Tại Hội thảo góp ý xây dựng Luật Giá (sửa đổi) ngày 30.6, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng nhiều quy định dự thảo luật là một “bước lùi”.

Nhiều “bước lùi” trong dự thảo Luật Giá sửa đổi

Lam Thanh | 01/07/2022, 09:52

Tại Hội thảo góp ý xây dựng Luật Giá (sửa đổi) ngày 30.6, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng nhiều quy định dự thảo luật là một “bước lùi”.

Vai trò thị trường “khá mờ”

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết năm 2012, Luật Giá được Quốc hội ban hành khẳng định nguyên tắc xuyên suốt và cũng có thể coi là “linh hồn” của Luật đó là “Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Đó là một sự đổi mới mang tính đột phá.

Nay dự thảo Luật không đi theo hướng tách riêng như trên mà lại chú trọng nhấn rất mạnh và có thể coi chủ yếu là vai trò của Nhà nước điều tiết giá cả.

“Điều này khiến chúng tôi có cảm nhận là vai trò của thị trường mà chủ thể của nó là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chiếm vị trí khá mờ (bố cục lẫn trong rất nhiều quyền của chính quyền nhà nước các cấp)”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, về nguyên tắc, việc quy định định giá của Nhà nước “có tính đến lộ trình giá thị trường phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.

Quy định này sẽ được hiểu có tính logic với quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 17: “Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”.

Theo ông Thỏa, quy định này mở đường cho việc quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ mà Luật Giá hiện hành đã đoạn tuyệt.

“Chúng tôi cho rằng đưa ra nguyên tắc này là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành và rất dễ bị lạm dụng trên thực tế; đồng thời mâu thuẫn ngay với quy định tại Khoản 1, Điều 5, dự thảo: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật này thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, phương pháp phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”, ông Thỏa nói.

Thực tế hiện nay có thể có những loại hàng hóa nào đó chưa được tính đúng, tính đủ, tuy nhiên ông Thỏa cho rằng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc thị trường là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt.

Ngoài ra, phần chưa tính đúng, tính đủ đó cần được hỗ trợ bằng chính sách khác ngoài giá (ví dụ như trường hợp giá điện bán cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vẫn theo giá tính đúng, tính đủ, Nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ mua điện này).

Quy định về giá tham chiếu dễ bị lạm dụng

Cũng về nguyên tắc này, ông Thỏa đề nghị cần quy định mở rộng hơn so với Luật Giá hiện hành và dự thảo mới về các yếu tố cấu thành nên giá thị trường, không bó hẹp yếu tố cấu thành giá chỉ là chi phí, bởi vì chi phí chỉ là điểm khởi đầu của giá, giá còn bao gồm yếu tố mang tính quyết định là cung - cầu.

thoa.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Ví dụ như chúng ta đều biết khi xảy ra dịch bệnh giá khẩu trang 50.000 đồng/hộp tăng đột biến lên 350.000 đồng/hộp, dịch tai xanh của lợn xảy ra giá tăng đột biến từ 50.000-60.000 đồng/kg lợn hơi lên 100.000 đồng/kg hoàn toàn không phải do chi phí tăng mà là do cung - cầu.

Nếu chỉ quy định cơ cấu giá là chi phí thì doanh nghiệp hay người làm giá rất khó lý giải với các cơ quan pháp luật khi định giá theo chi phí cộng với cung - cầu. Đã có những thực tế là một số thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nạn hình sự về vấn đề này.

Đối với hình thức định giá, dự thảo luật đưa ra các hình thức định giá gồm giá cụ thể, giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá và có thêm giá tham chiếu do Nhà nước công bố.

Về giá tham chiếu, ông Thỏa cho rằng không nên dùng hình thức này vì thuật ngữ giá tham chiếu thế giới cũng như Việt Nam không dùng cho hàng hóa, dịch vụ, mà thường dùng cho lĩnh vực chứng khoán và nó là giá thị trường, không có ai tính toán để công bố. Giá đó được hiểu là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng và nó là cơ sở để tính ra được mức giá trần hoặc giá sàn của ngày giao dịch đó.

Dù là tham khảo thì vẫn mang tính định hướng quản lý của Nhà nước về mức giá theo một hình thức gián tiếp (kiểu giá cơ sở xăng dầu hiện nay cần được xóa bỏ) trong khi giá này là quyền quyết định của thị trường theo hệ thống tín hiệu khách quan là giá thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nhìn nhận giá tham chiếu sẽ lại rất dễ lạm dụng trong kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý và tạo thêm sự vất vả trong trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Bằng cách công bố giá tham chiếu chính là Nhà nước lại mở rộng diện mặt hàng do mình quản lý - mặc dù là quản lý gián tiếp mềm.

“Thiết nghĩ để giúp doanh nghiệp thực hiện quyền tự định giá của mình đúng pháp luật, Nhà nước hãy làm tốt việc ban hành các quy chế hướng dẫn doanh nghiệp định giá và cung cấp đầy đủ thông tin giá thị trường cho doanh nghiệp tham khảo là đủ”, ông Thỏa nêu.

Xóa bỏ độc quyền trong đào tạo thẩm định giá

Đối với tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá, ông Thỏa cho hay dự thảo kế thừa hai khoản quy định về tổ chức nghề nghiệp của Luật Giá hiện hành nhưng không hiểu tại sao lại xóa bỏ quy định “tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá”.

Trong khi đó, thực tế những năm qua quy định này không chỉ phù hợp với thực tế Việt Nam mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế về thẩm định giá mà Hội Thẩm định giá Việt Nam đang thực hiện đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Việc xóa bỏ quy định này là bất hợp lý.

Đối với dịch vụ thẩm định giá, việc dự thảo quy định khống chế người tham dự kỳ sát hạch cấp thẻ thẩm định viên về giá (tại điểm c, Khoản 2, Điều 48) theo điều kiện “Phải làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá” là tước đi cơ hội của những đối tượng khác muốn thi lấy thẻ.

“Chúng tôi đề nghị cần mở rộng đối tượng dự thi cho tất cả những ai có nhu cầu, còn cho phép hành nghề thì mới nên quy định bắt buộc người có thẻ phải làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá”, ông Thỏa nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều “bước lùi” trong dự thảo Luật Giá sửa đổi