Ngay sau khi UBND Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2021 đến ngày 30.4.2022, Thủ đô có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.

Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt và bài toán giữ chân người tài

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 29/06/2022, 10:38

Ngay sau khi UBND Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2021 đến ngày 30.4.2022, Thủ đô có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.

Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt?

Một trong những nguyên cơ bản dẫn đến tình trạng hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc là do các y, bác sĩ, nhân viên không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đặc biệt khi ngành y tế vừa trải qua đại dịch COVID-19 đầy căng thẳng, các nhân viên ngành y tế phải làm việc liên tục không có thời gian nghỉ ngơi mà đãi ngộ còn hạn chế. Điều này đã dẫn tới hệ quả là nhiều nhân viên ngành Y tế Hà Nội xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.

Trao đổi riêng với phóng viên, chị Nguyễn Thị Minh - một bác sĩ tại một bệnh viện công lập ở Hà Nội cho biết, trong suốt gần 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, chị đã cùng đồng nghiệp trực liên tục tại bệnh viện.

"Bản thân tôi cùng các đồng nghiệp ở khoa truyền nhiễm kiêm nhiệm nhiều việc nhưng lương thì lại không tăng, không có chế độ đãi ngộ khi làm thêm giờ nhiều ngày. Có nhiều người đã tự bỏ khi không chịu nổi áp lực gia đình khi vắng nhà liên tục, khi dịch bệnh tăng cao. Như gia đình tôi, có 2 cháu đang học cấp 2 và cấp 3 cả, chi phí sinh hoạt gia đình khá lớn, chồng cũng đi công tác suốt. Trong những lúc dịch bệnh, mình trực ở bệnh viện gần như xuyên suốt cả tuần trời. Được nghỉ có 1 hôm rồi lại đến viện làm tiếp và tận 2 tuần đến 1 tháng sau mới về được nhà, lại không được tiếp xúc với con cái. Nên vừa qua, tôi đã tự viết đơn xin nghỉ việc để chuyển sang một bệnh viện đa khoa quốc tế để làm việc, phù hợp với bản thân và gia đình, đủ kinh phí để chi trả sinh hoạt gia đình".

benh-vien-y-hoc-co-truyen-trung-uong-3.jpg
Ngành y tế là một ngành vất vả nhất trong thời điểm dịch bệnh

Thực tế, khi Hà Nội bước vào đỉnh dịch COVID-19, nhiều F0 đã phải tự xoay sở điều trị tại nhà khi không liên hệ được nhân viên y tế. Trong khi đó, y bác sĩ cơ sở cho rằng họ phải gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ, "bị quá tải, chịu áp lực rất lớn". Đặc biệt, một số phường, xã ở quận Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... tỷ lệ 5-10 cán bộ y tế trên 30.000 dân, nhiều nhân viên mắc COVID-19 vẫn phải làm việc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.

Trải qua 2 năm dịch bệnh đầy căng thẳng, nhà nước cũng có hỗ trợ cho cá nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn rất thấp chỉ từ 450 ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/1 tháng. Mức hỗ trợ này vẫn được cho là không đảm bảo đời sống cho các nhân viên y tế đủ chi trả trong khoảng thời gian bão giá hiện nay.

Không chỉ ở Hà Nội, mà trước đó ở các tỉnh thành như Bình Phước, TP.HCM... rất nhiều các y bác sĩ đã nộp đơn xin nghỉ việc vì lượng công việc quá tải nhưng lương không đủ trang trải chi phí cuộc sống. Theo Sở Y tế TP.HCM, nhân lực trong ngành y tế thành phố hiện nay là hơn 41.000 người. Hơn một năm qua, với gần 1.400 người nghỉ việc hoặc chuyển từ công lập sang y tế tư nhân, tuy chưa ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, nhưng đã tác động đến sự phát triển chung của ngành y tế. Vì vậy, TP.HCM đang khẩn trương xúc tiến nhiều giải pháp để giữ chân nhân viên y tế.

Đưa ra ý kiến của mình về thông tin hàng loạt các nhân viên y tế nghỉ việc, GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trước đây, chỉ có nhân viên y tế đã về hưu mới ra bệnh viện tư làm. Nhưng hiện nay rất nhiều nhân viên y tế còn trẻ đã chuyển ra bệnh viện tư làm. "Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do lương của nhân viên y tế quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Một lý do khác mà tôi biết ở một số nơi, nhân viên y tế không hài lòng với cách đối xử chưa tốt của bệnh viện nên họ muốn rời đi. Cái thiệt thòi nhất đó chính là uy tín của bệnh viện cũng như sẽ mất đi những bác sĩ chính cho các khoa quan trọng" - GS Khải cho hay.

Còn với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc các nhân viên y tế nghỉ việc chuyển sang các bệnh viện tư nhân là việc bình thường khi nhu cầu sinh hoạt ngày càng lớn.  Cũng có những trường hợp ra đi do yếu tố tâm lý như kiểu tác động dây chuyền, một người đi thì những người khác cũng dao động và tìm cách ra đi. Hoặc có đôi khi các đơn vị khác đang đưa ra những lời mời chào hấp dẫn để lôi kéo họ. Đặc biệt, sau vụ dịch COVID-19 vừa qua, nhân viên y tế phải căng sức làm việc quá vất vả nhưng họ cho rằng đãi ngộ không tương xứng, thậm chí đến nay có nhiều nơi vẫn chưa nhận được tiền trực chống dịch. Bên cạnh đó, áp lực gia đình, nhu cầu tài chính cũng là yếu tố khiến nhân viên y tế bỏ bệnh viện công lập.

Giữ chân người tài: Bài toán khó không chỉ riêng ngành y tế

Trước tình hình này, ông Nga cho rằng, bệnh viện công cũng cần phải thay đổi dần chuyển sang mô hình hợp tác công tư thì y tế mới phát triển được. "Sự việc nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công thúc giục chúng ta cần phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có thể hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, thu nhập tốt lại rời đi cả. Để y tế công phát triển thì cần phải có mức lương xứng đáng. Để giữ chân người tài mà vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người đó là một bài toán khó, không chỉ riêng ngành y tế mà hầu như ở các lĩnh vực đều găp phải" - ông Nga chia sẻ.

covid-14.jpg
Các nhân viên y tế vất vả trong thời điểm chống dịch bệnh

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo tại bệnh viện Bạch Mai cho biết việc các y bác sĩ nghỉ việc ở các bệnh viện một phần do các cơ chế thay đổi, các y bác sĩ muốn làm việc tại các bệnh viện lớn phải nỗ lực hơn rất nhiều vì hiện nay các bệnh viện công lập đa số triển khai tự chủ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các bệnh viện triển khai chăm sóc toàn diện nên đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng rất nỗ lực, vất vả để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Vì vậy, cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên y tế.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thì cho rằng nguyên nhân của việc cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Bên cạnh đó hệ thống điều trị cho bệnh nhân ở các bệnh viện tư nhân cũng rất phát triển để thu hút các y bác sĩ. Tại một số đơn vị tự chủ về tài chính, do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm nên nguồn thu của bệnh viện cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh hoặc chậm trả lương, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để giải quyết bài toán khó này, Bộ Y tế đã động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp. Huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế, nhằm giảm bớt khó khăn. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là những viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc ở các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn.

Bài liên quan
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
Sáng 16.11, tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi động dự án Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc - Sun Serenia Hospital.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt và bài toán giữ chân người tài