Nhiều DNNN nợ nhiều, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2,1 lần”, ông Phạm Đức Trung - Phó viện trưởng CIEM nói.

Nhiều DNNN đang nợ nhiều, không đảm bảo an toàn tài chính

07/11/2018, 11:29

Nhiều DNNN nợ nhiều, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2,1 lần”, ông Phạm Đức Trung - Phó viện trưởng CIEM nói.

Ảnh minh họa từ Internet

Hiệu quả thấp

Tại hội thảo “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” vừa diễn ra, báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn hạn chế. Lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của DNNN phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và 60 tổng công ty.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh thu và lợi nhuận và nộp ngân sách của DNNN nằm ở các ngành nghề có mức độ cạnh tranh thấp. Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của DNNNrất thấp.

Song song đó, mức độ sẵn sàng đối với Cách mạng công nghiệp 4.0 của DNNN cũng ở mức thấp.

Ông Phạm Đức Trung - Phó viện trưởng CIEM cho rằng tăng trưởng của DNNN có đặc điểm là thâm dụng vốn, đất đai và tập trung con người hơn cả nhưng giá trị gia tăng không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản… là vấn đề bất cập đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, làm tăng chi phí, giảm năng suất và hiệu quả hoạt động.

“Một trong những mục tiêu và yêu cầu đối với DNNN là làm tốt việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh, công nghệ cao… nhưng về tổng thể DNNN chưa đáp ứng yêu cầu này”, ông Trung nói.

Bị nhóm lợi ích thao túng

Về nguyên nhân, chuyên gia này không phủ nhận có nguyên nhân khách quan từ bất lợi thị trường, nhất là vào giai đoạn 2008-2013, tuy nhiên những hạn chế, yếu kém nội tại của doanh nghiệp vẫn là nguyên nhân chính.

“Nhiều doanh nghiệp, dự án thua lỗ do sự yếu kém về năng lực và trình độ quản lý, quản trị của bản thân doanh nghiệp. Nhìn lại các dự án thua lỗ lớn trong thời gian qua đều cho thấy hạn chế về năng lực dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, trình độ quản lý và triển khai dự án của các doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Theo đó, những vấn đề bất cập này đã tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí; không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Hệ thống quản lý, giám sát không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, rất hình thức, thậm chí bị vô hiệu.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính - Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đánh giá cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Cùng với đó là việc chậm thực hiện việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN. Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định.

Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Có thể chậm tiến độ cổ phần hóa

Vẫn theo ông Đặng Quyết Tiến từ Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, có khả năng không đạt theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt là hiện nay, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa; việc thay đổi quản trị doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đánh giá pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất. Các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, nên trong quá trình thực hiện, các DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, văn bản trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước thường có hiệu lực pháp lý không cao. Trong nhiều trường hợp, câu trả lời của các cơ quan quản lý lại chung chung, hoặc giải thích theo hướng an toàn, thậm chí hạn chế hơn so với quy định.

“Việc xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thoái vốn của các DNNN khiến cho việc giải quyết vấn đề không theo các nguyên tắc thị trường, mà thường mang tính chủ quan, áp đặt, đề cao yêu cầu thận trọng pháp lý nên nhiều khi bỏ lỡ các cơ hội đem lại hiệu quả cao hơn”, ông Lai nói.

Ông Lai còn cho rằng có sự khác biệt giữa quy định hiện hành về bán vốn nhà nước và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, pháp luật không trù liệu khoảng thời gian cần thiết để nhà đầu tư tiến hành thủ tục soát xét đặc biệt (due dilligence) trước khi ra quyết định đầu tư. Việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cũng không được quy định như một bước cần có của quy trình bán vốn.

“Với quy trình bán vốn và mức chi phí như hiện nay, trong phần lớn các trường hợp (trừ khi thực hiện IPO) sẽ rất khó có cơ hội để các tổ chức tư vấn đầu tư quốc tế có thể tham gia hỗ trợ cho khách hàng”, ông Lai chia sẻ.

Theo ông Lai, có nghịch lý là bán cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phần không thành công thì trong các lần bán tiếp theo, giá khởi điểm lại được xác định ở mức trên 10.000 đồng/cổ phần. Hệ quả là có những trường hợp SCIC phải thuê tư vấn tổ chức bán đi bán lại tới 8 lần tại cùng một doanh nghiệp nhưng vẫn không thành công.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều DNNN đang nợ nhiều, không đảm bảo an toàn tài chính