ôi vẫn nhớ như in lần đến phỏng vấn ông cách đây trên chục năm, khi đó ông đang là Trưởng ban Thơ của Báo Văn nghệ. Ngôi nhà của ông ở trong một con ngõ của làng Giảng Võ. Trong ký ức tôi, ông là một người... khó tính, kiệm lời và khiến người đối diện phải dè chừng bởi điều gì nói ra bất lễ đều có thể khiến ông... nóng giận.

Nhà thơ Võ Thanh An: Ẩn mình trong cô đơn tuổi xế chiều

bai cao | 03/10/2016, 19:45

ôi vẫn nhớ như in lần đến phỏng vấn ông cách đây trên chục năm, khi đó ông đang là Trưởng ban Thơ của Báo Văn nghệ. Ngôi nhà của ông ở trong một con ngõ của làng Giảng Võ. Trong ký ức tôi, ông là một người... khó tính, kiệm lời và khiến người đối diện phải dè chừng bởi điều gì nói ra bất lễ đều có thể khiến ông... nóng giận.

Rồi mười mấy năm trôi qua, tôi gặp lại nhà thơ Võ Thanh An, ông đã ở tuổi 75, đối diện với căn bệnh hiểm nghèo (ung thư giai đoạn cuối). Dáng ông gầy, mái tóc bồng nghệ sĩ một thuở nay đã bạc trắng và thưa thớt...

Nhà thơ Võ Thanh An tuổi Nhâm Ngọ (1942) tên thật là Trần Quang Vinh. Võ Thanh An là ghép ba chữ địa danh quê ông: xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 17 tuổi ông ra Hà Nội vào học Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga. Ra trường ông làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô tại Nhà máy điện Uông Bí, là những người đầu tiên có mặt xây dựng nhà máy này. Sau đó ông chuyển về công tác tại Bộ Điện than. Năm 1976, sau khi được giải thưởng thơ Báo Văn nghệ thì ông chuyển hẳn về báo làm việc với một niềm đam mê thơ ca vô tận.

Một trong những người bạn văn chương thân thiết đầu tiên của ông là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Những năm chiến tranh, nhà thơ Phạm Tiến Duật thường xuyên ở trong nhà Võ Thanh An, khi đó mới chỉ là một căn nhà cấp 4 lụp xụp, chật chội 18m2 trong làng Giảng Võ, vì vậy hai nhà thơ có rất nhiều kỉ niệm với nhau. Mọi người trong gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật coi ông như ruột thịt. Hai người từng viết chung cuốn truyện thơ thiếu nhi “Thỏ bay vào hội”.

Người này viết thì người kia biên tập và ngược lại, người kia viết thì người này biên tập. Hồi đầu ông có bút danh là Trình Vân, sau nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo: “Trình với báo cái gì” và đặt bút danh cho ông là Võ Thanh An, với ý nghĩa như đã nói ở trên. Giai đoạn cuối những năm 80, ông nổi tiếng với nhiều bài thơ như "Thằng bờm", "Gửi sao thần nông", "Đi máy bay", “Người đàn bà quay mặt”…

Những năm đó: Võ Thanh An và những người bạn thân thiết như: Phạm Tiến Duật, Hoàng Trần Cương, Đoàn Xuân Hòa… thường xuyên đi đọc thơ cho các trường đại học và được nhiều sinh viên, giáo viên rất yêu thích. Đó là giai đoạn thơ ca được trọng vọng.

Nhắc đến giai đoạn đó trong giọng nói yếu ớt của ông vẫn lóe lên sự hứng khởi, phấn chấn. Ông và những người bạn thơ của mình từng làm rung chuyển những hội trường, giảng đường chật kín sinh viên. Với ông đó là những năm tháng không thể quên trong cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của mình.

Nhà thơ Võ Thanh An vốn nổi tiếng là người thẳng thắn, nóng tính, cực đoan. Cái sự thẳng tính nhiều lúc làm... mất lòng người khác. Vì vậy nhiều người không chịu được cá tính đó, nhưng ai hiểu thì lại rất yêu quý và trân trọng ông. Bạn bè nói ông có ưu điểm đó là phẩm chất xứ Nghệ đậm đặc, không thay đổi được nhưng đó cũng chính là nhược điểm.

Nhà thơ Võ Thanh An có câu nói cửa miệng trước bạn bè là: "Lời nói đọi máu". Với ông mỗi lời nói ra phải thẳng thắn, trung thực, có trách nhiệm. Tuy là người nóng tính, cuồng nhiệt như vậy nhưng thực chất bên trong ông lại là người vô cùng yếu đuối, dễ đổ vỡ.

Dễ vui và dễ buồn. Ông là người không bon chen quyền chức, lợi lộc, dù chỉ bằng một lời nói. Tuy cá tính mạnh như vậy nhưng thực chất ông là người sống cô đơn, cô đơn giữa đám đông, cô đơn giữa bạn bè, cô đơn trong chính căn nhà của mình. Âu cũng là điều dễ hiểu với một con người có tâm hồn thi sĩ như ông.

Trong thơ ông, có nhiều câu đầy sự minh họa cho cá tính của mình: "Giậnmình rậm tiếng, ham lời/ Vui trào nước mắt, buồn thời đậm mi" hay "Lời không được nói ruột đau/ Nghe lời huyễn hoặc mà đầu ủ ê/ Lời khen, lời giận, lời thề/ Một đời bối rối vụng về lời yêu...".

Nhưng song hành với những câu thơ "tự vấn" của một ông "nhà thơ gàn" là những câu thơ đầy tình ý. Đối diện với trang giấy ông là một hồn thơ lãng mạn và đau đớn: "Có một ngày xuân em lỗi lời thề/ Để lá bồ đề rụng như chém gốc/ Có những ngày xuân sụt sùi trời khóc/ Cô đơn hoa, quả héo trong vườn/ Có một mùa xuân nhân danh dại và khôn/ Con chim lẻ đàn kêu sương khắc khoải/ Bay như gió không một lần ngoảnh lại/ Ta mất nhau...".

Những câu thơ ở tận cùng nỗi cô đơn là một khát khao mãnh liệt: "Sáng hôm nay anh ngợp trước nỗi buồn/ Bỗng nhận ra mùa thu về ngoài cửa/ Anh ngờ ngợ, ngọn heo may đáng sợ/ Thổi đến anh từ phía em ngồi/ Dẫu chúng mình đã nói hết với nhau rồi/ Năm tháng như bãi bồi đầy thêm bờ ngăn cách/ Nhưng mùa thu, mùa thu thật đáng trách/ Mùa thu về cứ mách nỗi buồn em/ Với mùa thu anh tha thẩn thâu đêm/ Tìm lại lối quen, tìm về quán cũ/ Phố lạnh lẽo co mình trong giấc ngủ/ Anh cùng mùa thu nhắc lại chuyện xưa".

Nhà thơ Võ Thanh An trong cuộc sống gặp nhiều nỗi buồn và trắc trở. Ông mất vợ khi 60 tuổi, và mất một thời gian dài ông rơi vào trầm cảm. Con trai ông - nhà thơ Trần Vũ Long - hiện đang nối gót cha mình làm việc tại Báo Văn Nghệ cũng là một trong những cây bút trẻ được nhiều người biết đến. Trong tận cùng sâu thẳm, anh đồng cảm với thơ ca và hiểu ông, chăm sóc ông từng ngày.

Nhà thơ Võ Thanh An trong ngày thơ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Khoảng hơn 20 năm nay, đặc biệt sau khi nghỉ hưu, ông gần như sống ẩn mình, ít giao du, chủ yếu đọc sách về đạo Phật. Chính vì đọc Phật mà khi biết mình mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông đã rất thanh thản. Ông đối diện với cái chết như một sự tất yếu trong cuộc đời này. Ông coi đó là sứ mệnh cuối cùng, chặng cuối cuộc hành trình mà ai rồi cũng đến lúc phải hoàn thành khi đã chót sinh ra làm người. Ông bảo, sống đến tuổi 75 chẳng còn gì để mà tiếc nuối nữa cả.Với Trần Vũ Long, cha như một ông thầy khó tính trong sự nghiệp, nhưng cũng là tấm gương mà anh học hỏi. Bởi cả một đời làm thơ, một đời làm báo, cống hiến, nhà thơ Võ Thanh An, nói như lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều "ông không nợ nần ai. Ông không “mưu mánh” gì. Ông đã sống sòng phẳng. Bởi thế mà sau khi về hưu, ông để lại nhiều kỉ niệm đẹp trong lòng bạn bè".

Ông thanh thản bởi những gì mình đã nếm trải trong cuộc đời này, với những gì mà ông đã dâng hiến cho cuộc đời này và với những gì mà ông đã hưởng thụ từ cuộc đời này. Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối với những cơn đau hàng ngày đang khiến ông dần kiệt sức, nhưng ông vẫn chiến đấu với nó rất kiên cường. Giờ đây, hầu như từ sáng đến tối, ông chỉ ngồi lặng im, và thiền trên chiếc ghế tựa để điều hòa những cơn đau.

Suốt mấy chục năm qua, sáng nào ông cũng đứng trước bàn thờ để cúi lạy đức Phật, tri ân tổ tiên, cha mẹ, ít nhiều đã để lại cho ông và gia đình phúc quả của ngày hôm nay. Võ Thanh An là vậy, sống có trước có sau và tình cảm, hiếu nghĩa. Ông bảo mấy chục năm ông không dám về quê bởi ông sợ kí ức cũ, vui có, buồn có, nhưng ngày nào khi đứng trước bàn thờ tổ tiên cha mẹ, hình ảnh quê hương cũng hiện về trong ông.

Ngay cả việc chuyển về ở cùng với con trai tại khu chung cư hiện nay cũng là cả một quá trình gian khó với ông. Bởi ông không muốn xa ngôi nhà cũ đã gắn bó với mình hơn nửa đời người. Mẹ ông đã mất ở đó, vợ ông đã mất ở đó, bao cay đắng, buồn vui cuộc đời ông gắn với ngôi nhà đó. Và có vẻ như những kỉ niệm buồn luôn trú ngụ ở trong ông nhiều hơn. Có lẽ ai đó đã nói đúng: “Nỗi buồn là mẹ đẻ của thi ca”.

Mỗi nhà thơ sinh ra với bổn phận của chính mình, tôi nghĩ rằng, nhà thơ Võ Thanh An cũng đã làm tròn bổn phận với chính mình, với quê hương, làng xóm. Ông đã mang tên cả một quê hương và đã mang bên mình cả một sự nghiệp thơ đáng để trân trọng. Những bài thơ của ông, những câu chuyện của ông vẫn ở lại trong lòng bè bạn với những điều trân quý.

Và quan trọng hơn tất cả, là ông đã truyền lại cho con trai mình, nhà thơ Trần Vũ Long một tình yêu thơ ca trọn vẹn, một tính cách nhiệt thành và chắc chắn, nếu có phải làm tròn nghĩa vụ của một con người trong kiếp sống, sinh lão bệnh tử, thì ông vẫn biết rằng, mình vẫn sống và để lại những dấu ấn, những câu chuyện trong lòng người ở lại.

Theo Trần Hoàng Thiên Kim/VNCA
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà thơ Võ Thanh An: Ẩn mình trong cô đơn tuổi xế chiều