Theo báo cáo, hơn 2/5 loài lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng, khiến chúng trở thành nhóm động vật có xương sống chịu nguy cơ cao nhất. Để so sánh, khoảng 1/4 loài động vật có vú và 1/8 loài chim có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Có một câu chuyện ngụ ngôn: Đun nóng từ từ nồi nước bên trong có con ếch và con ếch lại không nhảy ra ngoài. Con ếch không cảm nhận về sự gia tăng nhiệt độ từ từ nên nó sẽ ở yên cho đến khi bị luộc.
Khi nói đến ảnh hưởng của việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên đối với các loài lưỡng cư, câu chuyện ngụ ngôn về ếch luộc không chỉ là một phép ẩn dụ.
Theo một nghiên cứu lớn được công bố hôm thứ tư (4.10) trên tạp chí Nature, biến đổi khí hậu đang nổi lên như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ếch và các loài lưỡng cư khác. Từ năm 2004 đến năm 2022, nhiệt độ tăng cao đã trở thành nguyên nhân chính khiến hơn 100 loài lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng.
J.J. Apodaca, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Bảo tồn loài lưỡng cư và bò sát cho biết: “Đó là một cú sốc và một sự thức tỉnh”.
Sự lây lan dịch bệnh ở ếch và các vùng đầm lầy cũng như môi trường sống khác bị tàn phá bấy lâu nay đã được coi là nguyên nhân khiến nhiều loài lưỡng cư đang suy giảm.
Nhưng nghiên cứu mới này cho thấy biến đổi khí hậu cũng là một nguy cơ lớn đối với các loài lưỡng cư trên toàn thế giới. Những loài động vật này có làn da mềm thiếu vảy, lông và lông vũ như các loài động vật khác để giúp điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong một thế giới ngày càng nóng hơn và khô hạn hơn.
Jennifer Luedtke, điều phối viên nhóm lưỡng cư của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, và là một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Ngày càng có nhiều loài bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
Luedtke kết luận: “Vì vậy, chỉ bảo vệ môi trường sống thôi sẽ không đủ để giảm thiểu rủi ro”.
Chúng ta mất gì khi động vật lưỡng cư biến mất
Theo báo cáo, hơn 2/5 loài lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng, khiến chúng trở thành nhóm động vật có xương sống chịu nguy cơ cao nhất. Để so sánh, khoảng 1/4 loài động vật có vú và 1/8 loài chim có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Kelsey Neam, một đồng tác giả nghiên cứu khác, cho biết ếch và các loài lưỡng cư khác “bị bỏ qua so với các nhóm đáng chú ý hơn như chim và động vật có vú”. Nhưng việc mất đi các loài lưỡng cư sẽ rất thảm khốc vì chúng thường đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn. Trong hệ sinh thái, ếch và các loài lưỡng cư săn côn trùng và làm mồi cho những động vật săn mồi lớn hơn.
Neam, người giống như Luedtke, làm việc cho một nhóm hoạt động môi trường có tên Re:wild (trụ sở tại Austin), cho biết: “Nếu không có những loài lưỡng cư để đáp ứng nhu cầu đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ của chuỗi thức ăn”.
Trong số các loài lưỡng cư đang suy giảm do biến đổi khí hậu có loài ếch coqui ở Puerto Rico, chúng đang phải di cư lên các ngọn núi của quốc đảo khi nhiệt độ tăng lên.
Loài ếch mang tính biểu tượng của quốc đảo ở Caribbean đang giảm kích thước cơ thể và phát tiếng kêu ở âm vực cao hơn khi nhiệt độ tăng (mật độ dày trên diện tích nhất định dẫn đến việc giảm kích thước cơ thể để thích nghi tồn tại, phát ra âm thanh có tần số cao hơn giúp được bạn tình dễ chú ý hơn). Cuối cùng, đảo có thể nóng đến mức mà loài ếch này cũng không còn chỗ sống ở trên núi. Hiện tại, ít nhất ba loài coqui của Puerto Rico được cho là đã tuyệt chủng.
Một kẻ chịu nạn tiềm năng khác của biến đổi khí hậu là cóc vàng ở Costa Rica. Điều kiện nóng hơn và khô hơn trong rừng có thể đã khiến loài cóc sặc sỡ này dễ bị nhiễm một loại bệnh nấm chết chóc thường tấn công da của động vật lưỡng cư. Lần cuối cùng loài cóc này được nhìn thấy vào năm 1989.
Patricia Burrowes, một nhà bò sát học có thâm niên tại Đại học Puerto Rico cho biết đầy tiếc nuối: “Đó là một loài cóc đáng yêu. Tôi thấy buồn khi chứng kiến chúng biến mất”.
Bệnh nhiễm nấm đó, được gọi là bệnh chytridiomycosis, đã tàn phá các quần thể lưỡng cư từ châu Mỹ tới châu Phi và châu Úc, khiến hàng trăm loài lưỡng cư biến mất. Ở mức độ nào đó, nó đang gây ra sự tổn thất đa dạng sinh học tồi tệ nhất so với bất kỳ căn bệnh nào ở động vật hoang dã trong lịch sử.
Không phải tất cả đều là tin xấu
Tuy nhiên, đối với tất cả các mối đe dọa mà ếch phải đối mặt, nghiên cứu kết luận kỳ nhông là loài lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Theo nghiên cứu trên tạp chí Nature, khoảng 3/5 loài lưỡng cư nhỏ có nguy cơ biến mất.
Nhiều loài kỳ nhông chỉ sống ở một nơi, khiến chúng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và sự phân mảnh môi trường sống. Ví dụ, loài kỳ nhông xanh Hickory Nut Gorge chỉ sống trong một hẻm núi dài 24km ở dãy núi Blue Ridge thuộc bang Bắc Carolina (Mỹ).
Đánh giá quan trọng đầu tiên về sự suy giảm số lượng loài lưỡng cư được đưa ra vào năm 2004 và nghiên cứu mới trên tạp chí Nature còn sử dụng dữ liệu từ đánh giá thứ hai mới hoàn thành gần đây. Apodaca, người đã giúp phát hiện ra loài kỳ nhông xanh nhận xét: “Mọi thứ (trong đánh giá mới) thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn”.
Dù vậy, vẫn còn những dấu hiệu hy vọng. Bảo vệ môi trường sống và các biện pháp bảo tồn khác đã giúp phục hồi hơn 50 loài lưỡng cư từ Costa Rica đến Malaysia.
Luedtke nói: “Không phải tất cả đều là tin xấu. Nhưng chúng ta thực sự phải phát huy nỗ lực này và tăng quy mô đầu tư đáng kể vào việc bảo tồn động vật lưỡng cư”.