Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả 3 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo dòng thời sự

Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Chỉ thị 30 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Lam Thanh 25/11/2024 14:51

Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả 3 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai

Báo cáo nêu trong giai đoạn 2010 - 2018, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả nổi bật, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, yếu kém.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một trong những nhóm nhiệm vụ đầu tiên Chỉ thị 30 nêu ra là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, Chỉ thị số 30-CT/TW nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức…

tieu-dung.jpg
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả nổi bật - Ảnh minh họa

Về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai, báo cáo đánh giá chỉ thị đã được quán triệt đến các chi bộ; ban cán sự đảng bộ các bộ ngành, các tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch phân công các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, bên cạnh hoạt động thường kỳ, năm 2022 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã lập đoàn khảo sát triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 2 bộ và 8 địa phương.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban ngành ở Trung ương và các địa phương.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng luật, đề nghị bổ sung điều khoản để thực hiện vai trò giám sát thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với cơ quan quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ nhằm triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chị thị số 30-CT/TW; ban hành Quyết định số 3577/QĐ-BCT về quy chế giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương.

Các tài liệu này là cơ sở để giám sát, đôn đốc hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của ngành công thương. Đây cũng là tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Trong số 54 tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) trên cả nước gửi báo cáo, có 48 địa phương đã ban hành kế hoạch của tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố để triển khai các nội dung của Chỉ thị 30 trên địa bàn tỉnh mình.

Có thể nói, hầu hết các bộ, ngành, các địa phương gửi báo cáo đều ban hành kế hoạch triển khai của các tỉnh ủy, UBND nhằm phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị hành chính trong phạm vi quản lý.

Tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Về nội dung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, báo cáo đánh giá việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương khá tích cực.

Theo đó, nhiệm vụ tổng kết thi hành luật và xây dựng đề án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương và các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị tốt. Các giải pháp để khắc phục khó khăn vướng mắc trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngoài ra, đã hình thành được hệ thống gồm 54 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 54 tỉnh, thành phố và một Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng chưa có cơ chế hỗ trợ các hội mang tính thống nhất và hiệu quả dẫn đến một số hội khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất, thậm chí có hội đã dừng hoạt động như: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Kạn, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tây Ninh.

Cơ chế quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương đã thống nhất, tuy nhiên, chưa thực sự hiệu quả, còn lỏng lẻo, cơ quan được giao đầu mối chưa thực sự phát huy vai trò kết nối và điều tiết các bộ ngành và các địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ, Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống tổng đài kết nối toàn quốc, tuy nhiên, mới có 57 địa phương tham gia. Trong các địa phương tham gia cũng chưa bố trí nhân sự phù hợp để tiếp nhận, xử lý, tư vấn cho người tiêu dùng.

Hay ví dụ khác về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, hoạt động này đã được Ủy ban Cạnh tranh quốc gia làm rất tốt, với các hợp đồng xét duyệt đã đăng toàn văn lên website của ủy ban để người tiêu dùng và doanh nghiệp được biết đồng thời thông báo cho sở công thương của tỉnh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh được biết, tuy nhiên ở chiều ngược lại thì chưa thực hiện tốt.

Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực thi Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào năm 2024.

Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa trong quá trình xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào ngày 20.6.2023, cũng như chuẩn bị cho hoạt động xây dựng Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan sau khi Quốc hội thông qua luật này.

Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan về Chỉ thị số 30-CT/TW nói riêng và kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.

Bài liên quan
TikTok ngừng hoạt động từ 19.1 nếu không có chỉ thị mới cho Apple-Google, ông Trump sắp ra quyết định quan trọng
TikTok tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại Mỹ vào ngày 19.1 tới trừ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm đảm bảo rằng các công ty như Apple và Google sẽ không bị phạt hoặc chịu hậu quả pháp lý vì tiếp tục hỗ trợ ứng dụng này khi có lệnh cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Chỉ thị 30 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng