Chỉ mỗi Nguyễn Xuân Son, chỉ một cầu thủ Brazil mà "cân" cả nền bóng đá Đông Nam Á và tạo ra cơn sốt nhập tịch.
Thể thao

Nhập tịch cầu thủ: Giải pháp tình thế của bóng đá Đông Nam Á!

Đặng Hoàng 11:49 15/01/2025

Chỉ mỗi Nguyễn Xuân Son, chỉ một cầu thủ Brazil mà "cân" cả nền bóng đá Đông Nam Á và tạo ra cơn sốt nhập tịch.

z6229966668890_28ebbf167488d246d8ce5da02a1fb613.jpg
Thành công từ Xuân Son của ĐTVN đã mở ra xu hướng nhập tịch cầu thủ trong khu vực

Bóng đá là môn tập thể nhưng cho đến lúc này, chắc chắn không có bất kỳ ai phủ nhận đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ khó có thể vô địch ASEAN Cup 2024 nếu thiếu vắng Xuân Son.

Riêng chi tiết Son chỉ cần đá 4 trận + 32 phút trong tổng số 8 trận toàn giải mà Son đoạt hai danh hiệu cá nhân "Cầu thủ xuất sắc nhất giải" và "Vua phá lưới" là đủ hiểu đẳng cấp Son vượt trội ra sao so với mặt bằng ĐNA, dù Son chẳng là gì ở xứ sở Brazil.

Từ hiện tượng Xuân Son, từ chiến thắng gần như tuyệt đối của ĐTVN, xu hướng nhập tịch càng trở nên cấp thiết với bóng đá ĐNA.

Indonesia chơi "tất tay"

Thật ra nhập tịch không phải là câu chuyện mới mà đã xuất hiện từ gần 20 năm trước và Singapore là nền bóng đá thành công với chiến lược này. Tuy nhiên, câu chuyện nhập tịch chỉ thực sự bùng phát khi Indonesia đã có cả một chiến lược nhập tịch của LĐBĐ Indonesia (PSSI) và được chính phủ đồng thuận.

Nhìn lại ASEAN Cup 2024, Indonesia chỉ là đội U21 + 2 khi thiếu vắng đến 14 cầu thủ nhập tịch, tất cả đang đá nước ngoài với 13 người ở châu Âu và 1 ở Mỹ. Do đó Indonesia bị loại từ vòng bảng không có gì ngạc nhiên, thậm chí HLV Shin Tae-yong nói rằng Indonesia sẽ vô địch nếu tham dự với lực lượng mạnh nhất cũng không sai.

Bóng đá Indonesia đang mơ và đang dồn mọi nỗ lực để giành tấm vé tham dự vòng chung kết Wolrld Cup 2024. Họ có quyền hy vọng khi chỉ xếp sau đội Úc nhì bảng 1 điểm mà theo quy định, hai đội đầu bảng C ở vòng loại thứ 3 Wolrd Cup 2026 khu vực châu Á sẽ tham dự VCK World Cup 2026.

Đó là lý do PSSI vừa sa thải HLV Hàn Quốc Shin Tae-yong và thay bằng HLV người Hà Lan Pattrick Kluivert. Dù lý lịch, thành tích trên cương vị HLV của Kluivert không bằng Shin Tae-yong, nhưng Kluivert ưu thế hơn khi giao tiếp trực tiếp với các cầu thủ nhập tịch Indonesia với đa phần là được sinh ra và lớn lên ở Hà Lan.

z6229967342294_9d5429552034b656fb6e926c31ca9d5e.jpg
Pascal Struijk, 1 trong 6 cầu thủ tài năng mà PSSI có kế hoạch nhập tịch

Không chỉ thay HLV trưởng để ổn định phòng thay đồ, PSSI còn ráo riết nhập tịch thêm 6 cầu thủ chất lượng để tăng thêm sức mạnh cho đội tuyển. Đó là Pascal Struijk, Jairo Riedewald, Ole Romeny, Miliano Jonathans, Tristan Gooijer, Emil Audero, trong đó hai người đầu tiên từng thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh cho Leeds và Crystal Palace và hiện nay Struijk vẫn thi đấu cho Leeds ở giải hạng nhất Anh. Ngoài ra thủ môn Emil Audero từng khoác áo cho Inter Milan, Sampdoria, Juventus thi đấu ở Serie A và đã từng khoác áo tất cả các cấp độ từ U15 đến U21 của Ý.

Ba người còn lại đều đang chơi cho các CLB châu Âu, trong đó tiền đạo Ole Romeny chơi cho Oxford United (giải hạng nhất Anh); tiền vệ tấn công biên Miliano Jonathans chơi cho Utrecht (Hà Lan) và hậu vệ Tristan Gooijer chơi cho Ajax (Hà Lan).

Với sự bổ sung này, đội tuyển Indonesia sẽ rất mạnh trong thời gian tới.

PSSI hiểu và từng phát biểu rằng chưa có nền bóng đá nào phát triển bền vững bằng làn sóng nhập tịch. Tuy nhiên quan điểm của PSSI rất rõ ràng: nhập tịch cầu thủ vì cái đích World Cup 2026, hoàn toàn không loại bỏ cầu thủ nội địa. Bóng đá Indonesia cần tấm vé World Cup để tạo nền tảng phát triển với những chiến lược dài lâu mà ở đó, tương lai bóng đá Indonesia vẫn là sự phát triển hệ thống, bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ.

Malaysia tiếp bước Indonesia để vượt qua Việt Nam

Malaysia cùng bảng F với, Lào, Nepal, Việt Nam tại vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027, và đội đầu bảng mới giành được quyền lọt vào vòng chung kết. Trên lý thuyết, ĐTVN và Malaysia sẽ tranh nhau chiếc vé đến với vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2027, tại Saudi Arabia.

Truyền thông Malaysia vừa đưa tin, LĐBĐ Malaysia (FAM) sẽ đầu tư 30 triệu ringgit (khoảng hơn 6 triệu USD) cho đội tuyển tại vòng loại Asian Cup 2007.

Với số tiền này, FAM dùng để ký hợp đồng với HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia, đó là ông Peter Cklamovski (người Úc gốc Macedonia, từng dẫn dắt các CLB Tokyo FC và Shimizu S-Pulse tại J-League) cũng như từng là trợ lý ở đội tuyển Úc dưới thời Ange Postecoglu – HLV Tottenham Hotspurs hiện tại. Ngoài ra FAM sẽ dùng số tiền này để chi cho việc bổ sung lực lượng cầu thủ nhập tịch, tập huấn, mua sắm trang thiết bị và thi đấu.

FAM cũng cho biết sẽ nhập tịch từ 6 đến 7 cầu thủ có huyết thống Malaysia và hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa để những cầu thủ này có thể thi đấu cho đội tuyển quốc gia Malaysia tại vòng loại ASIAN Cup 2027. Cho đến nay, danh tính các cầu thủ sẽ được FAM đề xuất chính phủ chấp thuận cho nhập tịch vẫn chưa được công bố.

FAM cũng xác nhận việc nhập tịch chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhưng FAM cần đội tuyển Malaysia vượt qua Việt Nam để lần thứ hai liên tiếp dự Asian Cup, và xem giải đấu này là cột mốc bắt đầu thay đổi đội tuyển quốc gia.

***

Ai cũng hiểu nhập tịch chỉ là tầm nhìn ngắn hạn, nhưng vì cần thành tích, cần cú hích để vực lại nền bóng đá nên không còn con đường nào khác là phải gia tăng thêm sức mạnh, sự cạnh tranh bằng nguồn lực cầu thủ nhập tịch. Nói thì dễ nhưng khi đi vào thực tiễn sẽ ra sao?

Bóng đá Saudi Arabia đã phải trả giá. Vì muốn giải vô địch quốc gia vươn tầm thế giới, vì muốn giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2034 mà họ mở rộng số lượng cầu thủ nước ngoài được phép thi đấu cho các CLB ở Saudi Pro League. Với quy định mỗi CLB ở Saudi Pro League được phép đăng ký thi đấu 8 cầu thủ nước ngoài, cộng thêm 2 cầu thủ nước ngoài U21, các cầu thủ Saudi Arabia đã không còn nhiều cơ hội thi đấu đỉnh cao, từ đó dẫn đến đội tuyển quốc gia Arabia Saudi suy yếu.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhập tịch cầu thủ đã là xu thế tất yếu của bóng đá ĐNA, nhưng nhập tịch như thế nào để chỉ có lợi mà không hại?

Chờ xem Indonesia và Malaysia có đạt được mục đích gần và xa?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin
2 giờ trước Góc bình luận
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhập tịch cầu thủ: Giải pháp tình thế của bóng đá Đông Nam Á!