân Tây Sơn gây nên hiện tượng không có oxy trong không khí. Nó tương tự vũ khí giết người hàng loạt là bom nhiệt áp sau này và đang bị nhiều nước cấm thời nay.

Chiến thắng quân Thanh là chiến thắng công nghệ quân sự Đại Việt với Trung Hoa. Việt Nam thời đó ở đỉnh cao công nghệ quân sự và đã cho thấy nó thật sự vượt trội so với Trung Hoa .

Vua Quang Trung mất đi mang theo nhiều bí mật về sản xuất vũ khí là một tổn thất lớn. Nó có thể là một trong những yếu tố dẫn đến sự suy yếu của vương triều nhà Tây Sơn sau này.

- Với tư cách của người nghiên cứu chế tạo tên lửa, anh có thể nói kỹ hơn về khía cạnh kỹ thuật của thứ vũ khí này?

- Có lẽ ngày xưa nhà Thanh khi đang xâm lược Đại Việt cũng không hiểu rõ nguyên lý làm sao mà chỉ với hỏa cầu thôi mà quân Thanh chết nhiều như thế, và hôm nay, với kiến thức của một kỹ sư tên lửa, tôi tìm được ra nguyên lý gây ra cái chết hàng loạt của quân Thanh trong các trận đánh tại cửa ngõ Ngọc Hồi của kinh đô Thăng Long và ngay sau đó là tại Đống Đa như sau:

Hỏa cầu chỉ dùng thuốc nổ đen, sức nổ không mạnh, nhiệt độ cháy không cao nhưng mà lại cực kỳ nguy hiểm vì nguyên lý của nó tương tự như bom nhiệt áp thời nay. Nó có nghĩa là: đầu tiên thuốc nổ đen sẽ nổ và tung ra bột lưu huỳnh vào không khí (hoặc loại bột khác có sức nổ, sức cháy mạnh hơn), sau đó là các quả cầu con sẽ gây vụ nổ tiếp theo để đốt cháy lưu hoàng/huỳnh hoặc là chất gây cháy khác. Lưu huỳnh sẽ sử dụng oxy trong không khí để thực hiện phản ứng cháy nổ này và về nguyên lý thì giống như là bom nhiệt áp thời nay.

Khi lưu huỳnh bị cháy như thế sẽ dẫn đến hiện tượng là hút khí vào đám cháy, và nguy hiểm hơn là đốt toàn bộ oxy có trong không khí lúc đó. Khói lưu huỳnh lại thấp, nó không bay đi chỗ khác nên trong đám khói đó không có một chút oxy nào. Nhiệt độ trong đám cháy lưu huỳnh đó là rất cao vì nhiều quả cầu lưu hoàng nổ cùng một lúc. Quân Thanh sẽ bị ngộp thở vì phổi không có oxy mà chỉ có khói độc trong vòng 2 phút. Hiện tượng đầu tiên là sẽ bị ngất và 5 phút sau sẽ chết.

Với một số lượng lớn người tập trung trong một không gian nhỏ hoàn toàn không có oxy thì cái chết sẽ đến rất nhanh. Quân sĩ Quang Trung không phải là quá đông. Nếu đánh bằng võ hay gươm giáo, dù có đánh kiểu gì thì sự mất mát cũng không quá chênh nhau lắm. Người ngồi trên mình voi cao hơn hẳn tấm thảm khí lưu huỳnh nên vẫn còn có oxy để thở và tiếp tục ném, phóng hoặc bắn hỏa cầu lưu hoàng về phía quân Thanh đúng như những gì mà sử sách nhà Thanh viết.

Theo tính toán của tôi thì chỉ cần 3 phút trong đám lửa lưu huỳnh đã là cầm chắc cái chết. Và với quân Thanh thì không có cách nào địch được hỏa cầu của quân Tây Sơn trừ khi biết trước thì mới có thể tìm cách hạn chế.

Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử vì sợ nhục mà nếu không treo cổ nhanh thì cũng chết ngạt sớm. Quân Tây Sơn chắc rằng cũng chưa phải ra tay dùng gươm giáo để giết giặc Thanh vì chúng đã sớm ngất hoặc chết tức tưởi trong đám khói lửa chứa lưu huỳnh rồi. Tôn Sỹ Nghị đã đúng khi nói là một quả hỏa cầu thì không có gì đáng sợ chỉ cần tránh đi thôi nhưng với một loạt hỏa cầu như thế thì oxy sẽ không còn nữa và quân Thanh sẽ chết vì ngạt rất nhanh.

Đấy là theo sách cổ thì chất cháy nổ thứ cấp là lưu huỳnh, hậu quả đã như thế nhưng nếu chất nổ thứ cấp là chất mạnh hơn lưu huỳnh thì hậu quả còn khủng khiếp hơn. Rất có thể là vua Quang Trung có một chất nổ thứ cấp bí mật gì đó còn mạnh hơn rất nhiều lưu huỳnh nên mới tự tin về vũ khí của mình như thế. Mấu chốt kỹ thuật và phát minh rất lớn ở đây khiến cho hỏa cầu có uy lực còn hơn xa lựu đạn thời nay. Lựu đạn thời nay giết người bằng mảnh và sức ép không khí nên cần phải có thuốc nổ đủ mạnh, còn hỏa cầu lưu hoàng/huỳnh thời đó không cần sức mạnh của thuốc nổ mà dựa trên nguyên lý đốt chất cháy với ô xy trong không khí gây ra nổ thứ cấp, hút khí và làm không khí không có oxy gây nên hiện tượng đốt người và ngộp thở.

Vua Càn Long nhà Thanh, một ông vua có lẽ là thành công nhất triều Thanh, hẳn ông ta biết rất rõ là nếu quân Thanh mà đánh nhau nữa với quân Đại Việt thì sẽ lại bị thảm sát tiếp như trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa .

Lật lại lịch sử chiến dịch tiêu diệt quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung, tôi nhận thấy một điều là hình như các nhà sử học của ta đã bỏ qua một điều có lẽ là then chốt: Vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh chủ yếu là nhờ sự thông minh, táo bạo kèm theo đó là có vũ khí hết sức hiện đại, có công nghệ quân sự vượt trội so với nhà Thanh.

Vua Quang Trung biết chắc chắn rằng với vũ khí tối tân của mình như thế thì việc tiêu diệt quân Thanh chỉ kết thúc trong vòng mấy ngày mà thôi. Tất cả diễn biến của chiến dịch tiêu diệt quân Thanh và những trận đánh trước đó của Vua Quang Trung đều chứng tỏ đúng như thế!

- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị. Chúng ta cũng hy vọng rồi đây, các nhà sử học quân sự cùng các nhà kỹ thuật quân sự nên chăng cùng đầu tư thời gian nhiều hơn cho việc nghiên cứu nội dung trên để cùng nhau làm sáng tỏ những vấn đề đó với giác độ của giới khoa học, kỹ thuật quân sự nhìn nhận.

- Tôi xin được qua nhà báo truyền tải một thông điệp cho người đọc: Vua Quang Trung đã tập trung các thợ khéo Việt Nam, sản xuất ra những thứ vũ khí khủng nhất thế giới thời đó. Ông đã tổ chức quân đội chủ yếu dùng vũ khí nóng với cách đảm bảo kỹ thuật và phương thức tác chiến dựa trên nền tảng vũ khí khủng và chiến thắng dễ dàng tất cả các kẻ thù hùng mạnh thời đó như hải quân Pháp Manuel, quân Xiêm (Thái Lan), quân Trung Hoa. Đó là bản chất của khởi nghĩa Tây Sơn theo ý kiến của tôi.

Quốc Phong (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Tây Sơn thắng quân Thanh nhờ công nghệ quân sự Việt